BẤM VÀO ĐÂY XEM Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
"Hiến pháp dù sửa thế nào, muốn có giá trị lâu dài, quan trọng nhất là làm sao không giảm mà phải tiếp tục tôn vinh quyền công dân, quyền sở hữu của người dân" |
Thực chất, nếu so sánh Hiến pháp hiện hành của chúng ta với hiến pháp các nước, tôi thấy không khác bao nhiêu. Chúng ta quy định rất rõ trong Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”, hay “Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình”... Những tuyên bố như vậy không khác các nước, nhưng khác nhau ở chỗ thực hiện trên thực tế. Nhiều quy định của Hiến pháp 1992 vẫn chưa được thực thi trên thực tế, nên phải làm cho Hiến pháp có hiệu lực trên thực tế. Đó phải là một trong những triết lý của việc sửa đổi. Nếu không, mọi cố gắng sửa đổi của chúng ta ngày hôm nay chỉ là một việc không đáng làm của ngày hôm sau.
Để mọi cấp phải thượng tôn Hiến pháp, các văn bản dưới Hiến pháp không được phép hạn chế, thu hẹp quyền của người dân. Theo đó thì cách quy định kiểu “công dân có quyền tự do kinh doanh, tự do đi lại, tự do cư trú... theo quy định của pháp luật” phải cần loại bỏ. Dự thảo Hiến pháp đã có những cố gắng nhất định trong quy định những hạn chế quyền công dân và quyền con người chỉ theo quy định của luật, tức là văn bản do cơ quan lập pháp đại diện của dân toàn quốc làm ra, mà không phải bằng quy định của “pháp luật” của các cơ quan nhà nước khác như trước đây. Nhưng tư tưởng này không được thể hiện một cách nhất quán. Nhà nước cần có những quy định dưới dạng luật để các quyền của dân trong Hiến pháp có hành lang thực hiện. Bên cạnh đó là các biện pháp nghiêm cấm, trừng trị sự hạn chế cũng như sự vi phạm các quyền tự do của người dân, của bất kể từ chủ thể nào.
Hiến pháp dù sửa thế nào, muốn có giá trị lâu dài, quan trọng nhất là làm sao không giảm mà phải tiếp tục tôn vinh quyền công dân, quyền sở hữu của người dân. Xét cho cùng, việc lập nhà nước là để bảo vệ quyền tự do chính đáng của con người. Các quyền của công dân cần được ghi rõ, càng cụ thể càng tốt để tránh được mọi tranh cãi mang tính chất chính trị sau này. Đó là những quyền tự nhiên của con người, của công dân, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ mà không phải bằng bất cứ một cuộc bỏ phiếu nào, với mọi lý do vẫn hay được viện ra như vì an ninh, quốc phòng, điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội, điều kiện văn hóa...
VN rất cần một hiến pháp ổn định và nó chỉ có thể ổn định khi được hoàn hảo và đầy đủ. Lần sửa Hiến pháp này là cơ hội để VN đẩy mạnh cải cách. Một hiến pháp tốt sẽ không chỉ là một văn bản luật có hiệu lực tối cao mà mọi chủ thể phải thực hiện, trước hết là các cơ quan nhà nước - càng cao bao nhiêu càng phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh hiến pháp bấy nhiêu - mà nó còn là động lực để cả xã hội cùng đi theo một hướng. Muốn thế, nó phải ngăn chặn được mọi thứ quyền lực có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung.
CẦM VĂN KÌNH ghi
Tạo cơ chế để HĐND có thực quyền Hiến pháp mới cần quy định cụ thể để HĐND có thực quyền, bởi trong các cuộc hội nghị về sửa hiến pháp gần đây, nhiều đại biểu HĐND địa phương “kêu” họ không có thực quyền. HĐND cần có ngân sách của mình, có thẩm quyền được quy định cụ thể. HĐND tỉnh một năm họp có hai lần, mỗi lần 1-2 ngày thì rất khó thực chất. Nếu cho HĐND có ngân sách riêng, có bộ máy riêng, phân cấp tuyệt đối và giao trách nhiệm để không biến thành nấc trung gian thì tôi tin tình hình sẽ khác. Khoa học pháp lý cho thấy cách tốt nhất vẫn là giám sát cùng cấp, và tăng cường công tác xét xử của tòa án. Cấp xã, huyện cũng nên được tự chủ làm theo pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tránh việc cứ phải báo cáo, xin ý kiến khắp nơi, vừa chậm trễ trong giải quyết công việc, vừa rắc rối, bế tắc khi có các hướng dẫn khác nhau. Họ sai thì phải có cơ chế đưa ra tòa án để phân xử. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận