01/06/2013 05:55 GMT+7

Tiếp công dân: chưa rõ trách nhiệm

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG
LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG

TT - Chiều 31-5, thảo luận ở tổ về dự thảo Luật tiếp công dân, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo này khó tạo đột phá trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đang rất phức tạp hiện nay.

x4EggvmK.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh): “Nếu cứ chuyển đơn mãi thì dân cũng chán -”Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) nêu vấn đề: “Tôi cho rằng cán bộ chuyên trách tiếp dân thì tiếp xong rồi chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng. Còn cán bộ lãnh đạo tiếp dân xong phải giải quyết luôn những vụ việc nằm trong thẩm quyền chứ? Dự thảo luật chưa làm rõ chuyện này. Thực tế lãnh đạo TP.HCM khi tiếp dân thường đưa ra hướng giải quyết luôn. Điều này được nhân dân rất đồng tình vì mong muốn của dân khi tìm đến cơ quan chức năng là vấn đề của mình sớm được giải quyết”.

Chưa rõ, chung chung, không thực tế

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) băn khoăn: “Nếu quy định tiếp công dân chung chung như thế thì rất dễ xảy đến chuyện đùn đẩy. Lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước tiếp thì quyết luôn được, chứ đại biểu Quốc hội thì làm sao quyết? Cái này phải làm rõ!”.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng luật phải quy định rõ các trường hợp, tình huống trong việc tiếp công dân. “Cần có ba hình thức: thứ nhất là phải có người tiếp thường xuyên tại trụ sở để tiếp nhận, xử lý ban đầu; thứ hai là tiếp định kỳ của lãnh đạo; thứ ba là tiếp đột xuất khi có sự việc xảy ra. Nhưng tôi thấy dự luật chưa quy định rõ những trường hợp trên” - ông Sơn nói. Ông Sơn cho rằng tại trụ sở tiếp công dân ngày thường thì các cơ quan có trách nhiệm ở đó để tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận đơn từ, ý kiến để chuyển đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết, chuẩn bị nội dung cho lãnh đạo tiếp định kỳ. “Nếu cứ chuyển đơn mãi thì dân cũng chán, nên người tiếp dân phải có trình độ, kiến thức để giải thích vấn đề ngay tại đó. Luật cũng phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo” - ông Sơn nói.

Khi thẩm tra dự thảo Luật tiếp công dân, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng việc đưa ra quy định “cứng” người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải dành một ngày hay một buổi trong một tháng để trực tiếp tiếp công dân là không phù hợp với thực tế, thiếu tính linh hoạt và cũng không thật sự hiệu quả, bởi mỗi cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên nhu cầu tiếp công dân cũng khác nhau.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Gòn (TP.HCM) dẫn chứng: “Quy định người đứng đầu các cơ quan của Quốc hội, người đứng đầu HĐND các cấp, rồi đến cả tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực cũng phải tiếp dân nữa thì không thực tế, có tiếp cũng chỉ đến nghe rồi chuyển đơn thôi. Đừng tạo cảm giác chỗ nào cũng tiếp công dân. Quan trọng là hiệu quả tiếp dân thế nào. Rồi còn quy định phải đi thực tế. Nói thật, bình thường thời gian tiếp dân đã không có, có nhiều vị còn né tránh, lấy đâu mà đi thực tế. Quy định vậy mà không làm được thì cũng như không!”.

Băn khoăn tư cách “trụ sở tiếp công dân”

Một trong những quy định đáng chú ý trong dự luật này là tổ chức hệ thống trụ sở tiếp công dân ở ba cấp (gồm trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, trụ sở tiếp công dân cấp huyện). Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước được xác định là cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh là đơn vị thuộc văn phòng UBND cấp tỉnh, có con dấu riêng; còn trụ sở tiếp công dân cấp huyện được xác định là thuộc văn phòng UBND cấp huyện.

Băn khoăn về mô hình này, báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Pháp luật cho rằng: “Cách thức tổ chức cũng như việc xác định địa vị pháp lý, tư cách của trụ sở tiếp công dân các cấp trong dự thảo luật thiếu sự thống nhất. Trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh, là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Vì đây không phải là cơ quan có đủ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mà chỉ là địa điểm ngồi chung của đại diện nhiều cơ quan khác nhau nên một số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên coi trụ sở tiếp công dân là một đơn vị có tư cách pháp nhân độc lập.

Ông Trần Tiến Dũng (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh) nhận xét: “Trụ sở tiếp công dân của Đảng, Nhà nước, rồi mời cả Mặt trận Tổ quốc sang ngồi chung. Tôi thấy có gì đó vướng mắc, không ổn. Bởi trách nhiệm tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì trước hết thuộc các cơ quan nhà nước: Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp, HĐND, UBND... Còn hệ thống cơ quan chính trị tiếp dân có mục đích khác, phương pháp khác”. Ông Dũng không đồng tình trao tư cách pháp nhân cho trụ sở tiếp công dân có con dấu, tài khoản riêng. “Trụ sở tiếp dân là nơi các cơ quan ngồi đó mà tiếp dân chứ không phải là cơ quan nhà nước mà lại cho tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng. Có chăng chỉ là con dấu của văn phòng để chuyển đơn thư đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết” - ông nói.

Mặc áo tang, mang quan tài đến thì sao?

“Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên lần đầu tiên tiếp công dân với tư cách là một đại biểu Quốc hội. Lần đó có người đến ngồi đúng 1 giờ 45 phút và chửi bới không tiếc lời tất cả lãnh đạo địa phương. Thấy người này không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, anh em ở trụ sở mới tìm cách “giải vây” cho tôi. Thế là người này quay ra đòi “xử lý” luôn cả tôi. Có người gặp tôi 4-5 lần, cũng câu chuyện đó, yêu cầu đó rồi quyết liệt bắt tôi phải nhận đơn, tôi từ chối thì hăm dọa làm đơn tố cáo tôi. Cho nên dự thảo luật quy định những trường hợp được từ chối tiếp công dân tôi thấy rất hợp lý. Người tiếp công dân cũng cần được tôn trọng và bảo vệ” - đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) kể.

Tuy nhiên theo các đại biểu, những quy định này vẫn chưa đủ. “Cần bổ sung quyền được từ chối với những người đã được tiếp nhiều lần nhưng nội dung phản ảnh không có gì mới. Thực tế ở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có người mới vừa gặp anh Trần Du Lịch xong đã chạy qua gặp tôi, nói lại chuyện đã nói” - đại biểu Huỳnh Thành Lập bổ sung.

Đại tá Phạm Trường Dân (phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) nêu quan điểm: “Tôi cũng băn khoăn trong tình huống là ở Quảng Nam đã có trường hợp người ta mặc đồ tang đến chỗ tiếp công dân để khiếu nại. Thậm chí có những địa phương người ta mang cả quan tài đến để khiếu kiện. Có những trường hợp bệnh nặng cũng khiêng tới. Nên nghiên cứu để cấm các trường hợp này. Về khiếu kiện đông người cần phân ra hai tình huống: trường hợp thứ nhất nếu người ta đến trong trật tự, bình thường thì cơ quan tiếp dân cử người ra đối thoại, những người khiếu kiện cử đại diện gặp cơ quan tiếp dân; trường hợp thứ hai là gây rối trật tự an ninh công cộng thì phải có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng tiếp công dân, cơ quan dân vận, cơ quan công an...”. Ông Dân đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định rõ các tình huống này.

Luật bảo vệ thực vật hay bảo vệ con người?

Thảo luận tổ chiều 31-5, các đại biểu đã góp ý cho dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thẳng thắn: “Bây giờ do hám lời, người ta dùng hóa chất tăng trọng cho thực vật cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Hiểm họa này cũng tương đương ma túy. Nhưng đọc kỹ thì thấy dự thảo luật còn lơ mơ lắm”.

Ông Lịch đề xuất: “Phải xác định luật bảo vệ thực vật hay bảo vệ sức khỏe con người? Đọc luật chỉ thấy các quy định để bảo vệ thực vật, nhưng tôi cho rằng mục đích cơ bản của luật này là bảo vệ sức khỏe con người chứ! Những người sử dụng hóa chất, sử dụng thuốc trên thực vật mà gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người thì xử làm sao? Phải quy định: sử dụng, mua bán, tích trữ hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe đều phạm tội. Và khi luật ra đời phải bỏ kinh phí in tờ rơi phát tới từng hộ dân, phát tới tay nông dân để tuyên truyền cho họ biết. Không được tiếc tiền làm chuyện này để ngăn chặn thảm họa về sức khỏe cho cả dân tộc”.

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên