04/06/2013 09:24 GMT+7

Không đổi tên nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 3-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đa số ý kiến ủng hộ quan điểm không nên đổi tên nước và duy trì điều 4 quy định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quốc hội tranh luận sôi nổi về tên nướcKhông đổi tên nước

wye4jpbv.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh - Ảnh: Việt Dũng

“Bằng niềm tin và sự biết ơn sâu sắc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi nhất trí cao với việc khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng tại điều 4 của Hiến pháp cũng như nhất trí với những nội dung của Ủy ban dự thảo đưa vào trong điều 4” - ông Phạm Đức Châu, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị, bày tỏ.

Đảng “duy nhất lãnh đạo”

"Về nền móng chế độ kinh tế đã được khẳng định, đó là chế độ sở hữu công hữu đối với tư liệu sản xuất chủ yếu thông qua sở hữu toàn dân. Nền kinh tế đóng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước ta, định hướng cho kinh tế thị trường phát triển xã hội chủ nghĩa đó là kinh tế nhà nước, cùng với kinh tế tập thể tạo nên nền móng của chế độ chúng ta về mặt kinh tế. Hai thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết hữu cơ với nhau. Nếu chỉ một trong hai thành tố này thay đổi thì bản chất chế độ chúng ta sẽ thay đổi"

Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ)

Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ đề nghị: “Để phù hợp với thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thành lập, tham gia các đảng phái chính trị, tiến hành hoạt động chống phá cần bổ sung chỉnh lý điều 4 dự thảo văn bản theo hướng quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất, tôi xin nhấn mạnh là duy nhất, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Đồng tình duy trì “điều 4”, nhưng đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) phân tích thêm: “Trong những năm qua bên cạnh những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đạt được trên tất cả các lĩnh vực do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đó là điều không thể phủ nhận. Qua tiếp xúc cử tri cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về những thiếu sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Trên thực tiễn nghị quyết của Đảng có hiệu lực và vị thế cao nhất đối với Nhà nước và xã hội, cán bộ đảng viên và nhân dân ai cũng phải chấp hành. Nhưng nếu chủ trương, nghị quyết đó có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến thiệt hại cho đất nước, làm hao tổn đến tiền của nhân dân thì chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với chủ thể ban hành trước pháp luật. Như vậy, nếu chỉ quy trách nhiệm trước nhân dân mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì rất không cụ thể”.

5iMSH67k.jpgPhóng to
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Ảnh: Việt Dũng

Giữ nguyên tên nước khẳng định mục tiêu xây dựng đất nước

"Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tôi xin nhấn mạnh từ “bình đẳng” là vô cùng ý nghĩa và đúng đắn, đây cũng là nguyện vọng của đại bộ phận cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong cả nước, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục mong muốn hợp tác với Việt Nam"

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà nêu mong muốn của một bộ phận nhân dân trở lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông Hà nhấn mạnh: “Cử tri nhận thấy tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bền vững theo thời gian và cho rằng nó rất thiêng liêng, làm niềm tin của mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh của một dân tộc Việt Nam anh hùng thì không thể một thế lực nào có thể xuyên tạc và làm cho nhân dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Nếu cho rằng tốn kém do đổi tên nước, vậy các lần đổi tên nước trước đây thì sao, phải chăng không tốn kém?”.

Không nghĩ như ông Hà, có ít nhất hơn 20 ý kiến khác cho rằng không nên đổi tên nước. “Ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp” - thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ lên tiếng. Ông Kỳ phân tích: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tên gọi đã được Quốc hội khóa VI quyết định vào ngày 2-7-1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và được sử dụng ổn định cho đến nay. Tên gọi này gắn với giai đoạn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất của đất nước. Tên gọi khẳng định làm rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng tới là phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...”.

“Việc giữ nguyên tên nước sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và đảm bảo ổn định cho hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Giữ vững niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân vào chế độ, vào Đảng và Nhà nước, tránh những tác động bất lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và có thể gây phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự” - ông Kỳ nói.

Đại biểu HUỲNH NGHĨA (Đà Nẵng):

Cần thận trọng, lắng nghe dư luận

Đến nay việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã trải qua gần năm năm nhưng chưa tổng kết việc thí điểm. Qua việc này cũng đủ thấy tính phức tạp, nhạy cảm của đề án thí điểm chưa có điểm dừng, nhân dân các nơi làm thí điểm mất đi chỗ dựa tin cậy. Không biết trách nhiệm thuộc về ai?

Có ý kiến cho rằng không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì HĐND tỉnh, các đại biểu Quốc hội giám sát, điều này là phi thực tế. Bởi vì bản thân HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh cũng chưa thực hiện hết chức năng giám sát của chính quyền cấp tỉnh theo luật định mà còn cáng đáng thêm chức năng giám sát chính quyền cấp quận huyện thì liệu có kham nổi không? Rõ ràng về mặt thực tế và cả lý luận hiện nay chưa thể hóa giải được vấn đề này.

Tôi cho rằng đa số HĐND đều hoạt động tốt, là chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân. Chúng ta không thể căn cứ một số nơi HĐND làm không tốt để nâng quan điểm, xóa bỏ luôn một hệ thống cơ quan đại diện của nhân dân trong cả nước, điều này sẽ rất nguy hiểm, mất dân chủ, mất lòng dân. Vì lẽ trên tôi kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần thận trọng, lắng nghe dư luận để quyết định quyết sách phù hợp, trên cơ sở đó cần lựa chọn phương án tối ưu về chế định chính quyền địa phương.

_____________________

VSJiAxZu.jpgPhóng toVũ Mão (nguyên ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Quan sát nghị trường

Dựa vào dân để phát huy sức dân

Việc thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là rất cần thiết và rất quan trọng. Chính vì vậy Quốc hội đã dành ra hai ngày tại hội trường để Quốc hội thảo luận và có truyền hình, phát thanh trực tiếp để đông đảo cử tri cùng theo dõi. Qua lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu, có thể thấy nhiều vị đã thể hiện được chính kiến của mình cũng như đại diện cho cử tri của mình để nói lên ý nguyện của cử tri đối với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Đến lúc này, chặng đường để sửa đổi Hiến pháp mới đi được một nửa. Chặng đường vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó việc Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu ý kiến nhân dân để trên cơ sở đó đưa ra hai hoặc ba phương án cho một số vấn đề, ví dụ như quy định về tổ chức công đoàn, về các thành phần kinh tế, về chính quyền địa phương... đã thể hiện sự trân trọng ý kiến nhân dân và tinh thần cầu thị.

Nửa chặng đường còn lại tuy thời gian ngắn hơn nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề quan trọng. Việc sửa đổi Hiến pháp trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa cực kỳ quan trọng ở chỗ đây là thời cơ và sẽ là động lực để phát triển đất nước. Trong khi kinh tế đang khó khăn, muốn vực nền kinh tế cần rất nhiều nguồn lực, tuy nhiên có những nguồn lực đơn thuần về kinh tế (vốn) vượt ra ngoài khả năng của chúng ta. Nhưng cũng có những nguồn lực không cần phải đầu tư nhiều nếu chúng ta có tư duy đúng và cách làm đúng. Vậy thì tư duy đúng và cách làm đúng ở đây là biết dựa vào dân, từ đó tiếp tục củng cố và tạo niềm tin hơn nữa trong nhân dân, biết cách phát huy sức dân thì nhân dân chính là lực lượng làm nên những bước phát triển mới của đất nước.

Nhân dân ta một lòng đi theo cách mạng, có lòng yêu nước nồng nàn, chúng ta phải có niềm tin vào nhân dân để phát huy sức mạnh to lớn từ nhân dân trong sửa đổi Hiến pháp lần này.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên