26/02/2013 11:26 GMT+7

Xóa tên thường trú của người xuất cảnh quá hai năm?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Sáng nay (26-2), thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.

Trong dự án có quy định xóa đăng ký thường trú đối với người xuất cảnh ra nước ngoài quá hai năm.

R6HetbRq.jpgPhóng to
Du học sinh Việt tại nước ngoài - Ảnh: tư liệu TTO

Tuy nhiên, quy định này không nhận được đồng tình của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Thứ nhất, việc sửa quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp ra định cư ở nước ngoài thành quy định xóa đăng ký thường trú đối với người đã xuất cảnh từ 2 năm trở lên là chưa thực sự phù hợp, không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và cũng chưa làm rõ được nội hàm của quy định này” - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Ông Lý phân tích: “quy định này có áp dụng với cán bộ, công chức được cử đi làm việc ở nước ngoài, người đi lao động, học tập, chữa bệnh ở nước ngoài không? Thời hạn thực tế những người đã xuất cảnh ở nước ngoài chỉ tính thời gian ở nước ngoài liên tục hay tính từ khi xuất cảnh? Nếu tính thời gian liên tục kể từ khi xuất cảnh thì có gây khó khăn cho công dân khi ra nước ngoài học tập, lao động hay không, bởi lẽ quy định này tạo tâm lý cho người dân phải lo giữ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, nên trong quá trình học tập, lao động ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn 2 năm kể từ khi xuất cảnh để không bị xóa đăng ký thường trú. Hơn nữa, nếu xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này thì cơ quan nào có trách nhiệm quản lý đối với những người này; khi có những vấn đề liên quan đến họ thì sẽ xử lý như thế nào?”.

Vẫn theo phân tích của thường trực Ủy ban Pháp luật, quy định như dự thảo Luật sẽ gây ra nhiều khó khăn, phiền hà đối với người xuất cảnh không chỉ khi họ thực hiện các quan hệ dân sự như kết hôn, giao dịch mua bán tài sản, đăng ký quyền sở hữu…mà còn có thể ảnh hưởng đến việc bảo hộ quyền cho công dân Việt Nam trong trường hợp những người này tham gia vào quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự.

Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ cho rằng, đăng ký thường trú ở đâu thì công dân phải thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình ở đó, do vậy nếu đi quá hai năm thì tạm xóa rồi sau đó khi về đăng ký lại.

Nhưng lập luận của thứ trưởng Bộ Công an bị chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Cớ gì tôi đi nước ngoài mà ông ở nhà xóa tên tôi, đến quốc tịch mà tôi còn được giữ nữa là. Con người ta càng ngày càng tự do, tự do cư trú là quyền cơ bản. Tự do gì mà tôi vừa ra khỏi nhà đi nước ngoài một cái thì ông bảo ông xóa tên tôi trong sổ? Cái sổ của ông rất to, ông chỉ cần chú thích trong đó là tôi đi vắng, chứ làm gì phải xóa?”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên