Phóng to |
* Theo ông, nguyên nhân nào khiến tin đồn liên tục xuất hiện trên thị trường tài chính trong thời gian gần đây?
- Hiện nay các yếu tố kinh tế vĩ mô chưa ổn định, niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay dẫn đến họ dễ tin vào tin đồn. Một nguyên nhân quan trọng khác là nhà đầu tư thiếu thông tin. Hiện các thông tin để ra quyết định đầu tư thiếu trầm trọng. Kênh thông tin chính thống thì thiếu, yếu vì nhà đầu tư không có cơ hội tiếp cận. Họ chủ yếu lấy thông tin qua kênh truyền miệng, loại thông tin này rất khó kiểm chứng và không chính xác. Chưa kể thị trường tài chính hiện chưa minh bạch, nhiều thông tin bị giấu hoặc nói khác đi. Chính sự không minh bạch của thị trường là môi trường thuận lợi cho tin đồn xuất hiện.
Một yếu tố khác là thị trường VN hầu hết là nhà đầu tư nhỏ lẻ, dễ bị kích động. Đối tượng tung tin đã nhắm vào điểm yếu này để trục lợi.
* Theo ông, việc điều tra người tung tin đồn có khó không?
- Điều tra người tung tin đồn cực kỳ khó vì tin đồn chủ yếu lây lan theo đường truyền miệng. Giả sử có nghi ngờ một số đối tượng nào đó có những giao dịch mua “khủng” tập trung vào thời điểm xảy ra tin đồn thì cũng khó có cơ sở để kết luận họ là đối tượng tung tin nhằm hưởng lợi vì khi thị trường xuống họ thấy thời cơ kinh doanh, thấy có lợi nên đã chớp thời cơ mua vào. Từ trước đến nay chưa có trường hợp nào trên thị trường tài chính bị xử vì tung tin đồn.
Hiện nay mức chế tài cho hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật cao nhất chỉ 70 triệu đồng. Còn mức phạt tối đa 2 tỉ đồng chỉ mới nằm trong dự thảo. Như vậy là quá thấp và không đủ sức răn đe.
* Vậy xử lý tin đồn, theo ông, phải đi từ đâu?
- Điểm lại suốt thời gian qua và trong sự việc mới nhất vừa xảy ra cho thấy cơ quan chức năng luôn ở thế bị động, để tin đồn lan ra rồi mới tìm biện pháp xử lý. Trong việc xử lý tin đồn, việc tìm bắt đối tượng tung tin, theo tôi, không phải là thượng sách mà cơ quan chức năng phải có kế hoạch chủ động ứng phó với nó. Trong đó, cách quan trọng nhất là minh bạch thông tin. Ở tầm quốc gia phải có hệ thống thông tin, giám sát, chất lượng thông tin phải hoàn thiện, đồng thời tăng độ minh bạch. Tiến đến cơ quan chức năng có thể dự báo để cảnh báo cho người dân những loại tin đồn có thể xảy ra trong từng thời điểm để họ chuẩn bị tâm lý ứng phó. Quan trọng nhất là cải tiến hệ thống tài chính, vì một nền tài chính mạnh thì tin đồn không có đất sống.
Trong trường hợp đã lường trước hết mà tin đồn vẫn xảy ra thì phải có sẵn kịch bản để xử lý. Trong đó quan trọng nhất là phải làm nhanh, chạy đua với thời gian, đồng thời phối hợp với người đủ khả năng, thẩm quyền, uy tín để cung cấp thông tin cho người dân trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, không tránh né.
Ông LÊ VĂN CHÂU (chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán VN): Cần chỉ đạo xử lý nghiêm làm gương Những tin đồn như tin bắt ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Ngân hàng BIDV, như vừa qua làm không ít nhà đầu tư bị thiệt hại, đảo lộn suy nghĩ, không yên tâm vào thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn như hiện nay, những tin như vậy gây tác hại khôn lường. Theo tôi, Chính phủ nên chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung vào đối tượng tung tin đồn kiểu này bởi từ trước đến nay, do đặc thù khó bắt nên thi thoảng lại tung tin, thu lợi hoặc gây hại nhằm mưu đồ nào đó. Khó như thao túng chứng khoán chúng ta đã bắt được và tạo được dấu ấn tốt thì nếu tập trung vào vấn đề tin đồn, bắt được một vài vụ thôi sẽ răn đe, hạn chế thiệt hại sau này. Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính): Nên học kinh nghiệm của Thái Lan Trong chuyện xử lý tin đồn, VN nên học tập kinh nghiệm của Thái Lan. Thái Lan từng có nhiều dạng tin đồn gây tác hại. Cách xử lý của họ là ngay khi xuất hiện tin đồn, đối tượng liên quan phải công bố thông tin. Trường hợp ông Trần Bắc Hà vừa qua đã phản ứng khá tốt, có công bố thông tin, tất nhiên còn hơi chậm. Cơ quan an ninh cũng họp báo nhưng phản ứng như thế vẫn tương đối bị động. Để hạn chế tin đồn, cần cơ quan an ninh vào cuộc, tìm ra kẻ tung tin. Như Thái Lan, có lần họ tìm ra thủ phạm trên mạng chỉ sau một tuần. Cơ quan an ninh của ta vừa vào cuộc vụ tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, hi vọng họ sẽ thành công, bắt được kẻ tung tin để răn đe. C.V.KÌNH ghi |
Phóng to |
Nhà đầu tư, người dân cần dựa vào thông tin chính thống để ra quyết định có lợi nhất cho mình. Đại tá Nguyễn Xuân Hiền, phó cục trưởng Cục An ninh tài chính - tiền tệ (A84) Bộ Công an, nhận định.
* Vừa qua có tin đồn ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, bị bắt. Xin ông cho biết cơ quan công an đã có biện pháp gì để hóa giải những tin đồn này?
- Về tin đồn nói chung, ngay sau khi có thông tin, cơ quan công an đã có phản ứng. Trước mắt phải xem xét tin đó có nội dung như thế nào, liên quan đến các cơ quan chức năng nào thì các cơ quan chức năng của Nhà nước sẽ phải phối hợp trước với nhau xác minh các thông tin đó. Trên cơ sở đó xác định mức độ tin như thế nào để cảnh báo cho người dân. Còn nếu xác định tin đồn có ý đồ, mục đích thì phải nhanh chóng bằng mọi biện pháp để điều tra xác minh.
Cụ thể, trong vụ việc tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà và BIDV, Tổng cục An ninh nội địa đã xác minh, khẳng định không có thông tin này và sau đó thông báo đến các cơ quan thông tin đại chúng nhằm ổn định tình hình, tránh gây hoang mang trong quần chúng nhân dân và nhà đầu tư.
* Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư và người dân do không đủ thông tin nên thường tin vào tin đồn và họ thường dễ bị thiệt hại nhất. Có phải nguyên nhân là do sự chậm trễ từ khi có tin đồn đến khi có thông tin chính thống?
- Sự việc tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà đã được xử lý rất nhanh. Cơ quan an ninh đã xác minh thông tin và nhanh chóng thông báo để ổn định tình hình. Sự việc này tôi đánh giá là phản ứng nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ở đây cần cảnh báo với người dân và nhà đầu tư là khi nghe thông tin (dù tin đồn hay không) thì phải căn cứ vào thông tin chính thống để có suy xét đối với nguồn tin. Đây là điều quan trọng nhất vì nhà đầu tư là người đưa ra quyết định mua bán, không thể vì tin đồn mà bán tống bán tháo.
Một số nhà đầu tư VN có tâm lý đám đông nên khi nghe tin đồn là bán mà không có căn cứ quan trọng để phân tích và có quyết định chính xác. Mặt khác, trình độ nhà đầu tư không đồng đều, có nhà đầu tư thật sự chuyên nghiệp thì ứng xử với tin đồn khác. Điều này cũng cho thấy ứng xử với tin đồn, tin chưa chính thống hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, kinh nghiệm chuyên môn, khả năng phân tích, phán đoán của từng người.
MINH QUANG thực hiện
Top 3 tin đồn liên quan đến ngành tài chính Ở Việt Nam 1. Tin đồn tổng giám đốc ACB Phạm Văn Thiệt bỏ trốn lan ra ngày 13-10-2003 khiến khách hàng đổ xô tới rút tiền tại ACB và các ngân hàng (NH) khác. Thống đốc NH Nhà nước đương nhiệm khi đó là ông Lê Đức Thúy đã ngay lập tức vào TP.HCM để xử lý tình hình. Tổng giám đốc ACB Phạm Văn Thiệt và chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng phải xuất hiện tại trụ sở NH để bác bỏ tin đồn. 2. Tin đồn phát hành tờ tiền 1 triệu, đổi tiền: Ngày 2-12-2009, thông tin VN sẽ phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng và đổi tiền gây xôn xao dư luận dù thị trường tiền tệ không có nhiều xáo trộn. NH Nhà nước đã lên tiếng bác bỏ thông tin thất thiệt. 3. Tin đồn điều chỉnh tỉ giá: trước Tết Nguyên đán 2013, một số chuyên gia đề xuất trong bối cảnh lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối dồi dào nên giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, NH Nhà nước không có phản hồi. Sau tết, nhiều NH tăng giá mua USD khiến tin đồn NH Nhà nước sắp tăng tỉ giá bùng lên, giá USD tự do vượt 21.000 đồng. Sự việc này cộng hưởng với tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt khiến giá USD niêm yết trong NH cũng tăng mạnh. NH Nhà nước đã phải phát đi thông điệp bác bỏ tin đồn tăng tỉ giá và cam kết ổn định giá trị tiền đồng. Trên thế giới 1. Cuối năm ngoái, NH tư nhân lớn nhất Myanmar Kanbawza đã phải lao đao trước làn sóng rút tiền ào ạt sau khi có tin lãnh đạo Aung Ko Win của NH này bị bắt giữ vì tội rửa tiền. Ông Aung Ko Win sau đó khẳng định mục đích của tin đồn là phá hoại Kanbawza, ngăn cản nguồn đầu tư nước ngoài và làm thất bại chính sách cải cách của Tổng thống Thein Sein. 2. Tháng 9-2008, chính quyền Hong Kong bắt giữ một người đàn ông 34 tuổi vì đã tung tin đồn trên mạng rằng một NH của đặc khu đang gặp vấn đề về kinh tế và đang chuẩn bị tháo chạy, đồng thời kêu gọi mọi người rút tiền khỏi NH này. Trước đó, dòng người đã bắt đầu đổ xô rút tài sản khỏi NH East Asia khi nghe tin NH này nắm nhiều nợ xấu từ hai tập đoàn tài chính Lehman Brothers và AIG. 3. Giữa năm ngoái, Nigeria cũng phải lên tiếng bác bỏ tin đồn chủ tịch quốc hội nước này ra lệnh bắt giữ thống đốc NH trung ương vì xung đột. Căng thẳng diễn ra từ khi thống đốc Sanusi Lamido Sanusi khẳng định ông chứng kiến hàng loạt tham nhũng của các chính trị gia. ÁNH HỒNG - TRẦN PHƯƠNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận