Phóng to |
Bữa cơm sum vầy,đầm ấm của những người con xa quê trong ngày tết - Ảnh: NGUYỄN LOAN |
“Với nhà giàu thì ngày nào chẳng có cơm ngon, cơm no mà ăn, còn với chúng tôi, những người nghèo thì dịp tết được xem là bữa cơm thịnh soạn nhất, ngon nhất trong năm”, đó tâm sự của anh Phan Quang Hoàn quê Hà Tĩnh) cũng là tâm sự chung của rất nhiều gia đình nghèo phải đón tết xa quê.
Anh và vợ đã vào Bình Dương làm công nhân 10 năm nay, con trai anh cũng đã 6 tuổi, nhưng 10 năm nay hai vợ chồng chưa 1 lần ra quê đón tết. Mặc dù buồn hơn khi không được đón tết ở quê cùng gia đình nội ngoại, họ hàng nhưng với anh có một bữa cơm ngày tết vui vầy cùng những người bạn xa quê như thế cũng đã vui lắm rồi.
Bữa cơm ngày tết của gia đình anh trong căn phòng trọ nhỏ cũng mang đậm hương vị tết quê nhà. Trên bàn thờ tổ tiên, 4 tấm bánh chưng còn nghi ngút khói vừa được vớt ra. Đĩa hoa quả vợ anh chọn mua và lư hương nghi ngút mùi hương trầm mà tháng trước anh nhờ người gửi từ quê vào.
Anh cũng cho biết thêm, năm nay ăn tết lớn hơn mọi năm vì ông anh vợ có nuôi được con heo giờ mấy anh em giết thịt chia mỗi người một ít, còn lại thì làm bữa tiết canh mấy anh em nhâm nhi chén rượu mừng năm mới.
Bạn bè anh tất cả đều là những người con xa quê đã nhiều năm nay. Người ít 6-7 năm, người nhiều thì đã 10-15 chưa một lần được về quê đón tết. Mỗi người một nơi, từ khắp Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, mỗi người một giọng nhưng cái tình anh em, tình đồng hương, đồng cảnh ngộ đã kéo họ lại với nhau, sum vầy trong bữa cơm tụ họp để có thêm không khí tết, để xóa bớt nỗi nhớ mong quê nhà.
Khu dãy trọ của công nhân ở đường Tăng Bật Đạt (P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) mấy ngày này cũng rộn ràng hơn hẳn, cuối năm rồi nhưng còn rất nhiều gia đình ở lại đây ăn tết. Tết nghèo của công nhân, nhưng các anh các chị cũng đang tất bật chuẩn bị nếp, thịt gói bánh chưng, mua thịt heo về làm giò, kẹo mứt mỗi thứ cũng có một ít.
Cả khu xóm trọ 11 phòng, 3 phòng sinh viên thì mấy em về quê hết rồi, 8 phòng còn lại, người thì công nhân, người nấu cháo lòng bán, người chạy xe ôm... Nhưng tết là dịp tất cả ngồi chung một bàn trong bữa cơm tất niên. Cả xóm trọ nâng chén rượu chia sẻ những cơ cực cả một năm qua.
Còn chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM) ướt nước mắt khi nhận món quà chúc tết của từ Ban giảm nghèo của thành phố. Một mình chị, nhiều năm nay vẫn phải chạy vạy từng bữa cơm nuôi mấy đứa em, đứa tâm thần, đứa còn đi học.
“Tết nay mấy chị em chỉ có chừng ấy”, chị Ngọc chỉ vào gói quà vừa nhận. Có ít bánh kẹo cúng ông bà, tổ tiên, còn mình thì sao cũng được, chị Ngọc tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận