Ông Phạm Quý Ngọ |
"Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ “xe chính chủ”, chưa bao giờ nói chỉ người có tên trong giấy đăng ký mới được điều khiển phương tiện giao thông, không có bất cứ quy định nào xử phạt người đi xe thuê, xe mượn" Ông Phạm Quý Ngọ |
Ông Ngọ nói: “Đây là ý kiến chính thức của Bộ Công an đối với những vấn đề này”.
Về việc dư luận quan tâm đến các trường hợp được nổ súng trong dự thảo nghị định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, ông Ngọ nêu rõ: “Các trường hợp nổ súng trong dự thảo nghị định không phải là quy định mới, chỉ là cụ thể hóa một số điểm của điều 22 quy định nổ súng của pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Quy định trong dự thảo nghị định nhằm đảm bảo rõ hơn, chính xác hơn, gắn chặt quyền và trách nhiệm của người thi hành công vụ. Đây là một trong những biện pháp cuối cùng để bảo vệ tính mạng người dân, người thi hành công vụ khi bị tấn công”.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Ngọ nói: “Tôi nghĩ quy định cụ thể việc nổ súng là cần thiết. Không ai cho phép nổ súng vào dân thường, chỉ nổ súng vào những đối tượng tội phạm uy hiếp trực tiếp, gây nguy hiểm đến tính mạng người thi hành công vụ. Riêng đối với người thực thi nhiệm vụ, lực lượng công an phải có tập huấn để hiểu rõ trường hợp nào được phép nổ súng, trường hợp nào được cho là uy hiếp trực tiếp, chứ không phải nổ súng tràn lan. Người thực thi nhiệm vụ cũng là công dân, nếu sử dụng súng sai mục đích, không đúng trường hợp cần thiết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Về quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông, ông Ngọ khẳng định đây là quy định không mới vì đã được thực hiện theo nghị định của Chính phủ từ năm 1995 đến nay, dư luận chú ý vì mức phạt của hành vi vi phạm này tăng cao hơn so với trước. Ông Ngọ nói Bộ Công an sẽ xử lý cương quyết đối với hành vi vi phạm này để ngăn chặn các loại tội phạm khác như trộm cắp xe rồi làm giấy tờ giả, hoặc xe gây tai nạn nhưng truy tìm không ra chủ để chịu trách nhiệm.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ còn cho hay đến nay chưa có quy định nào xử phạt việc đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng và quy chuẩn, chỉ xử lý người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ mà không cài quai theo quy định.
Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Công an cho biết thời gian tới sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát giao thông ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt lưu ý phương tiện trọng điểm là xe khách. Trung tướng Phạm Quý Ngọ nói: “Chúng tôi đã kiến nghị đưa xe khách vào quản lý kinh doanh có điều kiện, tránh tình trạng ai muốn kinh doanh là kinh doanh, quản lý không được. Thực tế cho thấy hiện nay khi xảy ra tai nạn giao thông thì chỉ xử lý tài xế lái thuê, còn chủ xe không bị gì là không công bằng. Chúng tôi kiến nghị Ban An toàn giao thông quốc gia và các địa phương xem xét những trung tâm đào tạo lái xe nào để nhiều người do trường đó đào tạo gây tai nạn giao thông thì có thể đóng cửa, chứ không thể thành lập trung tâm ra rồi bán bằng lái, để lại hậu quả cho xã hội”.
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra rạng sáng 8-3 tại Cam Ranh, ngày 22-3 trung tướng Phạm Quý Ngọ chỉ đạo Công an tỉnh Khánh Hòa phải điều tra kỹ vệt bùn mía xuất hiện ở nơi xảy ra vụ tai nạn giữa hai xe khách. “Nếu kết quả điều tra cho thấy xe chở bùn mía gián tiếp gây ra vụ tai nạn giao thông ở Cam Ranh thì phải xử lý nghiêm” - ông Ngọ nhấn mạnh. Cùng quan điểm, trung tướng Tô Thương - tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an - đề nghị: “Cần phải điều tra mở rộng các nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân tài xế xe khách Quảng Ngãi chạy quá tốc độ và lấn tuyến, nhằm xử lý triệt để những người gián tiếp gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này”.
Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh - phó giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa - cho biết đến nay vẫn chưa có kết quả giám định vệt bùn mía nên chưa kết luận được nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận