25/02/2013 08:07 GMT+7

Tai nạn thương tâm đầu năm

MAI HƯƠNG - ĐỨC THANH - QUANG KHẢI - NGỌC NGA
MAI HƯƠNG - ĐỨC THANH - QUANG KHẢI - NGỌC NGA

TT - Vụ nổ khá hi hữu xuất phát tại một căn nhà ở P.8, Q.3, TP.HCM - nơi ông Lê Minh Phương, chuyên gia tạo khói lửa cho các đoàn làm phim, thuê. Vụ nổ làm 10 người chết, trong đó có 5 người gia đình ông Phương.

Toàn cảnh diễn biến vụ nổXem clip vụ cháy sập nhà, nhiều người bị vùi lấpĐã đưa 10 thi thể ra khỏi những ngôi nhà bị nổ sậpVụ nổ phát ra từ nhà ông Lê Minh Phương thuê chứa đạo cụ

6AbizRKr.jpgPhóng to
Lực lượng cứu hộ đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát - Ảnh: Đức Thanh
FYfOmCkW.jpgPhóng to
Lực lượng cứu hộ - cứu nạn đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ nổ - Ảnh: Đ.T.
IzBF8cYk.jpgPhóng to
Sơ đồ nơi xảy ra vụ nổ - Đồ họa: Vĩ Cường

Đúng 18g ngày 24-2, thi thể của năm người trong gia đình ông Phương được khâm liệm rời khỏi nhà tang lễ An Bình, sau đó chuyển về chùa Vĩnh Nghiêm. Trước đó, bộ phận quản lý nhà tang lễ đã nhiều lần yêu cầu gia đình đem quần áo của nạn nhân vào để nhân viên mặc cho người đã khuất sau khi thủ tục phẫu thuật pháp y đã hoàn thành. Yêu cầu tưởng chừng vô cùng đơn giản đó cũng khiếnngười thân của gia đình ông hết sức bối rối. Bởi toàn bộ quần áo, vật dụng, hình ảnh liên quan đến gia đình ông Phương đã bị vùi lấp dưới đống đổ nát.

Vi phạm về quản lý vật liệu cháy nổ

Hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng và điều trị cho nạn nhân

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, lãnh đạo Thành ủy - UBND TP.HCM, các sở ngành cùng Quận ủy - UBND quận 3 đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ. Ông Trần Quang Bá - phó chủ tịch UBND quận 3 - cho biết trong chiều 24-2, quận đã hỗ trợ tạm thời 5 triệu đồng cho thân nhân 10 nạn nhân thiệt mạng và các chi phí điều trị ban đầu cho những người bị thương đang cấp cứu tại bệnh viện. Đây chỉ là hỗ trợ ban đầu, sau đó quận sẽ lo toàn bộ chi phí mai táng và điều trị cho các nạn nhân. Đồng thời sẽ hỗ trợ về nơi ăn chốn ở cho những gia đình bị sập nhà, giúp người dân mau chóng ổn định sau vụ tai nạn thương tâm này.

VIỄN SỰ

Tối qua, Công an TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về vụ tai nạn cháy nổ thương tâm này. Trước đó, Thành ủy và UBND TP cũng đã có cuộc họp khẩn cấp bàn biện pháp giải quyết hậu quả vụ cháy nổ.

Theo công an, vụ nổ xảy ra tại hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3). Đại tá Lê Anh Tuấn, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM, cho biết vụ nổ phát ra từ căn nhà số 384/9 do ông Lê Minh Phương (58 tuổi, hộ khẩu thường trú số 486 Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh) thuê để chứa đạo cụ làm phim.

Ông Phương là giám đốc Công ty cổ phần giải trí Lạc Việt có trụ sở đặt tại căn nhà thuê nói trên. Công ty này được Sở Kế hoạch - đầu tư TP cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Nhưng nghề nghiệp của ông Phương là tạo hiệu ứng cháy nổ và tại sao ông Phương lại trữ những loại vật liệu cháy nổ như trên, phía Công an TP đang điều tra. Riêng việc ông Phương trữ vật liệu cháy nổ là vi phạm quy định về quản lý vật liệu cháy nổ. Công an TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy xác định rõ nguyên nhân vụ cháy nổ này.

Trong khi đó, theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, trước đây sở này có cấp phép việc kinh doanh, lưu trữ hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của UBND TP, Sở Công thương đã ngưng cấp phép từ hai năm nay. Liên quan đến các hóa chất gây cháy nổ làm đạo cụ, vũ khí khi đóng phim, đơn vị hoặc cá nhân nào muốn sử dụng phải đăng ký với Công an TP, ngay cả việc tạo khói màu trên phim trường cũng phải được công an cho phép.

Đại diện Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP cũng cho rằng muốn lưu giữ các hóa chất dễ gây cháy nổ phải có điều kiện đảm bảo an toàn và được cơ quan này thẩm định. “Trường hợp một hộ dân lưu giữ hóa chất trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị nghi dẫn đến cháy nổ thì chưa có hồ sơ gửi để thẩm định” - vị đại diện này nói.

gNZ3K7Cv.jpgPhóng to
Hiện trường vụ nổ - Ảnh: Công Dũng

Đại họa của cả gia đình

Cả nhà ông Phương, chỉ có bé Lê Nam Phương, tên gọi ở nhà là bé Sóc, con gái út đang học lớp 1D Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) là được khâm liệm với bộ đồ tết của mình. Hớt hải chạy tới nhà tang lễ An Bình vào buổi chiều, bà Phan Thị Kim Sang, 53 tuổi, vú nuôi làm việc tại gia đình ông Phương, khóc ngất.

Bắt chuyến xe đò từ sáng sớm, đi từ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lên Sài Gòn, mãi đến gần cuối giờ chiều bà mới tới được đây. Mở tung bọc quần áo mang theo, bà Sang lôi ra cái áo trắng nhỏ may bằng vải gấm kiểu Hàn Quốc dúi cho người nhà đem vô phòng để xác. Bà nghẹn ngào: “Tự nhiên không biết cái gì xui khiến mà tối hôm qua tui nhớ con Sóc quá nên đem quần áo nó ra soạn vô một bọc. Nó theo tui về quê từ bữa 28 tết, tới mồng 8 thì bố nó về quê rước lên đi học”.

Trong nhà tang lễ, giữa đám đông thinh lặng ngồi chờ, một cậu bé với gương mặt thất thần đi hỏi thăm hết người này đến người khác: “Chừng nào bạn Phương được ra? Chừng nào con mới được nhìn mặt bạn lần cuối?”. Em là Huỳnh Thái Hiếu, bạn học cùng lớp 11B2 Trường THPT Marie Curie với em Lê Khánh Phương, con trai lớn của ông Lê Minh Phương. Hiếu nghẹn giọng: “Sáng nay vừa nghe tin, em đã chạy tới nhà bạn Phương nhưng mấy chú công an không cho vào. Em hỏi thăm biết cả nhà bạn chết hết rồi...”. Hiếu bỏ ngang câu nói, run run bắt điện thoại, giọng em lạc đi: “Thầy ơi, bạn Phương chết rồi...”.

Ngay khi nghe được thông tin về vụ nổ, diễn viên Hải Lý cũng có mặt tại nhà tang lễ để chia buồn cùng gia đình ông Lê Minh Phương. Bà cho biết: “Anh chị em nghệ sĩ đều biết anh Phương là một người yêu nghề. Nghe tin sét đánh, ai nấy đều thương. Tụi tui đã định sẽ quyên góp để lo hậu sự cho cả nhà của anh ấy”.

Đeo bám ở hiện trường ngay từ sáng sớm, đồng thời là người trực tiếp tham gia nhận diện nạn nhân, anh Phan Minh Trung - nhân viên phụ trách thiết kế, trang trí cho gia đình ông Phương - kể: “Lúc khiêng ra, ông Phương, bà Phước vẫn còn nguyên vẹn. Tui nhớ ổng còn mặc cái quần đùi. Chỉ có bé Quân thì bị đè móp một bên mặt. Bé Nam Phương bị cháy hai bàn tay.

Riêng thi thể được nghi là của chị Tuyết - em gái ông Phương thì cháy đen, không còn hình dạng gì”. Đến cuối giờ chiều, người nhà của chị Tuyết từ Đà Lạt xuống đến nơi để nhận diện thi thể nhưng vẫn không tìm ra bất cứ đặc điểm nào để xác định đây là bà Lê Thị Tuyết. Cơ quan chức năng quyết định giữ thi thể này để làm giám định ADN.

XVTgDfNo.jpgPhóng to
Khóc người thân - Ảnh: T.T.D.

Nỗi đau sét đánh

Khi từ hiện trường vụ tai nạn chạy qua đến nhà tang lễ An Bình, chị Phạm Thị Mị - con gái bà Nguyễn Thanh Minh và em ruột chị Phạm Ngọc Thùy - hai nạn nhân chết tại hiện trường (nhà 384/7A) - gần như không còn sức để khóc.

Anh Nguyễn Thành Việt, chồng chị Mị, nói: “Nghe tin như sét đánh báo về từ lúc 1g30 sáng, vợ tui đã đón xe đi trước. Tui thu xếp việc nhà xong mới chạy lên đây”. Đi gấp quá, vợ chồng chị Mị không kịp đem theo cho mẹ, cho chị gái một bộ đồ liệm. Cái quần thun màu tím chị mua vội ở chợ đem vô, người ta trả ra, nói là chật quá, mặc cho bà Minh không vừa. Hai vợ chồng chị loay hoay lo chạy đi kiếm quần áo, chạy thuê xe, mua quan tài. Mãi đến gần 18g, thi thể của bà Minh và chị Thùy mới được khâm liệm xong và đưa về Bến Tre làm đám tang.

Ông Trịnh Chí Thạnh (50 tuổi), nhân viên bảo vệ Công ty Sơn Tinh (số nhà 384/7A, kế bên nhà xuất phát vụ nổ), nét mặt đầy hoảng sợ sau khi thoát chết khỏi vụ nổ. Ông mở những vết khâu còn tươm máu ở vùng đầu gối trái và một phần ngực bên phải bị nám đen, rồi bàng hoàng kể lại vụ việc. “Tôi chuẩn bị đi ngủ thì một tiếng nổ chát chúa phát ra từ căn nhà 384/9. Tôi đứng không vững vì sức ép quá mạnh của vụ nổ, nhưng vẫn cố chạy thật nhanh ra cửa. Lúc này tôi còn kịp nhìn thấy nóc nhà bị thủng một lỗ lớn, khói lửa bốc lên ngùn ngụt”.

Tại hiện trường, anh Trần Minh Thường (ở 384/7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) ứa nước mắt chờ đợi lực lượng cứu hộ tìm kiếm mẹ già cùng người chị gái và một cháu nhỏ bị vùi lấp trong đống đổ nát. Bố anh Thường bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Riêng vợ chồng anh Thường và hai con kịp leo sang sân thượng nhà bên nên thoát nạn.

gZDb8Zu0.jpgPhóng to
Lo lắng cho người bị nạn - Ảnh: Tự Trung

Một nạn nhân bị thương nặng

Bác sĩ Nguyễn Quang Khiêng (trực lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115), cho biết ông Hồ Sĩ Cường (81 tuổi) nhập khoa cấp cứu của bệnh viện lúc 1g15 ngày 24-2 trong tình trạng hôn mê, không mạch, không huyết áp. Sau khi nhập viện, ông Cường đã được các bác sĩ đặt nội khí quản, bóp bóng, thở máy, cho uống thuốc vận mạch và làm các xét nghiệm cần thiết. Trên thân thể bệnh nhân không có vết thương nào lớn, qua chụp CT hộp sọ bệnh nhân không có vấn đề gì nhưng do sức ép quá lớn của vụ nổ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng của ông Cường rất xấu.

Tại khoa hồi sức ngoại của Bệnh viện Nhân dân 115, nhiều người nhà của ông Cường chỉ biết ngồi chờ đợi tin tức chứ không biết làm gì hơn. Túc trực tại bệnh viện, chị Thanh Thủy (chị gái của con dâu ông Cường) cho biết lúc xảy ra vụ nổ gia đình ông Cường có tất cả bảy người cùng ngủ trong nhà, con dâu và một cháu nội của ông Cường đã thiệt mạng.

“Đêm qua, tôi nhận được điện thoại của em rể báo tin là nhà bị nổ tung, tôi bàng hoàng chạy tới đó và không tin vào mắt mình nữa, sự việc quá khủng khiếp” - chị Thủy cho biết. Một số người bạn của gia đình ông Cường cũng tới bệnh viện, dõi đôi mắt lo lắng về phía phòng hồi sức ngóng tin tức của ông.

Thông tin từ Bệnh viện quận 3 cho biết sức khỏe của hai nạn nhân đang điều trị tại đây hiện đã ổn định. Hai bệnh nhân này chỉ bị sây sát nhẹ, vết thương không nặng nhưng tinh thần thì bị khủng hoảng trầm trọng.

MAI HƯƠNG - ĐỨC THANH - QUANG KHẢI - NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên