01/11/2004 16:06 GMT+7

Vụ buôn lậu xăng dầu ở Tiền Giang: Bắt giam thêm 5 người

NHÓM PV HÀ NỘI
NHÓM PV HÀ NỘI

TT - Tiếp tục mở rộng điều tra đường dây buôn lậu xăng dầu qui mô lớn ở Tiền Giang, ngày 30-10, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ CA đã bắt - khám xét năm đối tượng tại Hà Nội và TP.HCM

YwpbewZI.jpgPhóng to
Lê Tuấn Long, giám đốc Công ty TNHH Bảo Anh (trụ sở tại TP.HCM) bị bắt, áp giải về trại giam sáng 30-10-2004 - Ảnh: V.H.Q.

Trong số này có Nguyễn Viết Hoa - trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco); Lê Mạnh Hà - kế toán trưởng Vinapco; Lê Anh Văn - giám đốc Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam (thuộc Vinapco); Nguyễn Văn Giao - nguyên trưởng phòng kinh doanh, Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam và Lê Tuấn Long - giám đốc Công ty TNHH Bảo Anh (trụ sở tại 185-187 Nguyễn Biểu, quận 5, TP.HCM).

Theo điều tra bước đầu, với thủ đoạn tương tự các đối tượng ở Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển (làm giả hồ sơ, xác nhận khống để giúp Trần Thế Hùng tạm nhập, tái xuất xăng dầu), các đối tượng trên đã thông đồng, tiếp tay cho một số đối tượng trong đường dây buôn lậu xăng dầu Trần Thế Hùng, gây thiệt hại trên 60 tỉ đồng và bản thân các đối tượng còn chia chác với nhau trên 10 tỉ đồng khác.

Từ năm 1997-2003, Vinapco đã liên tục thực hiện việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu các loại sang Campuchia và Trung Quốc. Đáng lưu ý, doanh nghiệp này đã ký sáu hợp đồng lớn tái xuất gần 50.000 tấn xăng dầu (chủ yếu là dầu diesel, xăng và dầu máy bay Jet A1), trị giá hơn 11 triệu USD. Trong số này gồm có hợp đồng bán 20.000 tấn dầu cho Công ty Hung Tran (Trung Quốc) vào tháng 12-1998; hợp đồng bán 20.000 tấn xăng Mogas 83 sang Campuchia cho Công ty ITB vào tháng 2-1999; hợp đồng bán 20.000 tấn dầu diesel và 30.000 tấn xăng Mogas 92 sang Campuchia cho đối tác Vantimex vào tháng 12-1999; hợp đồng bán 20.000 tấn dầu diesel sang Công ty Dong Kien (Trung Quốc) tháng 4-1999; hợp đồng bán 40.000 tấn dầu diesel sang Công ty Sokkong (Campuchia) vào tháng 6-1999 và hợp đồng bán 15.000 tấn dầu máy bay Jet A1 cho Sokkong (Campuchia) tháng 1-2002. Những hợp đồng trên do giám đốc Vinapco và trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp ký.

l5PpsbxQ.jpgPhóng to zokJG9AN.jpg

Đỗ Như Quế

Phạm Quang Khiêm

Ngày 29-10, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Như Quế - phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển - và Phạm Quang Khiêm - nguyên kế toán trưởng công ty này - để làm rõ các hành vi thông đồng, tiếp tay của Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển trong các phi vụ buôn lậu xăng dầu của Trần Thế Hùng - Ảnh: Kiều Vi

Theo xác định của cơ quan chức năng, các bên tham gia hợp đồng đã liên tục vi phạm các thỏa thuận về điều kiện giao hàng, thời hạn thanh toán theo hướng gây thiệt hại phía VN, nhất là việc phòng kinh doanh xuất nhập khẩu của Vinapco chỉ đạo Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam thu tiền bằng VND, vi phạm qui chế quản lý ngoại tệ.

Vinapco đã lập tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại và khai báo phương thức thanh toán không đúng thực tế, vi phạm qui chế giám sát và quản lý hải quan đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất của Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, ngoài những biểu hiện không bình thường mang tính hệ thống và kéo dài trong quan hệ hợp đồng kinh tế của Vinapco, các bên tham gia mua hàng, vận chuyển hàng trong những hợp đồng trên đều là các "mắt xích" trong đường dây buôn lậu của Trần Thế Hùng.

Mặt khác, hầu hết các tờ khai hải quan tái xuất của Vinapco cho đối tác Campuchia đều do nhóm Phạm Quang Mậu - nguyên chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) - ký xác nhận. Cơ quan chức năng cũng đặc biệt quan tâm đến một số hợp đồng giữa Vinapco với Sunriver (thành lập ở Singapore, do Trần Thế Hùng làm chủ tịch HĐQT), bước đầu xác định dấu hiệu lượng xăng dầu thực tế không tái xuất mà được giữ lại để tiêu thụ tại VN, gây thất thu các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí xăng dầu phải nộp cho Nhà nước.

Cơ quan chức năng cũng xác định những sai phạm ở Vinapco liên quan đến Công ty TNHH Bảo Anh, do Lê Tuấn Long làm giám đốc. Công ty Bảo Anh được Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam thuê chuyển tải dầu diesel từ tàu ngoại tại Vũng Tàu vào bờ hoặc tới nơi mua. Tuy nhiên, qua xác minh bốn hợp đồng ký với Bảo Anh từ 2000 đến 2002, cơ quan chức năng xác định Vinapco do không qui định cụ thể trong hợp đồng nên đã không quyết toán với công ty này về lượng dầu diesel bị hao hụt, dẫn tới làm thiệt hại cho công ty 4.498.889 lít dầu, trị giá gần 14,6 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, có 219.119.417 lít dầu dù Công ty Bảo Anh không thực hiện việc chuyển tải (giao thẳng từ tàu ngoại sang tàu người mua) nhưng vẫn được Vinapco thanh toán… khống số tiền hơn 3,8 tỉ đồng. Cơ quan chức năng xác định mới chỉ kiểm tra một phần rất nhỏ trong các hợp đồng chuyển tải nhiên liệu đã phát hiện những thất thoát rất lớn. Bước đầu cơ quan điều tra đã cá thể hóa trách nhiệm để xử lý một số trường hợp, đồng thời đang tiếp tục thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ để mở rộng diện điều tra vụ án.

----------------------------

Trần Thế Hùng và những phi vụ buôn lậu xăng dầu

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, tháng 10-2002, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (nay là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) đã khám phá vụ án buôn lậu xăng dầu với hình thức tạm nhập tái xuất do Trần Thế Hùng (Hùng “xì tẹc”) cùng hàng chục đối tượng thực hiện.

Kết quả điều tra cho thấy Trần Thế Hùng đã cấu kết với một số cán bộ ở Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương và bộ đội biên phòng cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) để ký xác nhận khống hồ sơ tái xuất xăng dầu sang Campuchia (CPC) nhưng thực tế để lại VN tiêu thụ; cấu kết với một số cán bộ của Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển, các cán bộ giám định của Công ty Vinacontrol và Công ty SGS để làm hồ sơ giả đổi xăng thành dầu tái xuất sang CPC và làm hồ sơ giả để giảm số lượng xăng dầu tái xuất sang CPC nhằm mục đích “giúp” một số công ty xăng dầu ở CPC trốn thuế, đổi lại những công ty này chi tiền, đồng thời kiểm định sai thực tế cho Trần Thế Hùng bơm nước lã thay dầu DO vào tàu biển để tái xuất khống sang CPC.

Để thực hiện trót lọt hàng loạt phi vụ buôn lậu xăng dầu với thủ đoạn nói trên, Trần Thế Hùng còn “hợp tác” với một số sĩ quan trong quân đội mà trực tiếp là Nguyễn Hữu Dũng, nguyên giám đốc Công ty Tây Nam (Quân khu 7). Sau khi kết thúc điều tra, phần liên quan đến một số sĩ quan quân đội đã được tách ra giao cho Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) thụ lý điều tra; phần liên quan đến một số sĩ quan bộ đội biên phòng giao cho Cục Điều tra của ngành này điều tra (đã được đưa ra xét xử tháng 9-2004).

Hồ sơ còn lại gồm 27 bị can do Trần Thế Hùng cầm đầu hiện đã được giao cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang ra quyết định truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trong vụ án nghiêm trọng này còn có sự tiếp tay của một số cán bộ công tác tại Công ty Xăng dầu hàng không và Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam - cũng với những thủ đoạn tương tự như một số cán bộ tại Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển - được tách ra để tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2.

NHÓM PV HÀ NỘI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên