27/05/2013 09:01 GMT+7

Hộ khẩu không là gì, nhưng lại là tất cả

MAI HƯƠNG - LÊ KIÊN - VIỄN SỰ thực hiện
MAI HƯƠNG - LÊ KIÊN - VIỄN SỰ thực hiện

TT - “Hộ khẩu không có lỗi mà chính do suy nghĩ cục bộ đã biến hộ khẩu thành một thứ giấy phép” - ông Trần Vĩnh Tuyến - chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM - nói như thế về hiện trạng nhiều ngành đang lợi dụng hộ khẩu.

Đừng xem hộ khẩu là một thứ giấy phépHộ khẩu thành giấy phép!

L6XJm7yw.jpgPhóng to
Thiếu tướng Lê Đông Phong

Xu hướng siết chặt nhập khẩu vào các TP lớn đang được Quốc hội bàn thảo trong chương trình nghị sự về sửa đổi, bổ sung Luật cư trú. Một số đại biểu cho rằng có nhận thức sai về hộ khẩu, còn người nhập cư có không ít nỗi niềm.

* Thiếu tướng Lê Đông Phong (đại biểu Quốc hội, phó giám đốc Công an TP.HCM):

Tự do cư trú không phải muốn ở đâu thì ở

* Ông nói thế nào về việc sửa đổi, bổ sung Luật cư trú?

"Trong Luật cư trú, người ta chỉ ghi là “đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo thay đổi nơi cư trú” chứ không hề nói là “cấp phép thường trú hay cấp phép tạm trú”. Từ thực tế bất cập của một số ngành, một số lĩnh vực, rồi dùng hộ khẩu như giấy phép đã gây ra nhận thức sai lầm nữa là việc quản lý cư trú gây khó dễ cho công dân"

Thiếu tướng Lê Đông Phong (đại biểu Quốc hội, phó giám đốc Công an TP.HCM)

- Dự án sửa đổi bổ sung Luật cư trú lần này nhằm đáp ứng một yêu cầu cấp bách trước mắt là giải quyết những bất cập trong cư trú và quản lý cư trú. Ta nên nhận thức rằng đây là sự quy định cụ thể hơn để đảm bảo trật tự trong công tác quản lý cư trú, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, chứ nó không phải là sự ràng buộc để gây khó khăn hơn trong cư trú.

* Theo ông, xu hướng siết chặt nhập khẩu vào các thành phố lớn có đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp về quyền tự do cư trú của công dân hay không?

- Tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân. Nhưng cũng nên nhận thức rằng khi nói đến quyền của công dân thì phải có mối quan hệ giữa công dân với pháp luật, công dân với Nhà nước. Tự do cư trú không phải là muốn ở đâu thì ở, bất chấp yêu cầu quản lý của một xã hội. Điều này cũng xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, của công dân. Nếu vẫn hiểu tự do cư trú là cư trú bất chấp pháp luật, cư trú một cách tự phát sẽ gây ra tình trạng rất lộn xộn, không chỉ làm trở ngại cho công tác quản lý của Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

* Ông nghĩ thế nào về “quyền năng” của hộ khẩu hiện nay khi nhiều cơ quan, tổ chức xem hộ khẩu là một thứ giấy phép?

- Quả là có những bất cập nhất định trong quản lý các vấn đề kinh tế - xã hội. Ví dụ như chuyện giải quyết vấn đề học hành. Đúng ra phải dựa vào tình trạng cư trú thực tế, khả năng, nhu cầu của người dân cũng như khả năng của các cơ sở giáo dục thì người ta lại dựa vào hộ khẩu để phân bổ, điều tiết khu vực. Thực tế này tạo ra áp lực, tạo ra nhận thức không đúng về hộ khẩu, xem hộ khẩu là thứ giấy phép đầu tiên, trong khi thực chất không phải như vậy.

Các thủ tục về quản lý cư trú là chỉ để ghi nhận thực trạng cư trú của công dân ở những mức độ và hình thức khác nhau. Ta thống kê, quản lý là để nắm thực trạng chứ không phải để phân biệt công dân hạng 1, công dân hạng 2, không phải là cấp phép cho ở hay không cho ở. Còn người ta có ở được hay không lại phụ thuộc công ăn việc làm, chỗ ở, điều kiện của nơi họ cư trú. Quy định như vậy là hướng tới quyền lợi của công dân nhiều hơn chứ không phải chỉ vì nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước.

3h5CagFv.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy

* Bà NGUYỄN THỊ KIM THÚY (đại biểu Quốc hội đoàn TP Đà Nẵng):

Thêm giấy tờ là thêm phiền nhiễu

"Để hộ khẩu không trở thành một loại giấy tờ nhạy cảm, dễ làm tổn thương người dân, tôi nghĩ ngay trong Luật cư trú phải quy định rất chặt chẽ hộ khẩu được dùng vào những việc gì, không được dùng vào những việc gì, bởi trên thực tế cũng đã có nơi coi hộ khẩu như một giấy phép con nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý của mình"

NGUYỄN THỊ KIM THÚY (đại biểu Quốc hội đoàn TP Đà Nẵng)

Tôi nghĩ rằng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú đưa ra lần này là cần thiết, trong bối cảnh tại các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng quá tải về giao thông, bệnh viện, trường học, môi trường... do sức ép quá lớn về mật độ dân cư.

Tuy nhiên, như tôi đã phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, chúng ta đừng đưa ra những quy định dành thuận lợi cho cơ quan quản lý mà đẩy cái khó cho người dân. Chẳng hạn như quy định phải có xác nhận của chính quyền địa phương về diện tích nhà ở là không cần thiết, gây phiền hà cho người đi đăng ký hộ khẩu thường trú, dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực. Lẽ ra tôi là một người dân đi đăng ký thường trú, tôi chỉ cần khai báo là nhà tôi đang ở có diện tích chừng này, nếu chính quyền nghi ngờ tôi khai gian thì chính quyền tổ chức xác minh, tại sao lại đòi tôi phải xin xác nhận? Thêm một giấy tờ là thêm phiền nhiễu, thêm khó dễ cho người dân.

* Lý do quan trọng nhất biện hộ cho việc siết điều kiện nhập cư đó là sức ép dân số, nhưng nhiều người quan ngại rằng biện pháp này khó mang lại hiệu quả...

- Tôi đồng ý với các ý kiến cho rằng để giảm sức ép dân cư ở nội thành thì biện pháp giãn dân căn cơ nhất vẫn là tổ chức, phân bổ lại dân cư bằng quy hoạch đô thị thật tốt. Đó là việc xây dựng các đô thị vệ tinh với mạng lưới giao thông, y tế, giáo dục, thương mại, nhà ở thật tốt, đặc biệt là đi kèm với tổ chức lại về công ăn việc làm, nhà máy, xí nghiệp. Việc di dời các cơ sở giáo dục, bệnh viện, nhà máy ra khỏi nội thành một cách hợp lý cũng là một giải pháp. Đồng thời trong nội thành thì phải quản lý quy hoạch thật tốt, nhiều người nói rằng hạn chế sức ép dân cư mà trong nội thành cứ để những tòa nhà văn phòng chọc trời, những chung cư chen chúc đua nhau mọc thì rất khó để giảm sức ép dân cư.

Trong tình cảnh như hiện nay, tôi thấy rằng việc quy định chặt chẽ các điều kiện nhập cư là giải pháp tạm thời nhưng cũng cần thiết. Chúng ta nghĩ về quyền lợi của những người mới đến, có mong muốn nhập cư vào nội thành, nhưng chúng ta cũng phải bảo vệ những cư dân đã sinh sống lâu dài, ổn định.

* Tự do cư trú là quyền cơ bản của công dân. Nếu siết điều kiện nhập cư sẽ tạo ra các loại công dân khác nhau trong cùng một địa bàn, tức chỉ những người có hộ khẩu mới là công dân hạng nhất, như vậy sẽ tạo ra bất bình đẳng?

- Tôi hiểu rằng tự do cư trú là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận, nhưng việc thực hiện quyền ấy lại theo quy định của pháp luật, tức là căn cứ theo quy định do Quốc hội ban hành. Tôi nghĩ rằng vấn đề là quy định thế nào để đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu quản lý và cái quyền của công dân, không hạn chế quyền của người dân nhưng cũng không thể mở bung ra được, bởi nếu chúng ta suy nghĩ đơn giản là tôi có quyền tôi muốn làm gì cũng được thì quyền của mình lại ảnh hưởng đến tự do của người khác.

* Điều mà người dân lo ngại nhất là sổ hộ khẩu trở thành thứ giấy phép cản trở nhiều quyền lợi khác, ví dụ trẻ em sẽ không được tiếp nhận (hoặc được tiếp nhận nhưng phải đóng nhiều tiền) vào trường công nếu không có hộ khẩu thường trú ở nơi đó?

- Đây là vấn đề mà cá nhân là một đại biểu Quốc hội tôi cũng rất suy nghĩ. Trẻ em có quyền bình đẳng trong học hành, trong chọn trường, chọn lớp. Nhưng có một thực trạng là do muốn chọn trường, lớp có chất lượng nên xảy ra tình trạng quá tải ở một số khu vực. Việc quy định ưu tiên có hộ khẩu cũng là để đảm bảo các em có điều kiện học gần nhà. Nếu chúng ta quy định ai muốn vào học cũng được thì như tôi nói ở trên là tự do của mình lại ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, một lớp có 30 em học sinh là vừa nhưng phải nhận đến 50 em là quá tải. Việc khám chữa bệnh cũng vậy, để tình trạng quá tải thì làm sao có chất lượng cao được.

* Ông Trần Vĩnh Tuyến (chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM):

Nhiều ngành đang lợi dụng hộ khẩu

Tôi đồng ý với việc phải dùng hộ khẩu để quản lý nhân khẩu, nhưng cần xác định đây chỉ là nghiệp vụ của ngành công an. Nhiều ngành, nhiều nơi đang lợi dụng hộ khẩu như một điều kiện và đã đẩy hộ khẩu vượt ra mục đích quản lý con người mà ngành công an đặt ra.

Tôi đơn cử, muốn dùng điện nước theo giá tiêu chuẩn thì phải có hộ khẩu, công an đâu đặt ra thủ tục đó. Muốn đặt đồng hồ điện, đồng hồ nước phải là người chủ nhà, vì vậy yêu cầu đặt ra là phải có giấy chứng nhận nhà ở - đất ở, chứ đâu cần phải hộ khẩu. Chẳng qua là từng ngành cứ muốn xác định vị trí của ngành mình rồi ra điều kiện. Chuyện tuyển nhân lực cũng vậy, nếu lấy tiêu chí chọn nhân tài phù hợp với nhiệm vụ mà địa phương đang cần thì không cần hộ khẩu gì hết, chỉ cần xác định bằng cấp chuyên môn và năng lực thực tế. Nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn muốn vịn vào hộ khẩu. Như vậy lỗi cũng đâu phải do hộ khẩu.

Hộ khẩu không là cái gì cả, nhưng vì từng ngành lại không biết căn cứ vào loại giấy tờ nào để xét duyệt và cứ chọn hộ khẩu cho chắc ăn. Bản thân hộ khẩu không có lỗi gì mà chính suy nghĩ cục bộ của từng ngành, từng địa phương đã biến hộ khẩu thành một thứ giấy phép.

Về điều kiện để có hộ khẩu tại các TP lớn, theo tôi, những người nào cư trú thường xuyên, có việc làm thì nên cho họ nhập hộ khẩu. Bởi hộ khẩu là cách để quản lý những người thường xuyên làm việc, sinh sống trên địa bàn, không nhất thiết đặt ra điều kiện. Ví dụ tôi mua căn nhà ở quận 1, điều kiện đủ nhưng trong thực tế tôi không ở đó thì liệu có quản lý được tôi không? Mục tiêu hộ khẩu là quản lý con người và trong trường hợp này thì rõ ràng là quản lý không được. Trái lại, có những người làm việc thường xuyên nhưng do không đáp ứng điều kiện thì vẫn không nhập hộ khẩu được. Như vậy là không công bằng.

* Chị Lý Thị Phương (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Không hộ khẩu, thiệt đủ đường

Tôi quê ở Mỏ Cày (Bến Tre), chồng quê ở Huế. Vợ chồng đến Sài Gòn thuê nhà ở mười năm nay. Chủ nhà cũ không chịu đăng ký tạm trú, ba năm nay chuyển sang nhà trọ mới, được đăng ký tạm trú liên tục nhưng vẫn chưa làm được KT3. Chồng tôi đến phường làm thủ tục đăng ký rất nhiều lần nhưng cứ mỗi lần lại thiếu một loại giấy tờ dù đã có chủ nhà xác nhận, bảo lãnh.

Có lúc chồng tôi muốn sang Campuchia làm công trình xây dựng, nhưng không có KT3 nên cũng không đi được. Con trai tôi sinh năm 2007, tháng 8 tới là đủ tuổi vào lớp 1, nhưng vì không có KT3 nên chưa biết sẽ cho con học ở đâu. Gửi con về quê thì không đành lòng, nhưng để lại Sài Gòn thì phải đi học trái tuyến, cực lắm, học dân lập thì không đủ tiền. Tôi đi hỏi cho cháu học phổ cập hết lớp 5 ở trường dành cho trẻ em mồ côi, lang thang, người ta nói sẽ nhận. Nhưng học hết lớp 5 rồi có được học tiếp nữa hay không thì cũng không biết được.

* Anh Trần Anh Khoa (kỹ sư dầu khí, ở Q.7, TP.HCM):

Đọc dự luật nhập cư mà buồn

Vợ chồng tôi mua nhà chung cư ở Q.7. Mặc dù đã nhận nhà, vào ở bảy tháng nay nhưng chủ đầu tư vẫn chưa giao sổ hồng mà mới chỉ có hợp đồng mua bán. Chúng tôi đang đợi chủ đầu tư giao đủ giấy tờ và đợi cho đủ thời gian tạm trú một năm rồi làm hộ khẩu, nhưng nghe nói sắp tới có thể luật mới sẽ yêu cầu phải tạm trú tới hai năm. Thế là kế hoạch sinh con năm sau lại phải lùi lại, chỉ vì đợi cái hộ khẩu. Ai cũng biết không có hộ khẩu thì phiền phức, sau này còn giấy khai sinh, cho con đi học nữa. Ngay cả bây giờ ở đây nhưng không có hộ khẩu cứ thấy mình như là người ở tạm giữa nhà mình. Khu phố sinh hoạt, nhiều khi mặc cảm mình là dân ngụ cư, chẳng muốn tham gia...

Thật ra, nếu không có hộ khẩu, chúng tôi vẫn sống như bình thường, nhưng đúng là không thể yên tâm làm việc được. Hai vợ chồng đi làm bao nhiêu năm mới mua được cái nhà, trông từng ngày để nhập được hộ khẩu thành phố, nay nghe đề xuất luật mới lại thấy ngày đó càng xa vời.

* Anh Nguyễn Hoàng Anh (chung cư Gia Phú, Q.Bình Tân):

Người ở trọ không tự quyết định được hộ khẩu

Quy định về hộ khẩu đối với những người ở trọ, ở nhờ là phải có xác nhận bảo lãnh của chủ nhà về việc có chỗ ở hợp pháp, nhưng thực tế không phải chủ nhà nào cũng sẵn sàng xác nhận cho người ở trọ, ở nhờ. Tôi tốt nghiệp đi làm ổn định ở TP.HCM hơn mười năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa có hộ khẩu dù trước đây vợ chồng tôi đã ở trọ tại một địa điểm trong suốt tám năm. Tuy nhiên, khi tôi nhờ chủ nhà xác nhận để có KT3 thì chủ nhà trọ cứ ậm ừ và sau cùng là từ chối thẳng vì họ không am hiểu pháp luật, sợ sẽ gặp rắc rối nếu xác nhận.

Như vậy, có một vấn đề mà theo tôi, Luật cư trú đã làm khó những người đang ở trọ là bản thân họ không thể tự quyết định được điều kiện để có KT3 hay hộ khẩu, dù có thực hiện đúng yêu cầu mà luật đã đặt ra là có chỗ ở ổn định và hợp pháp.

* Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (công nhân Khu công nghiệp Tân Bình):

Không dễ đáp ứng điều kiện có chỗ ở 5m²/người

Một trong những điều kiện để có hộ khẩu là phải có chỗ ở, với diện tích từ 5m²/người trở lên. Điều này nghe qua tưởng dễ, nhưng từ Hà Tĩnh vào TP.HCM làm công nhân đã năm năm nay, chưa khi nào tôi ở được nhà trọ quá 16m² mà lúc nào cũng ở từ 4-5 người, thậm chí đông người hơn để tiết kiệm. Công nhân lương thấp, nhà trọ chỉ cần có chỗ nấu ăn, đủ trải manh chiếu, tấm nệm để ngủ là tạm đủ yêu cầu. Với quy định như vậy thì muốn có hộ khẩu, chúng tôi có thể phải bỏ ra 1/3 tháng lương hoặc hơn nữa để thuê nhà trọ vì phải bớt người ở ghép thì mới đủ 5m²/người. Nếu như vậy làm sao dành dụm được nhiều tiền để gửi về quê, để lo cho cuộc sống sau này? Và giấc mơ có hộ khẩu thành phố sẽ khó thành hiện thực.

VIỄN SỰ - MAI HOA

MAI HƯƠNG - LÊ KIÊN - VIỄN SỰ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên