Báo cáo trên được thực hiện trên cơ sở đánh giá 21 thủy điện thuộc 12 tỉnh ở miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên, do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng gửi đến Ủy ban Khoa học - công nghệ - môi trường và Ban dân nguyện của Quốc hội.
Để thực hiện 21 thủy điện trên, có hơn 75.000 hộ với trên 324.600 nhân khẩu phải dời đến các khu tái định cư và hiện người dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Thu nhập bình quân đầu người của dân vùng tái định cư thủy điện chỉ 7,1 triệu đồng/người/năm, chưa bằng 30% thu nhập bình quân đầu người của cả nước năm 2012.
Nhiều vùng bà con thu nhập cực thấp, như các thủy điện Cửa Đạt (Thanh Hóa) và An Khê - Ka Nak (Gia Lai) chỉ 4,2 triệu đồng/người/năm, Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 4,5 triệu đồng/người/năm, Đồng Nai 3 (Lâm Đồng) 5,5 triệu đồng/người/năm...
Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là việc thu hồi đất, cấp đất sản xuất cho dân ở các vùng tái định cư thủy điện chậm, ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi sinh kế của dân; một số dự án chưa đáp ứng đất sản xuất cho dân tái định cư theo quy hoạch. Chính sách hỗ trợ sản xuất cho dân tái định cư rất thấp, ngay cả dự án trọng điểm quốc gia là thủy điện Sơn La mức hỗ trợ chỉ 19 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ để khôi phục thu nhập, ổn định đời sống của dân chỉ thực hiện trong 1-2 năm đầu tái định cư, chưa đảm bảo đời sống trong giai đoạn chuyển tiếp...
Từ thực trạng đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Quốc hội xem xét thành lập quỹ hỗ trợ sau tái định cư (quỹ tái định cư). Quỹ này được trích từ một khoản tiền nhất định từ thu nhập giá bán điện của nhà máy thủy điện có di dân, tái định cư và được tính vào giá thành bán điện. Quốc hội cũng xem xét cho trích một phần thuế của các thủy điện đã hoạt động để địa phương hỗ trợ xây dựng vùng tái định cư, bảo vệ môi trường sinh thái... Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách hiện hành về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy điện cho phù hợp thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận