26/04/2013 15:29 GMT+7

Cơ quan quản lý sẽ tăng cường quản lý giá và chất lượng sữa

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Làm thế nào quản lý chất lượng và giá sữa tốt nhất là nội dung buổi tọa đàm “Thị trường sữa: giá cả và chất lượng” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 26-4 ở Hà Nội, quy tụ đại diện các bộ Tài chính, Y tế, Khoa học - công nghệ, Công thương.

Nhập nhèm sữa nhập khẩu

TB2Hw7PG.jpgPhóng to
Cơ quan quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra cơ sở sản xuất sữa GmB của Công ty Đại Hùng Tinh - Ảnh: Lê Sơn

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng (phó phòng quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) cho biết hiện tại Luật giá đã quy định sữa thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá. Tuy nhiên, những phẩm trước đây gọi là sữa nhưng nay là sản phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng… vẫn phải đăng ký giá. Ngay sau khi có nghị định hướng dẫn Luật giá, Bộ Y tế sẽ quy định cụ thể danh mục hàng hóa bình ổn giá thuộc lĩnh vực bộ quản lý.

PV TTO lược ghi một số hỏi đáp chính đáng chú ý từ buổi tọa đàm:

* Mới đây, một lãnh đạo của Cục Quản lý giá có nói “do sản phẩm dinh dưỡng không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên không bắt buộc đăng ký khi tăng giá”. Vậy phải chờ động thái từ phía Bộ Y tế thì một số sản phẩm sữa đội lốt sản phẩm dinh dưỡng sẽ không được tự ý tăng giá, nhưng trong thời gian chờ đợi thì phía Cục Quản lý giá có biện pháp nào chấn chỉnh việc tăng giá sữa ào ạt như thế này không?

Ông Phạm Vũ Anh - phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Tôi cho rằng trên thị trường không phải tất cả doanh nghiệp đều xấu cả, nhưng có thể có trường hợp lợi dụng nọ kia.

Trong chuỗi quản lý sản phẩm chúng ta phải làm tốt các khâu. Ví dụ, một sản phẩm nhập khẩu khi nhập vào nó là cái gì, nhập vào theo phân loại hàng hóa nào… Khi sản phẩm này đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cố tình thay tên đổi nhãn thì cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý. Để quản lý giá, ngay từ đầu năm khi luật có hiệu lực, chúng tôi đã có công văn gửi các sở tài chính hướng dẫn lại về quản lý giá như thế nào, đăng ký giá ra làm sao. Tính đến thời điểm hiện nay trong 63 tỉnh thành thì gần 30 sở tài chính có báo cáo về. Các sở phối hợp với sở công thương, các cơ quan thuế đi kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa và những sản phẩm dinh dưỡng.

* Tại sao trước đây những sản phẩm được gọi là sữa nay lại đổi thành vô vàn các tên khác nhau như sản phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng…?

Ông Lê Hoàng: Các sản phẩm được cấp đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cục tại địa chỉ vfa.gov.vn và người dân có thể truy cập và nắm thêm thông tin. Bản chất sữa bột trẻ em là công thức dinh dưỡng bổ sung dành cho trẻ em và chúng ta chỉ thay đổi cho đúng tên gọi, đúng với thông lệ quốc tế.

* Gần đây có nhiều vụ việc liên quan tới sữa, điển hình như xuất xứ, nguồn gốc, nhãn mác không rõ ràng nhưng vụ việc phát hiện không nhiều. Có phải lực lượng dành cho việc này quá mỏng và không đồng đều?

Ông Đỗ Thanh Lam - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương: Mỗi năm lực lượng quản lý thị trường xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm, xử phạt 400 tỉ đồng, trong đó số lượng lớn là bia, rượu, thuốc lá, quần áo… Mặc dù vậy, so với kỳ vọng của người dân còn chưa cao. Có nhiều nguyên nhân như thiếu nhân lực, trang thiết bị, ngoài ra trong quá trình sản xuất kinh doanh có những doanh nghiệp không từ phương thức, thủ đoạn nào để thu lợi bất chính; chính sách quản lý còn bất cập.

* Hiện tại trên các diễn đàn hoặc các sạp tạp hóa đang bán nhiều loại sữa xách tay, sữa bột, sữa bán theo ký với số lượng lớn. Những nhãn sữa xách tay này đương nhiên không qua kiểm soát của phía Việt Nam, tại sao tình hình này vẫn tiếp diễn và ngày càng gia tăng?

Ông Đỗ Thanh Lam: Chúng ta đã có quy định tất cả loại sữa khi đi vào thị trường Việt Nam phải có đầy đủ hồ sơ, có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Trong số lượng sữa nhập lậu có các loại rất nguy hiểm, vì có thể là sữa kém chất lượng, quá hạn sử dụng. Sở dĩ các mặt hàng này tồn tại trên thị trường là do những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kinh doanh buôn bán kiếm lời, do tâm lý sính ngoại, và trên thực tế phải thừa nhận sữa ở các nước phát triển cũng có chất lượng rất tốt.

Việc thông tin cho người dân để tiêu thụ hàng trong nước còn hạn chế từ người sản xuất đến cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải định hướng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có cơ sở để xử lý. Các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng luật pháp. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được người tiêu dùng và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn.

* Phải chăng một phần sữa xách tay còn bán tràn lan là do lỗi của cơ quan quản lý thị trường?

Ông Đỗ Thanh Lam: Có một ý mà tôi chưa nói rõ là phương thức, thủ đoạn rất tinh vi của người bán, người ta không bày bán công khai mà khi đến mua mới đưa ra. Thứ hai, hóa đơn chứng từ được họ hợp thức hóa bằng những chứng từ khác nên khó kiểm tra. Do vậy, có mặt làm được, có mặt chưa làm được nên các lực lượng chức năng phải có phương pháp hữu hiệu, cần tiếp tục để làm tốt vấn đề này cả trước mắt và lâu dài.

* Chi phí cho hội thảo, bán hàng chiết khấu quá lớn, tiếp thị và quảng cáo quá nhiều đã, đang là nguyên nhân chính đẩy giá thành sữa tăng cao. Thưa tổng giám đốc Hanoimilk, ông có đồng tình với nhận định này không?

Ông Hà Văn Tuấn - Công ty Sữa Hanoimilk: Giá sữa bao gồm trong đó chi phí sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo nên giảm chi phí quảng cáo có thể giảm một phần chi phí giá sữa. Số tiền chi phí quảng cáo của các hãng sữa lớn mỗi năm có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng, tuy nhiên việc có những chính sách cấm quảng cáo sữa cũng cần xem xét, vì một trong các quyền của người tiêu dùng là được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nếu cấm sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng. Vì vậy việc dùng biện pháp hành chính để cấm, hạn chế quảng cáo thì cần phải xem xét.

Chúng ta có thể xem xét những giải pháp khác như xem xét, đánh giá, thăm dò bình chọn những nhãn hiệu sữa đủ tiêu chuẩn thì cũng tiết kiệm rất nhiều chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp mà đem lại lợi ích chung cho người tiêu dùng. Và chi phí dành cho quảng cáo thì doanh nghiệp có thể dành vào nghiên cứu các sản phẩm mới, phù hợp hơn với người Việt Nam.

* Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa chuyển hồ sơ vụ "sữa dê Mỹ GMB sản xuất tại TP.HCM nhưng lại thông tin xuất xứ Hà Lan, Mỹ..." sang cơ quan công an để điều tra về hành vi giả xuất xứ hàng hóa. Ngoài Hà Nội thì vừa rồi trên báo chí nổi cộm lên việc sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp. Xin hỏi hướng xử lý của Cục Quản lý thị trường?

Ông Đỗ Danh Lam: Cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm. Chúng tôi đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan để xử lý vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong vụ sữa Danlait chúng tôi có suy nghĩ là nếu các bà mẹ đang nuôi con nhỏ thì nếu gọi đây là sản phẩm sữa họ sẽ mua nhưng nếu gọi đây là thực phẩm bổ sung thì chưa chắc họ đã mua. Vì vậy, tôi cho rằng cần có tên gọi thống nhất trong các sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung để người dân dễ hiểu, mua đúng sản phẩm mà mình mong muốn.

Ông Phạm Vũ Anh: Cần phải tăng cường quản lý ở từng khâu. Cục Quản lý giá và Cục Quản lý thị trường đã có quy chế phối hợp chặt chẽ. Ngoài ra các cơ quan quản lý cấp bộ, ngành cũng có những chỉ đạo, phối hợp rất sát sao, quyết liệt để tăng cường công tác quản lý.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên