Phóng to |
Bệnh nhân bảo hiểm y tế chờ khám bệnh, lấy thuốc tại Bệnh viện Trưng Vương - Ảnh: L.TH.H. |
Trưởng đoàn giám sát là bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cùng các thành viên đã làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Đợt giám sát nhằm lấy ý kiến các đơn vị để chuẩn bị sửa đổi Luật bảo hiểm y tế.
Còn phiền hà
Báo cáo với đoàn giám sát, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết 60% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện là người có thẻ bảo hiểm y tế. Bệnh nhân vượt tuyến ngày càng đông (chiếm khoảng 30% số bệnh nhân bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh/ngày) và tình trạng bệnh chưa đến mức bệnh viện tuyến cuối phải điều trị như Chợ Rẫy. Phần lớn bệnh nhân bị bệnh ở mức độ trung bình đến nhẹ.
Tuy nhiên, theo PGS Trường Sơn, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vẫn còn không ít vướng mắc, phiền hà cho người bệnh, làm tăng tình trạng quá tải bệnh nhân.
Cụ thể, tỉ lệ thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân bị sai sót họ tên, ngày tháng năm sinh rất nhiều khiến người bệnh ở các tỉnh lên TP nhiều khi không được khám chữa bệnh.
Khi đi khám bảo hiểm y tế, bệnh nhân phải mang theo nhiều loại giấy tờ, trong đó có giấy chuyển viện của tuyến huyện, chuyển viện của tuyến tỉnh, giấy xác nhận tham gia bảo hiểm y tế sáu tháng hoặc tham gia bảo hiểm y tế ba năm để được hưởng kỹ thuật cao, giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế.
Đối với người bệnh mãn tính, quy định cứ đầu năm dương lịch là cấp thẻ lại một lượt gây ùn ứ rất lớn ở bệnh viện tuyến trung ương. “Đây là thủ tục hành chính rất phi lý, làm ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện, gây phiền hà cho bệnh nhân” - PGS Trường Sơn nói.
Về quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế, theo Bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh vẫn còn nhiều thiệt thòi. Đơn cử, quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán quá hai lần chụp PET (kỹ thuật cao trong chẩn đoán, đánh giá, theo dõi ung thư và một số bệnh khác) trong một chu trình điều trị cho bệnh nhân, trong khi Luật bảo hiểm y tế chưa có quy định.
Việc chỉ định thuốc mới đặc trị bệnh ung thư máu, u đường tiêu hóa còn bị giới hạn số ngày chỉ định thuốc (không quá bảy ngày đối với bệnh nhân ở thành phố và 15 ngày đối với bệnh nhân ở tỉnh cho một lần khám bệnh) gây phiền hà cho bệnh nhân ở tỉnh lên TP.HCM.
Bệnh nhân bảo hiểm y tế còn thiệt thòi khi chưa được tiếp cận với vật tư y tế mới, hiện đại hơn, an toàn hơn trong điều trị. Đơn cử cùng là dao siêu âm, nhưng dùng cắt gan thì được bảo hiểm y tế chi trả nhưng dùng trong phẫu thuật khác thì không được.
Quy định mức hưởng kỹ thuật cao bị giới hạn bằng 40 tháng lương tối thiểu khiến một số bệnh nhân phải sử dụng kỹ thuật cao như đặt stent mạch vành, động mạch chủ, phẫu thuật tim… đặc biệt là bệnh nhân nghèo bị hạn chế tiếp cận kỹ thuật mới này.
Cũng vì quy định không thanh toán tiền giường ngoại trú cho bệnh nhân điều trị trong ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy còn phải làm thủ tục cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân chạy thận nhân tạo chỉ cần điều trị trong ngày vào nhập viện nội trú, sau đó lại làm thủ tục ra viện để “hợp pháp” hóa việc thanh toán tiền giường điều trị gây phiền hà cho bệnh nhân và bệnh viện.
Giữ bệnh nặng
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết năm 2012 bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bệnh nặng, bệnh phức tạp, được một số bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân ký giấy chuyển viện lên nhưng trong giấy chuyển viện lại ghi: “chuyển theo yêu cầu bệnh nhân”, trong khi những bệnh viện, phòng khám này không đủ khả năng điều trị những bệnh nhân nặng này.
Vì lo sợ vỡ quỹ bảo hiểm y tế của cơ sở mình nên việc ghi như vậy làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân. Thay vì bệnh nhân được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế đúng tuyến thì chỉ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả một phần do bị xếp vào dạng đi khám chữa bệnh vượt tuyến. Bệnh viện đã phải hướng dẫn thân nhân về nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để xin lại giấy chuyển viện.
Một bất cập khác trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế là thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới quy định nhiều đối tượng và mã quyền lợi, không ghi thời hạn hưởng kỹ thuật cao, sử dụng thuốc chống thải ghép và thuốc chống ung thư ngoài danh mục, gây khó khăn cho cơ sở khám chữa bệnh cũng như cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế khi phải chứng minh thời hạn tham gia liên tục trên sáu tháng hoặc trên ba năm.
Muốn được khám bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã Đó là là ý kiến của một số người dân tham gia bảo hiểm y tế và lãnh đạo của xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) trong buổi làm việc với đoàn giám sát chiều cùng ngày. Theo đại diện UBND xã Xuân Thới Thượng, dù trạm y tế của xã đạt chuẩn quốc gia, có cơ sở vật chất khá tốt, đầy đủ dụng cụ y tế cần thiết như máy hút đàm, máy siêu âm, máy đo điện tim, máy nghe tim thai… nhưng từ tháng 7-2012 đã phải ngưng nhận khám bảo hiểm y tế vì Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đã tạm dừng việc thanh toán tiền khám chữa bệnh tại các trạm y tế, nên trạm y tế xã Xuân Thới Thượng không thể nhận thuốc bảo hiểm y tế từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn. Điều này gây bất lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhất là những người lớn tuổi đi lại khó khăn hoặc những người bệnh không nghiêm trọng. Trong khi đó, đại diện bảo hiểm y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn nói việc đi lại tại TP.HCM không quá xa và khó khăn nên không có vấn đề gì và người dân cũng không muốn đăng ký khám bệnh ban đầu tại trạm y tế xã. Tuy nhiên, ông Phạm Phương Thanh (76 tuổi) - một người tham gia bảo hiểm y tế tại xã Xuân Thới Thượng - bức xúc: “Từ ngày không được khám tại trạm y tế xã, tôi luôn phải mua thuốc ở ngoài vì đi lại khó khăn. Nếu tới bệnh viện phải chờ đợi rất lâu mới được khám và cấp thuốc. Cứ bắt chúng tôi đi tới những bệnh viện quá tải thì càng bệnh hơn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận