02/06/2013 09:53 GMT+7

Pháo không nổ: nên không?

HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG ghi
HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG ghi

TT - Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Bộ Công an đang nghiên cứu sửa đổi quy định để người dân được mua, đốt pháo không tiếng nổ và nếu được chấp thuận có thể áp dụng trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Pháo không gây tiếng nổ giá từ 10.000 đồng

CxGnG2dV.jpgPhóng to
Với những màn pháo hoa đẹp mắt mỗi dịp lễ tết như thế này, có còn cần pháo không nổ? Trong ảnh: pháo hoa giao thừa Quý Tỵ 2013 tại TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này còn nhiều ý kiến khác nhau. Để rộng đường dư luận, Diễn đàn chủ nhật tuần này giới thiệu một số ý kiến bàn về vấn đề này và mong bạn đọc tiếp tục cho ý kiến riêng của mình.

Ông Bùi Trọng Hiền (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian VN): Không an toàn

Cần phải thấy pháo ảo thuật cũng chỉ là pháo hoa thôi, nhà sản xuất khuyến cáo người sử dụng không nên sử dụng ngoài trời, tránh nơi dễ cháy nổ. Phải đợi pháo cháy xong, tàn hết thì mới đưa vào thùng rác. Như vậy vẫn không an toàn. Nhiều vụ nhà chung cư tưởng than tổ ong đã tàn nên ném vào ống xả rác mà gây cháy, không có gì đảm bảo pháo ảo thuật kia không gây cháy như những viên than tổ ong mà người ta tưởng rằng đã tàn.

Bởi vậy, việc đốt pháo hay không, an toàn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người dân. Pháo ảo thuật không nổ nhưng vẫn gây cháy nên nhà sản xuất đã khuyến cáo nếu người dân vứt rác ra đường thì rất khó kiểm soát. Bản thân tôi cho rằng sử dụng trong đám đông là không an toàn.

Việc đề xuất đốt lại pháo vừa nhằm mục đích bảo vệ văn hóa vừa đảm bảo an ninh là rất mâu thuẫn, việc kiểm soát an ninh về pháo không nổ rất khó. Bởi thật ra pháo ảo thuật đốt xong để lại que, và những que ấy cũng có thể gây bỏng.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (trưởng khoa đô thị học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM): Không nên

Nếu đã cho đốt thì đốt pháo nổ và hãy kiểm soát chặt chẽ. Giao thừa là thời điểm giao thời, là đêm đuổi tà ma nên phải có tiếng nổ và mùi của pháo mới chính là đặc trưng của ngày tết. Tôi cho rằng đốt pháo không nổ là chuyện không nên.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian): Trông chờ vào ý thức người dân

Pháo gắn với truyền thống văn hóa, nhưng chính người đốt biến pháo thành thứ vũ khí nguy hiểm. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất cấm đốt pháo, tôi đã rất đồng thuận với quyết định này. Vấn đề an toàn đối với tính mạng con người không phải là pháo mà chính bởi ý thức của những người đốt pháo.

Vấn đề đặt ra hiện nay chính là con người, khi nào người VN trả lại văn hóa cho pháo thì hãy đốt pháo, còn sử dụng pháo ngoài mục đích văn hóa thì không nên đốt pháo.

Ông Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội): Không nên cho đốt pháo trở lại

Tôi cho rằng cấm đốt pháo là một thành tích rất lớn trong công tác quản lý nhà nước của ta. Tôi nói như vậy là vì tác hại nhiều mặt của tập quán đốt pháo. Nó không chỉ gây tiếng ồn mà còn gây ô nhiễm do khói thuốc nổ độc hại, gây sát thương và cực kỳ lãng phí trong những dịp như đám cưới, đám hỏi hay dịp tết. Những hệ lụy đó ta không kiểm soát được, đến mức những người rất nghèo cũng phải tốn tiền vì pháo.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng cần phải khôi phục tập quán đốt pháo bằng những loại pháo khác, không gây tiếng nổ. Vấn đề đặt ra là nó có ô nhiễm, tốn kém, nguy hiểm hay không? Những chuyện đó phải xem lại, phải cân nhắc giữa cái lợi, cái hại. Riêng cá nhân tôi thấy rằng tập quán này đã xóa được thì không có lý do gì phải khôi phục trở lại, vì xét về sâu xa, đốt pháo là phong tục từ Trung Quốc du nhập qua nước ta. Nếu khôi phục đốt pháo, thị trường pháo Trung Quốc sẵn sàng chờ dịp ta bật đèn xanh là ồ ạt đưa hàng sang, rất khó quản lý. Còn xét về những dịp lễ tết, những dịp vui của ta còn nhiều điều phải bàn hơn: có thể khôi phục các trò chơi dân gian, tổ chức biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật truyền thống...

Lý do gì đốt pháo không nổ?

Rất nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ lên tiếng khi vấn đề pháo không nổ được đăng báo.

* Vì pháo gây nhiều tác hại là tai nạn, ô nhiễm nên việc cấm đốt pháo đã được nhiều người dân đồng tình, cho đến nay việc tết không đốt pháo đã trở thành quen. Nay không hiểu vì lý do gì lại đề nghị cho sử dụng loại pháo không nổ. Tôi chưa được biết cụ thể loại pháo này thế nào, nhưng chắc chắn một điều là sự lãng phí, ô nhiễm môi trường và tai nạn vẫn tiềm ẩn. (vinhkhang7852@...)

* Người dân đã dần quên tiếng pháo. Cũng vì thế, những ngày tết đã không còn xảy ra tai nạn do pháo nữa. Bây giờ lại dự định quay lại? Với ý thức của trẻ nhỏ, sao không xảy ra tai nạn, ví dụ cháy mặt, mù mắt? (modiachat89@...)

* Từ rất lâu rồi xã hội chúng ta không còn mơ tới pháo nữa, đã quen rồi, chỉ lâu lâu có dịp lễ, tết xem bắn pháo hoa tí cho vui mắt thôi. Do vậy đề nghị cấm luôn, pháo gì cũng có hại, cũng tốn tiền, cũng nhiều hệ lụy tiêu cực đi kèm. Đang thực hiện tốt chuyện cấm đốt pháo, giờ lại nghiên cứu cho đốt pháo là sao? (Trần Anh Tuấn)

* Mọi người cứ nói đốt pháo là lãng phí, nói vậy thì nên cấm cả cà phê, ngồi uống vừa mất thời gian và cũng chẳng có lợi cho sức khỏe. Còn về đời sống tinh thần, trong những ngày lễ tết mọi người có quê không? Mọi người cứ về các vùng quê trong những ngày tết thì rõ, đúng là tối như đêm 30, lúc 9-10g đêm là đã đi ngủ vì có gì để vui chơi đâu, pháo hoa thì chỉ có ở thành phố, mà chúng ta nên nhớ là 70% dân số VN sống ở nông thôn. Từ năm 1995 đến nay việc bắn pháo hoa trong các ngày tết chỉ phục vụ 30% dân số của cả nước thôi. (Đỗ Sông Hương)

* Tôi ủng hộ việc sử dụng pháo không tiếng nổ, chỉ có ai đi qua tuổi thơ có tiếng pháo mới hiểu được niềm vui trong đêm giao thừa mỗi khi xuân về là như thế nào. Đã bao nhiêu năm cấm đốt pháo vì không an toàn, nên mỗi khi xuân về tôi luôn ngủ trước giao thừa vì rất buồn khi cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Thế nhưng hiện nay đã nghiên cứu về tính an toàn cho loại pháo không tiếng nổ như vậy rất đáng hoan nghênh. Tôi rất mong tết năm nay không phải ngủ trước giao thừa nữa. (Phạm Thị Tâm)

* Ai dám đảm bảo rằng pháo không nổ là an toàn? Tôi cho rằng không có gì đảm bảo chắc chắn trong nay mai, nếu pháo không nổ được sử dụng là an toàn. Từ khi cấm đốt pháo đến nay có gì trở ngại cho cuộc sống đến mức bắt buộc phải có pháo, dù đó là pháo không nổ? Truyền thống chăng? Tôi cho rằng không phải, vì nhiều năm qua có phải chúng ta phai nhạt truyền thống nào đó vì không đốt pháo? Nên nhớ rằng truyền thống và văn minh của một dân tộc không có nghĩa là chấp nhận những gì của quá khứ và giữ nguyên nó. Lý do gì để đốt pháo không nổ? Vì đó là truyền thống? Không, pháo không nổ không phải là truyền thống.

Và tôi cũng không đồng ý quan điểm nên cho đốt pháo lại. Ý thức sử dụng của người dân sau nhiều năm đã được nâng lên là lý do được mang ra làm thước đo để có ý kiến cho rằng nên cho đốt pháo (cả nổ và không nổ), nhưng khi chết người hay thương tật xảy ra thì người ta lại... đổ lỗi cho ý thức người dân! (Trần Hoa Lan)

HOÀNG ĐIỆP - MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên