17/02/2013 10:58 GMT+7

Thấy người sắp chết phải cứu

KHOA NAM - N.TRIỀU
KHOA NAM - N.TRIỀU

TT - “Thấy người gặp nạn thì không cần suy nghĩ. Chỉ biết ngay lập tức phải ứng cứu bằng tất cả phương tiện và sức lực, kể cả có thể nguy hiểm đến tính mạng của bản thân”

Đại úy Nguyễn Văn Minh, cán bộ thông tin Hải đoàn 28 thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, chia sẻ như vậy.

Một thượng úy biên phòng cứu sống 5 ngườiThăng quân hàm cho thượng úy Nguyễn Văn Minh

RcEzYDfd.jpgPhóng to
Đại úy Nguyễn Văn Minh với những người vừa được anh cứu sống - Ảnh: Thái Tuấn - HĐ 28

Mặc dù đã gần ba ngày trôi qua kể từ buổi chiều đi chúc tết về bị lật xuồng trên sông Cán Gáo (đoạn gần bến phà Xẻo Rô, ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang), anh Đoàn Hồng Chương - một trong năm người đi trên chiếc xuồng bị lật - vẫn chưa hết bàng hoàng.

Buổi chúc tết nhớ đời

Đại tá Trần Quang Dũng, chính ủy Hải đoàn 28, cho biết trong 21 năm làm lính biên phòng, đại úy Nguyễn Văn Minh đã 21 lần nhận bằng khen, giấy khen của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Hải đoàn 28, UBND tỉnh và Tỉnh đoàn Kiên Giang đều do thành tích cứu hộ tàu, thuyền và cứu người bị nạn trên sông, trên biển.

Anh Chương kể lại: “Lúc đó gần 4g chiều. Tôi với dì út Linh (Phạm Thị Tường Linh, 35 tuổi) cùng hai cháu là Quách Ngọc Tường (3 tuổi), Quách Lan Tường (9 tuổi) và bạn của dì út Linh (Lâm Tuấn Anh, 27 tuổi) bơi xuồng sang sông để chuẩn bị đưa hai cháu về thăm ông ngoại, ngụ tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ra tới giữa sông, do vỏ lãi chạy nhanh qua gây sóng lớn nên xuồng bắt đầu vô nước.

Trong lúc mọi người trên xuồng hốt hoảng cố tát nước ra thì xuồng tròng trành, một số mảnh ván bên hông bị mục vỡ ra khiến xuồng mất thăng bằng lật úp rồi chìm rất nhanh. Tôi chỉ kịp nhào tới chụp được cháu Ngọc Tường với dì út Linh. Do phải dìu hai người không biết bơi, khúc sông bị chìm xuồng lại rộng và sâu nên tôi dần đuối sức. Rất may lúc đó có một chú bộ đội bơi ra dìu cháu Ngọc Tường vô bờ. Sau đó chú này lại trở ra dìu tiếp dì út Linh rồi tiếp tục bơi ra cùng với bà con hai bên bờ sông giúp dìu cháu Lan Tường và bạn của dì út vô bờ”. Sau khi “chết đi sống lại”, anh Chương mới biết người dũng cảm cứu nạn lúc đó là chú Minh.

Còn chị Phạm Thị Tường Linh thì cho biết do bản thân ít đi lại trên sông nước, lại không biết bơi nên lúc tai nạn xảy ra chị chỉ kịp nghĩ kỳ này chắc là chết rồi. Chị hoảng loạn cực độ tới mức không thể nhớ rõ chi tiết vụ việc, chỉ nhớ đến lúc được dìu vào tới bờ thì đã uống rất nhiều nước sông và ngất đi khá lâu. “Ơn cứu mạng coi như ơn sinh thành, nên cũng không biết nói sao cho hết lòng biết ơn đối với người đã cứu mạng mình” - chị Linh bày tỏ.

Anh Quách Ngọc Ẩn - cha của hai cháu Quách Ngọc Tường và Quách Lan Tường - bày tỏ: “Nếu không có chú Minh (hàng xóm chỉ cách nhà anh Ẩn một căn) thì coi như vợ chồng tui mất hai đứa con rồi. Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình tui có sang cảm tạ chú Minh thì chú khoát tay không nhận, chú còn nói: Việc cứu người gặp nạn là việc mà bất kỳ ai nhìn thấy đều phải làm. Là bộ đội thì việc cứu người càng là bổn phận và nhiệm vụ”.

Tự hào lính “quân hàm xanh”

"Lúc thấy người bị nạn, mình chẳng kịp suy nghĩ gì hết, chỉ biết ngay lập tức phải lao vào ứng cứu bằng tất cả phương tiện và sức lực, kể cả có nguy hiểm đến tính mạng của bản thân cũng vẫn phải hành động. Hôm cứu xong năm người vào bờ, mình lên huyết áp phải đưa vào trạm xá cấp cứu mất mấy giờ đồng hồ, sau đó mới trở lại tiếp tục làm nhiệm vụ được. Cứu được người rồi thì cảm thấy lương tâm vô cùng thanh thản, thoải mái và tự hào góp một phần nhỏ vào truyền thống cứu hộ, cứu nạn mấy chục năm của Hải đoàn 28"

Đại úy Nguyễn Văn Minh

Đại úy Nguyễn Văn Minh tâm sự: “Mình sinh năm 1970, quê ở xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ nhìn thấy các chú bộ đội hành quân qua nhà, mình đã mê tít và quyết tâm trở thành bộ đội từ lúc đó”.

Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trung cấp xây dựng, mặc dù được giữ lại trường làm trợ giáo, nhưng Minh vẫn tình nguyện xin vào bộ đội biên phòng. Cuối năm 1992 được Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phân về Hải đoàn 28. Sau đó được đơn vị đưa đi học lớp báo vụ tại TP.HCM và phục vụ liên tục tại Hải đoàn 28 đến ngày hôm nay.

Khác với các đồn biên phòng, lính Hải đoàn 28 có đặc điểm là đóng quân ở các đảo nhiều hơn trên đất liền. Một trong những yêu cầu hàng đầu là phải thường xuyên làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Hằng tháng đơn vị đều có tổ chức diễn tập kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho các chiến sĩ. “Có lẽ nhờ vậy mà hôm thấy xuồng bị chìm, mình đã ngay lập tức đoán hướng và chạy bọc mấy chục mét để cắt ngang dòng chảy, vừa lột đồ vừa lao xuống nước cứu người. Tất cả diễn ra rất nhanh chỉ trong vòng vài phút, cứ như đã thành phản xạ của người lính rồi vậy” - đại úy Minh nói.

Kể về những lần cứu tàu, cứu người ấn tượng với mình nhất, đại úy Nguyễn Văn Minh cho biết thêm: “Năm 2006, tôi và đồng đội cứu hộ tàu của ngư dân tên Lâm Trường Phong (ngụ phường Rạch Sỏi, Rạch Giá, Kiên Giang) chìm cách Bãi Trước (Vũng Tàu) 20 hải lý. Năm 2008, cứu tàu KG-8106 chìm cách đảo Phú Quốc 12 hải lý, đưa toàn bộ ngư dân trên tàu vào bờ an toàn. Cũng trong năm 2008, cứu một tàu đánh cá bị chìm ở Thổ Chu...”.

Đại tá Trần Quang Dũng - chính ủy Hải đoàn 28 - nhận xét: “Trong thực hiện nhiệm vụ hằng ngày, đại úy Minh là người hết sức tận tụy với công việc chuyên môn, đồng thời còn tích cực tham gia các hoạt động khác của đơn vị, đặc biệt tranh thủ thời gian rảnh tăng gia sản xuất. Đại úy Minh là người hiền lành, rất được đồng đội và người dân địa phương quý mến. Đã nhiều năm nay đại úy Minh đều được bình chọn là đảng viên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đại tá Trần Quang Dũng cho biết xuất phát từ hành động dũng cảm vừa rồi của đại úy Minh, ngày 18-2 Hải đoàn 28 sẽ phát động phong trào thi đua trong toàn đơn vị, coi như đó là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

KHOA NAM - N.TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên