Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát một tổ hợp tên lửa bờ Bastion của Đoàn 681 hải quân ở Bình Thuận - Ảnh: ttxvn |
Đoàn 681 hải quân là đơn vị được trang bị một số loại vũ khí, khí tài, bao gồm tổ hợp tên lửa bờ Bastion và tổ hợp rađa bờ Monolit-B. Vũ khí trong thành phần tổ hợp Bastion là các tên lửa có cánh Iakhont dùng để tiêu diệt các tàu đơn lẻ hoặc nhóm tàu như nhóm tàu tấn công, nhóm tàu hộ tống, nhóm tàu đổ bộ.
Các tên lửa này có tầm hoạt động 300km, độ cao bay tối đa là 14km, độ cao bay hành trình 10-15m trên mặt nước biển, tốc độ bay tối đa 750 m/giây, trọng lượng khi phóng là 3.000kg, trọng lượng phần chiến đấu là 200kg.
Độ cao bay của tên lửa được tự động điều chỉnh tùy khoảng cách đến mục tiêu nhằm bảo mật và tiết kiệm nhiên liệu tối đa. Với tốc độ bay lớn, độ cao bay hành trình thấp, đến nay không có hệ thống nào có thể chống lại loại tên lửa này.
Nói chuyện thân mật với các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 681 hải quân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Đoàn 681 hải quân tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tiếp nhận, nắm chắc và làm chủ phương tiện quân sự, vũ khí, khí tài hiện đại, góp phần nâng cao sức mạnh tự vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã tới thăm khu di tích Trường Dục Thanh và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Bình Thuận), TP Phan Thiết.
Chiều 18-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác đã có buổi làm việc với cán bộ tỉnh Bình Thuận về các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội trong năm năm qua và kế hoạch năm 2013. Thủ tướng cho biết trung ương đã thu xếp được 6 tỉ USD vốn đầu tư để xây dựng các nhà máy phát điện tại Bình Thuận từ nay tới năm 2030. Cụ thể là nhà máy điện Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) và cụm nhà máy điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) với tổng công suất 9.600MW, dự kiến cho sản lượng điện khoảng 50 tỉ kWh mỗi năm. Với sản lượng điện năng trên, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm phát điện của vùng Đông Nam bộ và cả khu vực phía Nam.
Thủ tướng cho biết trong quý 1-2013 sẽ phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp titan (đất đen) mà Bình Thuận là địa phương có trữ lượng lớn nhất của cả nước. Titan là nguyên liệu quan trọng trong ngành chế tạo máy bay mà Nga là một trong những nước đi đầu chế tạo ra nguyên liệu này. Chính phủ đã có kế hoạch hợp tác với một công ty của Nga để khai thác và chế biến sâu titan, biến ngành này thành một ngành công nghiệp mới ở VN. Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết (Bình Thuận) sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới, bên cạnh đó là mở rộng quốc lộ 1 qua Bình Thuận nhằm phát triển giao thương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý với kế hoạch xây dựng sân bay tại Bình Thuận nhưng theo hướng xã hội hóa, do hiện tại nguồn vốn từ trung ương đang gặp khó khăn.
Liên quan đến dự án cảng Kê Gà, trước đây Chính phủ chấp thuận đầu tư nhằm vận chuyển bôxit và đã thu hồi đất 12 dự án du lịch để làm cảng. Tuy nhiên, đến nay phương án xây cảng không hiệu quả nên Chính phủ đã giao chủ đầu tư và các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận