Phóng to |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (bìa trái) trong buổi tiếp công dân ngày 8-1-2013 - Ảnh: Viễn Sự |
Khoản 2 điều 7 của dự thảo luật đã liệt kê ba loại trụ sở tiếp công dân gồm trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, trụ sở tiếp công dân cấp huyện.
“Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước được xác định là cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh là đơn vị thuộc văn phòng ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có con dấu riêng; còn trụ sở tiếp công dân cấp huyện được xác định thuộc văn phòng ủy ban nhân dân cấp huyện” - ông Tranh cho hay.
Thẩm tra dự án luật, một số thành viên Ủy ban Pháp luật tuy tán thành với việc cần tổ chức các trụ sở tiếp công dân chung nhưng đề nghị không coi đây là các cơ quan có tư cách pháp nhân độc lập mà chỉ nên tổ chức là một bộ phận của cơ quan có thẩm quyền tiếp công dân. Ví dụ như trụ sở tiếp công dân ở trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ, trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh thuộc thanh tra tỉnh hoặc văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh...
“Một số ý kiến cho rằng cách thức tổ chức cũng như việc xác định địa vị pháp lý, tư cách của trụ sở tiếp công dân các cấp trong dự thảo luật đang có sự thiếu thống nhất. Trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh; là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.
Ông Lý cho rằng: “Không nên xác định trụ sở tiếp công dân là một cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân như quy định trong dự thảo luật vì các trụ sở tiếp công dân không có tổ chức bộ máy riêng (do người làm việc tại các trụ sở này chỉ là đại diện của các cơ quan khác nhau, không chịu sự quản lý chung về mặt tổ chức nhân sự, những người làm việc trong trụ sở tiếp công dân chỉ có chức năng giúp việc cho cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền tiếp công dân mà không đủ thẩm quyền giải quyết)”.
Vẫn theo ông Lý: “Nếu coi đây là cơ quan độc lập thì vô hình trung sẽ tạo ra một cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh, không phù hợp với các luật hiện hành như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức các trụ sở tiếp công dân chung như vậy sẽ mâu thuẫn với trách nhiệm tiếp công dân của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị".
Trên cơ sở các ý kiến nêu trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị ban soạn thảo cần phân tích đầy đủ và thuyết phục hơn về việc quy định trụ sở tiếp công dân có chức năng, thẩm quyền, địa vị pháp lý của một tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân. Nên chăng chỉ nên quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất của trụ sở, nơi tiếp công dân, cách thức phối hợp các hoạt động tại trụ sở tiếp công dân, trách nhiệm quản lý trụ sở tiếp công dân cũng như một số nguyên tắc để xây dựng nội quy của trụ sở, nơi tiếp công dân, còn việc tiếp công dân phải do người có thẩm quyền được các cơ quan có trách nhiệm phân công thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận