Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói gì về điều này?
Phóng to |
Tem tự chế và mũ bảo hiểm dỏm vừa bị phát hiện tại một cơ sở sản xuất ở Q.Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: Lê Sơn |
"Đừng để người tiêu dùng không có chỗ đặt lòng tin của mình, hay nói cách khác, đừng để họ thấy chới với, không biết đặt lòng tin vào đâu. Nếu người tiêu dùng mất niềm tin đối với nhiều loại sản phẩm, hàng hóa thì nền sản xuất sẽ ra sao đây?" Ông NGÔ BÁCH PHONG |
Thông tin về “Mũ bảo hiểm có tem chưa chắc đạt chuẩn” (Tuổi Trẻ 9-5) từ kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) như gáo nước lạnh giội vào những người đang dùng sản phẩm này. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGÔ BÁCH PHONG - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - nói:
- Đừng nghĩ chất lượng mũ bảo hiểm (MBH) là chuyện nhỏ. Cũng như hàng trăm ngàn loại sản phẩm khác, đây là vấn đề xã hội rất lớn có thể ảnh hưởng đến an toàn và hạnh phúc của rất nhiều người. Người tiêu dùng hết sức thất vọng trước thông tin MBH đã được dán tem hợp chuẩn (CR), nghĩa là đã được kiểm soát chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng, nhưng chưa chắc bảo vệ được tính mạng người dùng.
Nhiều người cố gắng làm đúng luật: đội MBH khi ngồi trên xe máy để được bảo vệ an toàn thì nay với thông tin đó, té ra sự cố gắng của nhiều người dân trở nên vô nghĩa. Thất vọng là vì bảo hiểm, nghĩa là được bảo vệ, được đảm bảo an toàn, nhưng sản phẩm mang chức năng này lại không đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho người sử dụng nó.
Người tiêu dùng đang mong muốn phải có trả lời trung thực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về tình trạng sản phẩm gọi là bảo hiểm thật ra có bảo hiểm được cho người sử dụng hay không?
Phóng to |
Ông NGÔ BÁCH PHONG - Ảnh: Minh Đức |
* Ở góc độ tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hội sẽ hành động ra sao, thưa ông?
- Chắc chắn phải lên tiếng bởi vì đây là một trong những trường hợp đặc trưng nhất để nói rằng quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm và cũng là dạng vi phạm có hệ thống. Với tôi, MBH thuộc dạng sản phẩm đặc biệt, cũng giống như thực phẩm, dược phẩm..., nói chung là nhóm sản phẩm đụng chạm đến nhu cầu thiết yếu của con người và điều lớn hơn là sinh mạng, an toàn, đảm bảo chất lượng cuộc sống. Những sản phẩm mang sứ mạng này phải được đảm bảo chất lượng gần như tuyệt đối.
Tuy nhiên, trong quá khứ, ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từng xảy ra sự việc có sự khác biệt giữa một số tuyên bố của WHO và các cơ quan quản lý nhà nước VN. Do vậy, quanh vấn đề chất lượng MBH, người tiêu dùng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước cần có trả lời chính thức về chất lượng MBH một cách khoa học, có tính pháp lý rõ ràng.
* Nhưng hiện nay cũng có lập luận cho rằng mỗi người hãy thể hiện mình là người tiêu dùng thông minh, thông thái, trước hết mình phải tự bảo vệ chính mình...
- Từ trước đến nay bản thân tôi chưa bao giờ đồng tình với cách nói, cách suy nghĩ như vậy. Tôi nhớ qua nhiều sự kiện, ví dụ như vụ thịt heo chứa chất siêu nạc, chất lượng MBH không đảm bảo..., một số quan chức cứ nói mỗi người hãy đóng vai trò là người tiêu dùng thông minh. Tôi cho rằng người tiêu dùng rất thông minh bởi vì không ai muốn hại cuộc sống của chính mình và họ tìm cách để cân bằng giữa nhu cầu và khả năng mua sắm. Chỉ có điều đại đa số người nghèo sẽ không có điều kiện để chọn lựa, thậm chí không có quyền chọn lựa một sản phẩm nào đó mà họ tin chắc là an toàn, đảm bảo chất lượng.
Do vậy đòi hỏi mỗi người tiêu dùng phải thể hiện mình thông minh, thông thái thì coi chừng làm hại người tiêu dùng và đổ hết trách nhiệm cho họ. Liệu họ có đủ điều kiện tài chính hoặc thông tin về chất lượng sản phẩm để được tự do chọn lựa? Tôi cho rằng cách nói như vậy là sai lệch và đẩy trách nhiệm về phía người tiêu dùng, sẽ không công bằng.
* Ngoài chiếc tem CR cho MBH, nhiều loại sản phẩm khác cũng dán tem như đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, rượu... Nhưng liệu những con tem ấy có thực hiện được sứ mạng bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, là hàng thật?
- Các loại tem được dán lên nhiều sản phẩm đã được sử dụng khá lâu, khoảng 15-20 năm nay. Thực tế từ đó đến nay ở VN, lòng tin của người tiêu dùng dựa vào những con tem này và được Nhà nước bảo chứng. Sẽ là một thất vọng lớn của người tiêu dùng khi nghe tin một trong các con tem này đã không thể hiện đúng sứ mạng của mình. Tất nhiên trong thời gian qua không ít kêu ca chính một số loại tem cũng bị làm giả. Nhưng hiện nay người tiêu dùng đang tự hỏi mình có thể tin tưởng vào những con tem ấy không? Chính vì vậy người tiêu dùng mong muốn cơ quan nhà nước nhanh chóng trả lời rõ các loại tem chứng nhận đảm bảo chất lượng, tem đảm bảo hàng thật... có làm được vai trò là một trong những chỉ báo sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng là hàng thật.
Tôi e ngại thông tin “MBH dán tem hợp chuẩn chưa chắc đảm bảo chất lượng” sẽ làm lòng tin của người tiêu dùng giảm sút, bị tổn hại. Với các sản phẩm khác có con tem dán lên, mang ý nghĩa của một xác nhận về đảm bảo chất lượng, có lẽ nhiều người tiêu dùng cũng sẽ hoài nghi. Vậy lòng tin của người tiêu dùng sẽ đặt vào đâu, tin vào ai... Đây là câu hỏi rất lớn, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm trả lời.
Phóng to |
Ông Trần Văn Vinh - Ảnh: C.V.K. |
"Nếu người tiêu dùng cứ tiếp tục mua mũ ở vỉa hè thì khó đảm bảo chất lượng. Theo quy định hiện nay, các sản phẩm phải có nhãn mác, nếu mua hàng không có nhãn, không biết ai sản xuất thì không thể đảm bảo" Ông Trần Văn Vinh |
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa - nói gì về thực tế MBH có dán tem vẫn có thể không đảm bảo chất lượng? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Vinh - tổng cục phó Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - khẳng định cách làm của VN đúng với cách làm của thế giới.
Ông Vinh nói: “Dấu hay tem CR theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì chỉ là dấu hiệu nhận biết, không có ý nghĩa phân biệt hàng giả, hàng thật. Khi một hàng hóa được (hoặc phải) gắn tem CR có nghĩa là hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Hàng hóa này phải chứng nhận hợp quy và/hoặc công bố hợp quy mới được phép gắn dấu CR và khi đó mới được phép lưu thông trên thị trường”.
* Thưa ông, quy trình cấp tem được tiến hành như thế nào, có đảm bảo chặt chẽ?
- MBH muốn được chứng nhận hợp quy và gắn dấu CR thì doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu MBH phải đăng ký với tổ chức chứng nhận (nay đã được xã hội hóa, các tổ chức sự nghiệp và tư nhân nếu đủ điều kiện, khả năng kỹ thuật đều được tiến hành chứng nhận). Tổ chức chứng nhận sẽ đánh giá từ hệ thống quản lý chất lượng, quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào... Sau đó, họ lấy mẫu (cả ở nhà máy và thị trường) để kiểm nghiệm chất lượng. Nếu quản lý chất lượng đảm bảo và mũ thử nghiệm phù hợp các yêu cầu theo quy định thì mới cấp giấy chứng nhận hợp quy.
Sáu tháng một lần, tổ chức chứng nhận sẽ phải đánh giá giám sát tại doanh nghiệp, lấy mẫu ngoài thị trường để xem còn đảm bảo chất lượng không. Nếu không đảm bảo, họ có quyền hủy bỏ chứng nhận hoặc tạm dừng chứng nhận của doanh nghiệp, thậm chí buộc khắc phục để đạt yêu cầu.
* Như vậy có nghĩa ta có quy định việc dán tem nhưng không thể kiểm soát được việc tuân thủ sau đó của doanh nghiệp?
- Tem CR không có mục đích phân biệt giả thật, chỉ là một yếu tố để xác định chất lượng. Các lực lượng kiểm tra thời gian qua khi phát hiện trên thị trường chưa xử lý được đến tận gốc vì nhà sản xuất cho rằng mũ dù có ghi nhãn nhà sản xuất nhưng đó là hàng... nhái mũ của họ.
Để giải quyết một phần của vấn đề này, hiện tổng cục đã ủng hộ Hiệp hội Chống hàng giả Hà Nội đề xuất loại tem chống hàng giả, tích hợp cùng tem CR. Đây là biện pháp để truy nguyên đến nhà sản xuất và gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm của mình. Tuy nhiên, cái chính vẫn là đạo đức kinh doanh của nhà sản xuất, nếu doanh nghiệp nghiêm túc thì các biện pháp quản lý sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.
* Theo quy định, sáu tháng cơ quan kiểm nghiệm phải làm lại một lần. Thế nhưng thực tế vẫn còn tình trạng mũ kém chất lượng, rõ ràng có trách nhiệm của cơ quan kiểm nghiệm?
- Theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, việc đảm bảo chất lượng hàng hóa trước tiên là trách nhiệm của doanh nghiệp, sau đó mới đến trách nhiệm của tổ chức chứng nhận. Tổ chức chứng nhận không tuân thủ quy trình, quy định để đánh giá thì họ phải chịu trách nhiệm trong việc chất lượng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu tổ chức chứng nhận tuân thủ quy định, nhưng doanh nghiệp sau khi được chứng nhận cố tình giảm chất lượng để hạ giá thành thì các cơ quan như thanh tra khoa học - công nghệ, chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, lực lượng quản lý thị trường, thanh tra... sẽ có thể kiểm tra trên thị trường hay kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất để xử lý.
* Theo ông, việc dán tem có cần thiết không khi dán rồi mà không thể quản lý được chất lượng, có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn?
- Như tôi đã phân tích ở trên, dấu CR không phải là “chìa khóa” duy nhất để nhận biết chất lượng. VN có tem CR, Tây Âu có dấu CE đều có cách làm, quy trình như chúng ta! Dấu CR mới được áp dụng tại VN nên nhiều người hiểu nhầm, hiểu không đúng là chuyện đương nhiên. Trách nhiệm của chúng ta là tuyên truyền, giải thích để họ hiểu đúng.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Phóng to |
Cơ quan quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ một cơ sở sản xuất MBH dỏm không giấy phép kinh doanh tại Q.Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: Lê Sơn |
Không khó để có “giấy thông hành” Cũng theo một số công ty kinh doanh MBH, để có được “giấy thông hành” hiện nay không quá khó. Theo quy trình, để được chứng nhận hợp quy cho sản phẩm MBH, đơn vị kinh doanh phải làm hồ sơ, gửi mẫu đem kiểm định. Khi mẫu đạt chất lượng, đơn vị này mới được cấp giấy chứng nhận để sản xuất. “Khó thì khó thật nhưng biết cách thì dễ ợt” - một doanh nghiệp MBH cho hay. Theo doanh nghiệp này, cách đơn giản là đơn vị chỉ cần sản xuất loại mũ với vỏ nón, mút xốp dày, nặng, thậm chí “không ai đội được” để đem kiểm định là xong. Khi có “giấy thông hành” rồi tha hồ sản xuất đủ loại. Giới sản xuất MBH cũng cho biết còn một cách đơn giản hơn rất nhiều mà vẫn đảm bảo chắc thắng đó là chỉ cần ra thị trường chọn loại mũ của công ty uy tín sau đó bóc tem nhãn, sơn phết lại rồi đem đi kiểm định. |
Để chọn lựa một chiếc MBH đạt chất lượng, người tiêu dùng chỉ có thể trông chờ vào tem nhãn công bố chất lượng do cơ quan chức năng chứng nhận. Thế nhưng sau khi có “giấy thông hành”, nhiều đơn vị bắt đầu... làm gian dối.
Thậm chí có nhiều doanh nghiệp tự in “giấy thông hành” để ngang nhiên sản xuất, đưa MBH kém chất lượng ra thị trường.
Tự in “giấy thông hành”
Ngày 7-5, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM kiểm tra và phát hiện điểm sản xuất lượng lớn MBH “chui” tại số 75A đường Kênh Tân Hóa (Q.Tân Phú). Tại “xưởng sản xuất” rộng khoảng 30m2 này bày la liệt các loại mút xốp, vỏ mũ, dây quai cùng máy khoan, búa. Mặc dù sản xuất MBH bằng công nghệ khoan, búa nhưng khi cầm trên tay sản phẩm thành phẩm, nhiều cán bộ QLTT lắc đầu ngán ngẩm: “Làm thế này thì không người tiêu dùng nào có thể phân biệt được thật giả, chất lượng sản phẩm”. Qua quan sát, tất cả MBH ở đây có đầy đủ tem nhãn chứng nhận hợp quy (tem CR), địa chỉ sản xuất (ghi địa chỉ giả tại Q.12) cùng tem bảo hiểm tai nạn lên đến 2,5 tỉ đồng.
Theo cơ quan QLTT, đơn vị này không hề có bất cứ giấy tờ kinh doanh như giấy phép kinh doanh, chứng nhận hợp quy sản phẩm nhưng cho ra đời cả ngàn sản phẩm mỗi ngày. Chủ cơ sở này cũng thừa nhận việc mua trôi nổi các vỏ mũ, mút xốp, dây quai... về lắp ráp.
Hơn 2.000 tem nhãn được cơ sở đặt in theo đúng quy định về thông tin bắt buộc như: thông tin mã hàng hóa, thông tin địa chỉ cơ sở sản xuất, hướng dẫn sử dụng... Tuy nhiên tất cả thông tin trên đều là giả mạo. Cụ thể, trên tem ghi rõ sản phẩm của Công ty Thiên Vân tại địa chỉ đường Lê Sư, P.23, Q.12. “Cả Q.12 có 11 phường thôi chứ làm gì có đến phường 23, thậm chí tìm cả TP cũng không có đường Lê Sư nữa” - vị đại diện QLTT cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc in tem nhãn MBH hiện nay hết sức đơn giản. Tại “phố in ấn” đường Lý Thái Tổ (Q.3), khi chúng tôi đặt yêu cầu in tem nhãn MBH, hầu hết các đơn vị này đều nhận lời mà không đòi hỏi bất cứ giấy tờ liên quan đến công ty cũng như giấy chứng nhận cho sản phẩm.
Không chỉ tem nhãn, các thành phần MBH như mút xốp, vỏ mũ được bán riêng lẻ hiện nay được sản xuất phổ biến, mua bao nhiêu, giá nào cũng có. Đầu tháng 5-2013, có mặt tại cơ sở chuyên sản xuất mút xốp ở khu vực Liên khu 5-6, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, chúng tôi “choáng ngợp” bởi quy mô của đơn vị chuyên sản xuất mút xốp.
Hàng chục ngàn mút xốp đủ kích cỡ MBH chất đầy khuôn viên 500m2 của tòa nhà hai lầu. Không đủ sức chứa, mút xốp còn bày tràn ra ngoài đường. “Ở đây chúng tôi làm đủ loại mút xốp dày mỏng, khối lượng khác nhau để khách lựa chọn. Phần lớn khách hàng chọn loại mút xốp có khối lượng 40-60 gram vì giá rẻ” - một chủ cơ sở ở đây cho hay.
Phóng to |
Cơ sở này tự in tem CR để dán lên MBH dỏm - Ảnh: Lê Sơn |
Ai nhầm lẫn...?
Mặc dù có “giấy thông hành” xịn, nhiều doanh nghiệp sản xuất MBH vẫn vô tư... làm bậy!
Theo chân Hoàng, người chuyên mua MBH để bán trên mạng, chúng tôi tìm đến công ty sản xuất MBH H.P.D. trên đường Lý Chiêu Hoàng (Q.6, TP.HCM). Bà chủ cơ sở nói thẳng: “Mua hàng bên tôi đảm bảo có đầy đủ các tem nhãn do cơ quan chức năng chứng nhận. Giá cả loại nào cũng có tùy theo chất lượng, nhưng giá thấp nhất từ 40.000 đồng/cái trở lên, thấp quá chúng tôi không làm!”.
Khi được hỏi MBH rẻ như vậy liệu có đảm bảo chất lượng không, bà cười xòa cho biết “tiền nào của nấy”. Tuy nhiên để trấn an chúng tôi, bà khẳng định: “Sản phẩm có tem nhãn đầy đủ, người tiêu dùng hiện nay chỉ cần nhìn vào đó để xác định thật giả chứ chất lượng như thế nào thì chỉ cơ quan chức năng mới biết được thôi. Người mua nhầm chứ người bán sao nhầm được!”.
Theo ông Hoàng Lâm - phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, hiện sau khi sản phẩm MBH được kiểm định, cấp giấy chứng nhận hợp quy, trung tâm sẽ giao quyền sử dụng dấu hợp quy cho doanh nghiệp quản lý. Trung tâm thường xuyên kiểm tra theo định kỳ sáu tháng/lần hoặc kiểm tra đột xuất. Doanh nghiệp phải chịu mọi trách nhiệm nếu sản phẩm sản xuất không đạt như chất lượng công bố với các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, tùy theo mức độ đơn vị sẽ nhắc nhở, đình chỉ hoặc hủy giấy chứng nhận đối với những sai phạm nghiêm trọng.
Theo thống kê của các đơn vị QLTT, thanh tra Sở Khoa học - công nghệ, các tỉnh thành trong cả nước tiến hành lấy mẫu kiểm tra. Kết quả ghi nhận được tại một số tỉnh thành như TP.HCM, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Vĩnh Long... khiến người tiêu dùng phải giật mình thon thót. Hàng loạt doanh nghiệp kiểm tra cho kết quả không đạt, thậm chí có đơn vị vi phạm rất nhiều lần (từ 6-7 lần) ở các tỉnh thành. Có những chỉ tiêu không đạt như đâm xuyên, va đập và hấp thu xung động, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người sử dụng.
Lê Sơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận