Phóng to |
Cúp điện gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Trong ảnh: hộ bà Trương Thị Bốn thuộc tổ 34, P.3, Q.Gò Vấp (TP.HCM) làm nghề may, phải làm bằng tay chờ có điện (ảnh chụp trưa 5-4) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Liên tục mấy ngày qua, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ đã nhận hàng chục cuộc gọi phản ảnh tình trạng cúp điện tại nhiều quận, huyện như: Bình Tân, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè...
“Nhà đâu mà cháy hoài?”
Miền Nam có thể tiết giảm 1,7-2,4 tỉ kWh Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) vừa báo cáo với Tập đoàn Điện lực VN (EVN) về việc cung ứng điện trong trường hợp thiếu điện. Cụ thể, EVN SPC đã chỉ đạo 21 công ty điện lực khu vực phía Nam ký thỏa thuận về việc tiết giảm điện với gần 5.000 doanh nghiệp khi xảy ra mất cân đối cung cầu. Với mức tiết giảm 10%, các doanh nghiệp tiết giảm hơn 1,7 tỉ kWh và mức tiết giảm 15%, các doanh nghiệp tiết giảm hơn 2,4 tỉ kWh. Việc tiết giảm điện như trên, theo EVN SPC, có thể xảy ra trong các tháng 4, 5, 6 và các tháng mùa khô. Ngoài ra EVN SPC cũng cho biết đang rà soát thứ tự ưu tiên các tuyến dây sẽ tiết giảm điện khi rơle 81 tự động ngắt điện khi xảy ra quá tải. Q.KHẢI |
Chị Phan Thị Lệ Hằng, ngụ đường số 1, ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, đã đặt câu hỏi này khi được nhân viên Công ty Điện lực Bình Chánh trả lời về nguyên nhân cúp điện tại khu vực nhà chị. Theo chị Hằng, liên tục bốn đêm liền (từ ngày 1-4) khu vực nhà chị đều bị cúp điện. Có hôm điện cúp đến hai lần trong đêm, mỗi lần cúp 1-2 giờ, nhưng lần nào chị gọi điện phản ảnh thì nhân viên trực điện thoại của Công ty Điện lực Bình Chánh đều trả lời “do sự cố cháy nhà”.
“Khu nhà tôi có mấy chục hộ, có xảy ra cháy thì tôi phải biết chứ, chẳng lẽ mỗi lần cúp điện là mỗi lần cháy nhà?” - chị Hằng bức xúc. Cũng theo chị Hằng, việc cúp điện thường xảy ra vào ban đêm, thời tiết nóng bức nên con chị mới 14 tháng quấy khóc liên tục. “Mỗi khi cúp điện, hai vợ chồng tôi phải thay phiên nhau quạt cho con, còn bản thân mình thì nhễ nhại mồ hôi không ngủ nghê gì được. Việc ở công ty chưa làm xong đem về nhà để làm cũng phải gác lại” - chị Hằng kể.
Nhiều người dân khác ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cũng than thở điện chập chờn liên tục mấy ngày liền. Anh Hồ Ngọc Nhân cho biết ngày 30-3 đến 2-4, có ngày nhà anh bị cúp điện đến ba lần. “Cứ khoảng một giờ điện lại cúp một lần kéo dài 30-40 phút rồi có lại và cúp tiếp. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Có hôm tôi đang bơm nước chuẩn bị tắm thì điện lại tắt phụp, tức không chịu nổi” - anh Nhân bức xúc.
Việc cúp điện nhiều cũng làm người dân ở khu phố 7, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân và bà con ở hẻm 609 Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Anh Phạm Thiên Vũ, chủ cơ sở gia công quần áo ở số 25B đường 3A, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, cho biết: “Tôi thuê năm người, mỗi người tiền công vài trăm ngàn đồng/ngày nhưng cúp điện không làm gì được khiến tôi phải gánh khoản lỗ tiền công này. Đó là chưa kể khách hàng phàn nàn vì hàng làm chậm”.
Điệp khúc do sự cố, quá tải...
Ông Trần Minh Tấn - phó giám đốc Điện lực Bình Phú (phụ trách Q.6, Q.Bình Tân) - khẳng định không có chuyện thiếu điện dẫn đến cúp điện. Theo ông Tấn, mất điện do thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng máy lạnh, tủ lạnh... tăng dẫn tới đường dây quá tải làm cầu dao (CB) trên đường dây tự động tắt. Ngày 5-4, công ty đã khắc phục sự cố ở khu phố 7, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân.
Đại diện Công ty Điện lực Bình Chánh xác nhận khu vực ấp 1, xã Vĩnh Lộc A và ấp 2, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có xảy ra mất điện bốn lần do người ta đốt bãi rác khiến phát nhiệt lên đường dây điện (công ty phải cúp điện để tránh nguy hiểm) và do sự cố rò rỉ dầu tại trạm biến thế. Công ty đã khắc phục xong các sự cố trên.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải, hứa sẽ kiểm tra việc cúp điện nhiều lần ở hẻm 609 Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè...
Ngoài những trường hợp kể trên, website của EVN HCMC cũng ghi lại hàng loạt vụ cúp điện. Cụ thể, trong hai ngày 2 và 4-4 trên địa bàn do 8/15 công ty điện lực (thuộc EVN HCMC) quản lý đã xảy ra 51 sự cố gây cúp điện tại nhiều khu vực. Lý do cúp điện chỉ ghi chung chung: sự cố đột xuất, sự cố lưới điện, bật CB tổng... và EVN HCMC cho rằng đây là sự cố bất khả kháng nên không thể thông báo trước cho khách hàng được. Giải thích này mâu thuẫn với tuyên bố của EVN HCMC là “đã sửa chữa, bảo trì, nâng cấp lưới điện, trạm biến áp đồng thời đã tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm mất an toàn trên hệ thống điện để đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định cho người dân TP”.
Mất điện do quá tải, ngành điện phải bồi thường Một cán bộ Sở Công thương TP cho rằng đối với những sự cố quá tải dẫn đến tắt CB không phải là sự cố bất khả kháng, nên mất điện do trường hợp này gây thiệt hại cho khách hàng, ngành điện phải có trách nhiệm bồi thường. Cán bộ này cũng cho biết hệ thống lưới điện, CB hiện nay đều có mức dự phòng hơn 20-30% so với nhu cầu sử dụng điện. Tuy nhiên, có một vài thời điểm, tất cả người dân đều bật các thiết bị điện cùng lúc làm công suất tổng vượt qua công suất dự phòng của CB gây cúp điện. Nếu đầu tư nâng công suất dự phòng lên 50-60% thì sẽ tốn chi phí rất lớn nhưng chỉ đáp ứng trong một thời gian ngắn sẽ lãng phí cho cả xã hội. “Sở Công thương sẽ làm việc với ngành điện xung quanh việc để xảy ra cúp điện nhiều như trên. Nhưng về phía người dân phải sử dụng điện hiệu quả, hợp lý, đặc biệt vào các thời gian cao điểm” - vị cán bộ này đề nghị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận