Phóng to |
Mũ bảo hiểm dỏm chỉ cần đập nhẹ vào nhau là vỡ nát - Ảnh: Lê Sơn |
Phóng to |
Quản lý thị trường TP.HCM tịch thu mũ bảo hiểm không có nhãn mác, giấy tờ tại chợ Kim Biên, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm một mặt cam kết bình ổn giá, mặt khác đề xuất dời lại thời gian áp dụng xử phạt người tiêu dùng (15-4).
1 ngày phát hiện 5.000 mũ giả
Tại điểm kinh doanh mũ bảo hiểm khu vực chợ Kim Biên (TP.HCM), đội quản lý thị trường (QLTT) 5B kiểm tra và thu giữ gần 1.000 mũ giả mũ bảo hiểm. Hầu hết đây là loại mũ gắn mác “dành cho người đi bộ, mũ thể thao” với thành phần gồm vỏ nhựa, miếng vải lót mỏng và quai đeo. Chủ cơ sở không có bất cứ giấy tờ nào thể hiện nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đơn vị sản xuất cũng như công bố tiêu chuẩn chất lượng...
Tương tự, tại điểm tập kết mũ bảo hiểm số 4 đường Phan Văn Năm, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, QLTT phát hiện hơn 800 mũ bảo hiểm, cùng hơn 2.000 kính chắn gió mũ bảo hiểm không có nhãn hàng hóa.
Trưởng phòng chống hàng giả thử nghiệm mũ bảo hiểm Ngay tại điểm kiểm tra ở quận Tân Phú, ông Trịnh Văn Ngọc - trưởng phòng chống hàng giả Cục QLTT Bộ Công thương - cầm hai mũ bảo hiểm giả đập nhẹ, lập tức hai mũ này vỡ tan. “Loại mũ này rõ ràng không có chức năng bảo vệ. Thêm vào đó, mảnh vỡ sắc cạnh như thế này nếu ghim vào đầu khi xảy ra tai nạn thì quá nguy hiểm” - ông Ngọc bức xúc. |
Theo Chi cục QLTT TP.HCM, chỉ trong ngày ra quân đầu tiên, đơn vị đã phát hiện gần 5.000 mũ bảo hiểm vi phạm cùng 2.000 kính chắn gió mũ bảo hiểm không tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ. Ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, cho biết hầu hết các điểm kiểm tra đều vi phạm kinh doanh hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, thậm chí không có giấy phép kinh doanh... Những loại mũ giả mạo được trộn lẫn vào các sản phẩm có tem nhãn hợp quy để gây nhầm lẫn. Tất cả sản phẩm trên được tạm giữ để xác định đâu là mũ giả mũ bảo hiểm, tiến hành kiểm định chất lượng đối với sản phẩm mũ bảo hiểm có tem nhãn hợp quy chuẩn.
Cũng trong ngày 7-3, tại Hà Nội, lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn, trong đó tập trung vào gần chục cửa hàng tại khu vực Phố Huế, quận Hai Bà Trưng.
Lực lượng chức năng xác định 100% cơ sở bị kiểm tra đều có vi phạm. Qua kiểm tra đã thu giữ khoảng 400 mũ bảo hiểm có dấu hiệu làm giả và lấy mẫu đưa đi giám định.
Không để người dân lo lắng
“Rõ ràng loại mũ “thể thao”, “dành cho người đi bộ” không phải là mũ bảo hiểm. Người dân phải đội mũ bảo hiểm dành cho việc đi môtô, xe máy đã được quy định. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao, cơ quan QLTT sẽ quyết tâm dẹp sạch loại mũ không phải mũ bảo hiểm này. Riêng loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, tem nhãn giả mạo... chúng tôi thừa nhận trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học - công nghệ, lực lượng QLTT, công an kinh tế... chứ không thể để người dân phải lo lắng, chịu thiệt” - ông Trần Hùng, phó cục trưởng Cục QLTT, thẳng thắn.
Trong khi đó, ông Trần Văn Xiêm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam - cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân về mũ bảo hiểm tại khu vực Nhà văn hóa Thanh niên, quận 3 và các quận huyện khác. Trong buổi tuyên truyền sẽ phát tờ rơi, gian hàng trưng bày hàng thật, giả... để người tiêu dùng có thể phân biệt rõ ràng.
Cách phân biệt mũ thật, mũ dỏm Theo thông tư liên tịch 4 bộ (Khoa học - công nghệ, Giao thông vận tải, Công an và Công thương), mũ bảo hiểm là loại mũ phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Như vậy, không quá khó để xác định đâu là mũ bảo hiểm, đâu không phải là mũ bảo hiểm. Trong khi đó, mũ giả mũ bảo hiểm là loại mũ được cấu tạo hai thành phần gồm vỏ mũ và quai đeo. Phần mút xốp đệm không có hoặc rất mỏng không có khả năng hấp thu xung động. Loại mũ này không được chứng nhận hợp quy, nhãn hàng hóa không thể hiện đơn vị sản xuất và các thông số kỹ thuật, chất lượng. Nhiều sản phẩm chỉ ghi nhãn “nón thể thao”, “mũ dành cho người đi bộ”, hoặc “sản xuất tại VN” mà không ghi tên đơn vị sản xuất cụ thể. |
Đề nghị dời thời gian xử phạt
Chiều 7-3, Cục QLTT, Chi cục QLTT TP.HCM và Chi cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam có buổi gặp gỡ với gần mười doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm tại TP.HCM. Theo đó, có bảy doanh nghiệp ký thỏa thuận không tăng giá mũ bảo hiểm và cam kết chất lượng đúng theo quy chuẩn đến hết năm 2013, đảm bảo bình ổn thị trường, tránh tình trạng lợi dụng khan hiếm hàng hóa, tát nước theo mưa.
Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng nên lùi thời gian xử phạt người tiêu dùng (xử phạt người đội mũ không đạt chuẩn từ ngày 15-4), thay vào đó tập trung truy quét mũ bảo hiểm giả mạo từ nơi kinh doanh đến nơi sản xuất và thực hiện tốt khâu tuyên truyền. Qua đó, những nhà sản xuất có thời gian để tăng năng suất sản phẩm, đảm bảo giữ giá cũng như cam kết về chất lượng.
“Hiện nay lượng mũ giả mũ bảo hiểm chiếm đến 70% thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất khó có thể đảm bảo lượng hàng thay thế, nếu quá gấp sẽ dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị sản xuất không đủ điều kiện kỹ thuật, chất lượng nhảy vào kiếm lợi gây rối thị trường. Người tiêu dùng lại là đối tượng thiệt thòi khi mất tiền mua những sản phẩm kém chất lượng” - đại diện Công ty sản xuất mũ bảo hiểm Chí Thành V.N nói.
Theo kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thời điểm này đang là giai đoạn thử nghiệm kiểm tra kết hợp tuyên tuyền được triển khai tại bảy tỉnh thành, chiến dịch diễn ra từ ngày 15-3 đến 15-4. Giai đoạn này các cơ quan chức năng chủ yếu tập trung xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ giả mũ bảo hiểm, mũ kém chất lượng, mũ nhập lậu. Giai đoạn từ ngày 15-4, các cơ quan chức năng thực hiện xử phạt người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ giả mũ bảo hiểm. Còn ông Trần Hùng cho biết việc đề xuất dời thời gian xử phạt người tiêu dùng sẽ được các cơ quan chức năng cân nhắc và có thể trong khoảng thời gian 3-6 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận