03/05/2013 07:45 GMT+7

BCH Trung ương Đảng bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng

 Theo TTXVN
 Theo TTXVN

TT - Sáng 2-5, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội, dự kiến kéo dài đến ngày 11-5.

Khai mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI:

XqWxSmvm.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: Vì sao ở một số nơi vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức Đảng chưa được phát huy đầy đủ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chậm được nâng cao; việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa mạnh, tình trạng “hành chính hóa” chậm được khắc phục? Vì sao cải cách hành chính chưa đạt được kết quả mong muốn; bộ máy tổ chức và tổng biên chế vẫn tiếp tục phình to, nhất là ở cấp tổng cục, các đơn vị trực thuộc bộ và chính quyền cơ sở?

Theo Tổng bí thư, tình trạng “tách ra, nhập vào”, “nhập vào, tách ra” vẫn lặp đi lặp lại. Hoạt động của nhiều ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy khối vẫn lúng túng. Giữa các bộ, ngành vẫn còn một số nội dung quản lý nhà nước trùng lắp hoặc chưa được phân công cụ thể, rõ ràng.

Không phát huy được tính năng động, sáng tạo

Tổng bí thư nhận định: Việc phân cấp của trung ương cho chính quyền địa phương, của cấp trên đối với cấp dưới nhìn chung chưa thật hợp lý; có lĩnh vực quá rộng, thiếu sự kiểm tra, giám sát, ảnh hưởng đến sự quản lý thống nhất cả nước; có lĩnh vực lại quá hẹp, không phát huy được quyền chủ động, tính năng động, sáng tạo của địa phương.

Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện sau khi sắp xếp lại tuy có giảm đầu mối trực thuộc ủy ban nhân dân nhưng lại tăng đơn vị bên trong các sở, ngành.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, vai trò - hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Vấn đề biên chế, phụ cấp cho cán bộ cơ sở vẫn chưa có lời giải thấu đáo. Số các hội quần chúng được lập mới vẫn tăng nhanh, một số hội đề nghị có biên chế cán bộ, công chức và hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước... Trên cơ sở đánh giá, phân tích những mặt hạn chế, yếu kém đó, cần có giải pháp gì để khắc phục một cách cơ bản.

Tổng bí thư cho rằng: Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ. Trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền trong công tác dân vận ở nhiều nơi bị xem nhẹ, chỉ dựa chủ yếu vào bộ máy hành chính và biện pháp hành chính.

Một số tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân hoạt động kém năng động - hiệu quả, không nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cũng không đủ sức tuyên truyền, vận động, giải quyết những bức xúc của nhân dân.

Nhận rõ những khó khăn, thách thức, thấy hết những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, chúng ta cần xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Sửa chữa, khắc phục khuyết điểm

Chương trình hội nghị

* Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

* Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.

* Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

* Sơ kết một năm thực hiện nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng.

* Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường.

* Và một số vấn đề quan trọng khác.

Sau hơn một năm thực hiện nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng, Tổng bí thư nhận định: Dù thời gian còn ngắn, nhiều việc mới triển khai hoặc chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhưng với quyết tâm cao, tinh thần cầu thị, các cấp ủy và tổ chức Đảng từ trung ương đến cơ sở đã triển khai thực hiện nghị quyết trung ương 4 một cách nghiêm túc với một khối lượng công việc lớn, phức tạp và đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

Hầu hết các cấp ủy, tổ chức Đảng và nhiều cán bộ, đảng viên đã đề ra chương trình hành động và các biện pháp thiết thực để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và trên thực tế đang có nhiều việc làm cụ thể.

Ví dụ như: trung ương đang triển khai việc xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; mở lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn; ban hành quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Nhiều cấp ủy đã quy định cụ thể về việc sử dụng xe công, cải tiến tổ chức các hội nghị, chấn chỉnh tác phong công tác, lề lối làm việc, quy định về việc cán bộ lãnh đạo đi công tác nước ngoài; rà soát, điều chỉnh, thu hồi các dự án đã được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và bố trí lại một số cán bộ; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và kết luận để điều chỉnh hoặc xem xét, xử lý kỷ luật đối với những người có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài và xem xét giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng hoặc được dư luận đặc biệt quan tâm...

Theo Tổng bí thư, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, việc triển khai thực hiện nghị quyết trung ương 4 đã góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước.

Cho ý kiến quy hoạch nhân sự cấp cao

Tổng bí thư cho biết: Bộ Chính trị đã khẩn trương chuẩn bị để trình hội nghị trung ương lần này cho ý kiến về dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Trung ương sẽ cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự cụ thể đưa vào quy hoạch, sau đó giao cho Bộ Chính trị căn cứ ý kiến của trung ương cân nhắc, quyết định chính thức.

Một vấn đề quan trọng khác được Tổng bí thư đề nghị hội nghị tập trung thảo luận là đánh giá thật khách quan, khoa học tình hình biến đổi khí hậu, tài nguyên, môi trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian qua.

Dự thảo sửa đổi hiến pháp:

Tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý

Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thật sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng trong xã hội. Đồng bào, chiến sĩ cả nước và người VN định cư ở nước ngoài đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm về cả nội dung và kỹ thuật lập hiến đối với hầu hết các chương, điều của dự thảo. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến góp ý, nhận định chưa phù hợp, thậm chí có một số ít lợi dụng việc góp ý kiến để xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tinh thần chung là phải chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

(Trích phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 3-5-2013)

 Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên