27/01/2013 08:02 GMT+7

Ngán bệnh viện nội, 2 tỉ USD vào túi bệnh viện nước ngoài

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Mỗi năm tại VN có khoảng 40.000 bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh. Theo chân họ có khoảng 2 tỉ USD chảy vào túi các bệnh viện nước ngoài.

Bệnh nhân “ngồi viện” chứ chưa được “nằm viện”!“Ngồi viện” chứ không phải nằm việnCần cải tiến giường bệnh

j8ADQIRA.jpgPhóng to

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) quy tụ đội ngũ bác sĩ có tiếng trong và ngoài nước, song chất lượng dịch vụ còn nhiều vấn đề phải bàn - Ảnh: Nam Khánh

Vì sao người bệnh có điều kiện kinh tế lại quay lưng với các bệnh viện và bác sĩ giỏi của VN để ra nước ngoài chữa bệnh? Làm sao giữ họ ở lại VN điều trị?... Đây là vấn đề đặt ra tại hội thảo “Thành tựu y học VN thời kỳ đổi mới. Người VN ưu tiên khám chữa bệnh tại VN” do Vụ Các vấn đề xã hội Ban Tuyên giáo trung ương và báo Lao Động VN phối hợp tổ chức tại TP.HCM sáng 26-1.

Chưa an tâm, tin tưởng

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy xu hướng số người dân VN có điều kiện kinh tế tìm ra nước ngoài khám chữa bệnh ngày càng nhiều vì họ chưa có hoặc mất niềm tin với dịch vụ của các cơ sở y tế trong nước. Trong khi nhiều loại bệnh các bác sĩ trong nước điều trị rất tốt, thậm chí nhiều kỹ thuật mới ở VN đã phát triển tương đương khu vực và các nước phát triển như ghép tạng, tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, thụ tinh ống nghiệm và một số kỹ thuật nội soi..., nhưng các bệnh nhân cũng chấp nhận khăn gói đi nước ngoài chữa bệnh.

Mở đầu hội thảo, ông Trương Quang Định - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho rằng bệnh viện công có rất nhiều bác sĩ giỏi, còn bệnh viện tư thì có hệ thống dịch vụ rất tốt nhưng “chúng ta chưa có sự cân bằng giữa hai đơn vị này và giữa các chuyên khoa cũng phát triển chưa đồng bộ. Khi có vấn đề về sức khỏe lại phải chuyển bệnh viện khác. Sự không đồng bộ này đã làm cho bệnh nhân không an tâm khi điều trị”. Trong khi đó, ông Nguyễn Thi Hùng - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - kể có bệnh nhân được hội chẩn, chuẩn bị mọi thứ xong xuôi để mổ, nhưng “sáng hôm sau họ đã đi Singapore mất”.

PGS.TS Võ Văn Thành - chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM - nói mỗi ngày tại VN có hàng trăm bệnh nhân đi Singapore, Thái Lan và các nước khác khám chữa bệnh. Những người đi nước ngoài hầu hết là các “đại gia”, VIP. Các bệnh nhân này muốn được tiếp đãi ân cần, chỗ điều trị lịch sự, kín đáo để xứng đáng với đẳng cấp và đồng tiền họ bỏ ra, chứ không chỉ cần chuyên môn giỏi.

PGS Thành kể có bệnh nhân khi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM gặp ông để điều trị nhưng khi thấy bệnh viện quá tải nặng nề đã phải “tháo chạy”. Họ bỏ đi và còn nói với ông rằng dù chuyên môn của các bác sĩ có giỏi cách mấy nhưng bệnh viện quá tải, xô bồ, bát nháo, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp thì họ phải đi nước ngoài, mà gần nhất là Singapore.

Ông Nguyễn Đình Phú - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho hay bệnh viện đã thực hiện được 21 kỹ thuật cao, phẫu thuật được nhiều bệnh lý khó nhưng chưa thu hút được người có điều kiện kinh tế đến điều trị. Ông Phú khẳng định không chỉ trình độ của các bác sĩ VN rất giỏi mà chi phí điều trị, phẫu thuật cũng rất rẻ.

Ông Phú cũng chứng minh và so sánh giá của 19 loại kỹ thuật chuyên khoa của Bệnh viện Nhân dân 115 rẻ hơn so với bệnh viện ở Singapore. Đơn cử như ghép thận, bệnh viện VN thực hiện chỉ khoảng 186-200 triệu đồng, nhưng ở Singapore từ 765 triệu đến 1,6 tỉ đồng; phẫu thuật đóng lỗ liên thất bằng DSA ở bệnh viện khoảng 45-60 triệu đồng nhưng ở Singapore là 320 triệu đồng... Thế nhưng nhiều bệnh nhân cũng khăn gói đi nước ngoài.

Người nghèo cũng ráng gom tiền đi

Ở lĩnh vực thẩm mỹ, ông Lê Hành, chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, nói VN đang cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan, Hàn Quốc và Singapore. Người dân ra nước ngoài làm đẹp không phải chỉ toàn người giàu mà cả người trung bình, người nghèo cũng ráng gom tiền để đi. “Điều đáng nói là giá phẫu thuật thẩm mỹ ở Thái Lan chỉ bằng hoặc thấp hơn VN nhưng dịch vụ họ lại hơn hẳn. Chúng tôi thật sự khắc khoải vì chúng ta thất thoát số ngoại tệ quá lớn trong khi không phải cứ đi nước ngoài là có lợi. Có những bệnh nhân khi có biến chứng thì không có tiền trở lại nước ngoài điều trị” - ông Lê Hành cho biết.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic - cho rằng vấn đề cốt lõi của việc người bệnh VN đổ ra nước ngoài chữa bệnh là hệ quả chính sách y tế chưa hợp lý của VN. Cụ thể là Nhà nước có nhiều ưu đãi cho các bệnh viện công, còn y tế tư nhân bị xem nhẹ. Theo ông Hải, không thể dùng chính sách để cấm người có tiền đi ra nước ngoài điều trị, cũng không thể giới hạn số ngoại tệ đem đi nước ngoài để giữ chân người bệnh ở lại VN.

Thực tế, khi Thái Lan, Singapore bỏ visa thì “người bệnh VN tràn về Thái Lan, Singapore”. Ông Hải còn kể: “Tôi hỏi một bệnh nhân sao họ đi Singapore thì họ nói ở VN chụp CT động mạch vành chỉ có 64 lớp cắt, còn ở Singapore máy của họ tới 640 lớp cắt”. Nghe vậy ông đã quyết đầu tư máy CT 640 lớp cắt để hi vọng những bệnh nhân khác sẽ không bỏ đi nước ngoài và nộp đơn xin giảm 50% thuế nhập khẩu nhưng ba tháng không ai trả lời. “Không có chính sách giúp đỡ để chúng ta có sức mạnh giữ bệnh nhân ở lại thì chúng ta phải thua thôi”, ông Hải chua xót nói.

Đại diện Bệnh viện FV cho rằng sở dĩ nhiều bệnh nhân quay lưng với bệnh viện trong nước vì “chính chúng ta đang làm mất niềm tin với bệnh nhân về sự an toàn cho họ”. Ngoài ra, nhiều bệnh viện còn chưa quan tâm đến kỹ năng mềm, chưa quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ đi kèm như phiên dịch, vận chuyển bệnh nhân, nơi ăn chốn ở. Các bệnh viện còn hoạt động độc lập, chưa gắn kết với các công ty vận chuyển, tổ chức dịch vụ khác.

Giải pháp “cốt lõi”

Giải pháp được ông Nguyễn Thi Hùng đề xuất là ngành y tế phải có thống kê cho biết bệnh viện nào làm được gì. Trong 40.000 bệnh nhân đi nước ngoài khám chữa bệnh mỗi năm thì tỉ lệ bệnh nhân bị bệnh gì đi nhiều nhất cần phải có thống kê, thông tin rõ ràng. Khi có thống kê rồi mới có giải pháp “giữ bệnh nhân không chạy đi nữa”. Về phía các bệnh viện cũng phải đăng ký cam kết những dịch vụ đã làm được để tạo niềm tin cho người bệnh.

Ông Phan Thanh Hải khẳng định chỉ khi chính sách y tế có thay đổi thì mới có tham vọng ngăn được xu hướng ra nước ngoài điều trị của bệnh nhân. “Hệ thống y tế tư nhân VN không có khả năng làm được điều này (giữ bệnh nhân ở lại) vì manh mún nhỏ xíu, không vốn, không nhân lực, làm sao mà làm. Bệnh viện công quá tải như vậy thì làm sao bệnh nhân có tiền đến đó được. Cốt lõi để giải quyết là chủ trương, chính sách từ Chính phủ...” - ông Hải khẳng định. Còn ông Nguyễn Đình Phú đề nghị cần có cơ chế và chính sách thoáng, tạo niềm tin và mở rộng các mô hình dịch vụ cao tại các bệnh viện công lập để thu hút khách nước ngoài và các đối tượng có nhu cầu phục vụ cao.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói rằng người VN đi nước ngoài khám chữa bệnh vì họ muốn khả năng những tai biến, rủi ro xảy ra với họ thấp nhất. “Phải nhìn nhận là bác sĩ VN tay nghề rất tốt, nhưng điều kiện bệnh viện hiện nay vẫn có những rủi ro nhiễm trùng bệnh viện. Tỉ lệ nhiễm trùng bệnh viện còn cao...” - ông Bỉnh nói. Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết sắp tới Bộ Y tế sẽ có chủ trương, quyết sách để tận dụng được khả năng, thế mạnh của từng cơ sở y tế. Cố gắng tạo được niềm tin với người bệnh, xây dựng được hình ảnh ngành y tế VN đúng với bản chất của nó.

Ra nước ngoài chưa chắc gặp được bác sĩ giỏi

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: “Ra nước ngoài tìm được bác sĩ giỏi như VN cũng không phải là dễ đâu. Cũng không thiếu những bệnh ở VN điều trị tốt nhưng ra nước ngoài lại bị tai biến, phải trở về VN chữa lại”. Ông Tiến kể một bệnh nhân bị nhau tiền đạo điều trị tại Bệnh viện Phụ sản trung ương đã đi Singapore để mổ nhưng bị biến chứng rò niệu quản.

Trong khi bệnh này bác sĩ VN mổ hằng ngày. Khi bệnh nhân quay lại Singapore chữa bệnh thì bác sĩ nói sẵn sàng tiếp nhận, nhưng giá lần này đắt hơn vì kỹ thuật mổ khó hơn lần trước. Bệnh nhân này đành phải trở về VN điều trị.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên