26/04/2013 10:26 GMT+7

50 cán bộ chiến sĩ cảnh sát vây bắt "cát tặc"

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Sáng 25-4, hơn 50 cán bộ chiến sĩ Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và cảnh sát cơ động (Công an Nghệ An) mở đợt vây bắt “cát tặc” dọc thượng nguồn sông Con thuộc địa bàn huyện Tân Kỳ.

PV Tuổi Trẻ đã theo chân cuộc rượt đuổi này.

IYG5JYm1.jpgPhóng to
Cảnh sát môi trường vây bắt các xe tải chở cát trái phép - Ảnh: VŨ TOÀN

Mờ sáng, từ đường Hồ Chí Minh, chiếc xe cơ động của cảnh sát môi trường rẽ xuống bờ sông Con thuộc địa phận xã Tân An, huyện Tân Kỳ. Dẫn đường là tốp trinh sát mặc thường phục. Tôi đọc thấy hàng chữ trên tấm biển dựng ngay lối rẽ xuống sông: “Nghiêm cấm khai thác cát trái phép”.

Cuộc truy quét trên sông

Khi chiếc xe dừng lại cách bờ 50m, đại tá Trần Hồng - trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - điểm quân và giao nhiệm vụ trong nháy mắt rồi khoát tay ra hiệu cho toàn bộ lực lượng chia làm ba mũi tỏa xuống ba trọng điểm dọc sông Con. Bước chân cảnh sát chạy mau lẹ về phía bờ sông cùng tiếng báng súng AK lách cách. Lúc đó, giữa lòng sông ầm ĩ tiếng máy tàu hút cát vang lên hiệu lệnh của cảnh sát yêu cầu năm tàu cát ngừng khai thác, quay vào bờ.

Ngay tức thì các tàu cát quay đầu chạy loạn xạ trên sông như chuồn chuồn dính nước. Chiếc xuồng đuôi dài của cảnh sát từ dưới xuôi cũng vừa kịp cơ động tới, bắt đầu cuộc truy đuổi. Do đã quen luồng lạch, tàu “cát tặc” lách qua những cồn cát ngang dọc lòng sông tiếp tục tháo chạy, nhưng do tàu to nên không vượt qua chiếc xuồng đuôi dài nhỏ gọn của cảnh sát. Từ trên bờ, những tốp cảnh sát chọn khúc sông cạn “đổ bộ” xuống để trợ lực. Sau hơn một giờ, khi chiếc xuồng của cảnh sát “hãm” được hai tàu “cát tặc” trên địa bàn xã Tân An thì phía thượng nguồn thuộc địa bàn xã Tân Hương, lực lượng cảnh sát cũng “kìm” được ba tàu trước khi sa vào bãi cạn.

Bị truy đuổi gắt gao, 3/5 lái tàu đã bỏ trốn buộc lực lượng cảnh sát phải dồn sức chống sào đẩy và kéo tàu vào bờ. Một số cảnh sát khẩn trương tháo máy của tàu cát. Đại tá Trần Hồng ướt sũng áo quần, cho biết: “Trước khi mở đợt truy quét, trinh sát của chúng tôi nằm vùng hơn một tuần để thâm nhập địa bàn, vẽ sơ đồ và nắm chắc tình hình. Toàn bộ thông tin bí mật đến giờ chót. Ngay lực lượng cơ động từ TP Vinh sáng nay khi lên xe cũng chỉ biết đi công tác gấp, đến nơi mới biết rõ nhiệm vụ”.

Cuộc vây bắt trên bờ

9g cùng ngày, một tốp cảnh sát cũng bất ngờ rời hai ôtô lấm bụi bao vây bờ sông Con thuộc khu vực giáp ranh hai xã Nghĩa Khánh và Nghĩa Bình. Đại tá Trần Hồng cho dừng ngay hai xe cảnh sát giữa đường xuống sông nhằm khống chế, không cho 20 xe tải từ trong bãi cát tháo chạy. Lúc đó những chiếc xe tải không có đường thoát nên ào ạt tháo đổ cát xuống bãi rồi quay đầu loạn xạ.

Sẽ kỷ luật hai chủ tịch xã

Chúng tôi đến UBND huyện Tân Kỳ tìm gặp ông Phạm Văn Hóa - chủ tịch UBND huyện - nhưng ông Hóa đang họp ở Vinh. Qua điện thoại, ông Hóa cho biết UBND tỉnh đã giao huyện kiểm điểm các địa phương vì để sông Con bị tàn phá. Ông Hóa nói: “Huyện đã kiểm điểm rất nghiêm. Việc để “cát tặc” lộng hành là do chính quyền một số xã quan liêu hoặc không xử lý nổi. Vì thế, công an mới tổ chức vây bắt như thế”. Chúng tôi hỏi cụ thể việc huyện xử lý nghiêm là xử lý như thế nào, ông Hóa cho biết: “Ngày mai, tôi sẽ ký quyết định kỷ luật chủ tịch hai xã Tân An và Tân Hương ở mức phê bình, nhắc nhở”.

Trước mắt chúng tôi là một bãi cát khổng lồ nằm sát bờ sông lở lói. Hai máy hút cát hiệu Đông Phong nằm trên hai cái bè di động cũng im tiếng. Chiếc máy xúc gục gàu vào đống cát. Hàng chục nhân công lên thuyền hướng sang bờ sông tả ngạn rồi mất hút.

Hai thợ hút cát Trần Văn Tuấn (trú tại thị xã Thái Hòa), Vũ Quốc Huy (trú tại xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn) rời máy hút cát chui vào một trong những cái lều gần nhất, nói: “Chúng tôi chỉ là dân làm thuê cho các ông chủ”.

Khu vực này có khoảng 200 xe chuyên chở cát. Giá vận chuyển cát từ 300.000 đồng/xe nay tăng lên 500.000 đồng/xe.

Thực trạng khó dẹp

Nhìn ra dòng sông thấy ngổn ngang bãi cát. Nhìn vào bãi cát thấy loang lổ hố nước. Hỏi chuyện hút cát từ đâu mà chất thành cồn bãi như thế, thợ hút cát Trần Văn Tuấn gãi đầu rồi nói: “Có nhiều mỏ cát trong 9,5ha dọc sông Con. Mỏ nào gần thì khai thác xong dồn cát về đây. Còn khi mỏ cạn thì máy hút cát sẽ di động đến mỏ khác dọc sông Con tạo bãi cát mới. Từ mỗi bãi cát, các ông chủ sẽ mở một tuyến đường để xe vào chở cát đi”.

Trên đường ngược ra khu vực giáp ranh hai xã Nghĩa Khánh và Nghĩa Bình, chúng tôi dừng lại dưới chân cầu Rỏi nơi có “căn cứ” đóng tàu sắt chuyên phục vụ các ông chủ khai thác cát đã bị xóa sổ. Cạnh đó là 43 tàu sắt bị vây bắt ngày 23-3 đã tháo hết máy. Đại tá Trần Hồng nói: “Trận đó, đích thân đại tá Nguyễn Hữu Cầu - phó giám đốc Công an Nghệ An - trực tiếp chỉ huy hơn 100 cán bộ chiến sĩ tấn công quyết liệt mới bắt được 43 tàu, 7 máy xúc, 10 máy hút cát. Vậy mà mới 32 ngày sau “cát tặc” quay đầu trở lại tàn phá sông Con. Hiện vẫn còn 45 tàu khác đang lẩn trốn dọc con sông này”.

Đại tá Trần Hồng cho biết: “Cát ở đây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhiều quan chức ở TP Vinh mua cát ở đây xây nhà. Cát sông Con có thị trường lớn ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TP Vinh. Do nhu cầu tiêu thụ lớn khiến thực trạng khai thác cát bừa bãi nóng từng ngày. Sau đợt truy quét ngày 23-3, tỉnh đã chỉ đạo huyện kiểm điểm nhưng thực tế xấu vẫn diễn ra nên chúng tôi mới tiếp tục thực hiện đợt vây bắt này”.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên