20/01/2013 08:45 GMT+7

Lần đầu trưng bày bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa

KIM EM
KIM EM

TT - Hôm nay 20-1, tư liệu mới phát hiện về Hoàng Sa được trưng bày và khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng (24 Trần Phú, TP Đà Nẵng) do UBND huyện Hoàng Sa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện.

a1eUU1Ju.jpgPhóng to

Chiều 19-1, nhiều bạn trẻ thuộc khối cơ quan Sở Nội vụ Đà Nẵng tranh thủ vào xem những tư liệu quý trước khi cuộc triển lãm chính thức khai mạc sáng nay - Ảnh: Đăng Nam

xCnD9Kwp.jpgPhóng to

Ông Đặng Công Ngữ (thứ hai từ trái sang), chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, cùng ban tổ chức kiểm tra lần cuối trước giờ khai mạc triển lãm

EPmVbTVM.jpgPhóng to

Nhóm bạn trẻ thuộc khối cơ quan Sở Nội vụ Đà Nẵng xem mô hình thuyền buồm của hùng binh Hoàng Sa năm xưa tại triển lãm - Ảnh: đăng nam

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di...”. Đó là đoạn trích trong sắc dụ của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) gửi Lê Cảnh Huy, quan trấn thủ biên giới năm 1473. Đây cũng là nội dung xuyên suốt của bộ tư liệu.

Giá trị pháp lý từ lịch sử

"Thông qua báo Tuổi Trẻ, tôi xin tri ân sâu sắc anh Trần Thắng và đồng bào, kiều bào ta đã đóng góp công sức, tiền của để sưu tầm, tập hợp các tư liệu về Hoàng Sa gửi về góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiều hơn nữa của đồng bào ta ở trong và ngoài nước đối với việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa"

Ông Đặng Công Ngữ(chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng)

Lần đầu tiên những tư liệu quý minh chứng chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được ra mắt công chúng Đà Nẵng và cả nước. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng - cho biết đã chọn lọc trong đề tài nghiên cứu “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng” của viện thực hiện trong hai năm 2010-2011, và quyết định đưa ra triển lãm 95 bản đồ đã sưu tầm được nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đồng thời tuyển chọn những phần liên quan và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này trong 102 cuốn sách xuất bản tại các nước phương Tây ở các thế kỷ 18-19. Những cuốn sách này được ấn hành bằng các ngôn ngữ Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Hà Lan.

Theo tiến sĩ Anh Sơn, triển lãm trưng bày những bản đồ cổ do Việt Nam và các nước khác, trong đó có cả Trung Quốc, thực hiện trong lịch sử đã thể hiện hai điều: Thứ nhất, người Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Thứ hai, cương vực quốc gia của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không dính dáng gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cả. Những tấm bản đồ này là bằng chứng lịch sử khẳng định lịch sử quản lý lãnh thổ của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhà nước Việt Nam có lịch sử thụ đắc lãnh thổ hòa bình và liên tục quản lý qua nhiều chế độ, ít nhất là từ thế kỷ 17 đến nay.

Bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ do Đỗ Bá Công Đạo, một người quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, thể hiện địa danh Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) vào năm 1686 chính là một trong những dẫn chứng thể hiện điều này. Các triều đại kế tục, đặc biệt là các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn, đã tổ chức đo đạc, vẽ bản đồ để quản lý lãnh thổ quốc gia. Và các bản đồ này đều có thể hiện hình vẽ hoặc ghi chú địa danh Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa. Điều này thể hiện tính liên tục trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Tư liệu quý hiếm

Điểm nhấn của cuộc trưng bày lần này là 30 trong số 150 bản đồ và ba cuốn atlas do anh Trần Thắng, chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, tìm kiếm, sưu tập và gửi tặng Đà Nẵng. Đây là những bản đồ được xuất bản ở Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian 1626-1980, trong đó có nhóm bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, nhóm bản đồ thương mại, bản đồ hàng hải châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhận định: Sưu tập bản đồ do anh Trần Thắng gửi tặng là bộ sưu tập tư liệu bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đầy đủ và phong phú nhất từ trước đến nay.

Ba tập atlas là do chính Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933, rất có giá trị trong việc phản biện những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó.

Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Vì thế mà cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này chứng tỏ cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản vào các năm 1919 và 1933 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi pháp của Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết thêm cho đến các bản đồ hiện đại do Trung Quốc xuất bản gần đây như bản đồ nhiên liệu và năng lượng Trung Quốc xuất bản năm 1975 (Hoa Kỳ tái bản năm 1980) cũng không có vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thao thức với chủ quyền đất nước

Trong bức thư gửi kèm với việc hiến tặng các tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, anh Trần Thắng viết: “Là người Việt sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, tôi mong muốn đóng góp vào việc phát triển xã hội cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Ðược cơ duyên tự sưu tập bản đồ, tôi đã giữ cơ hội này và cố gắng sưu tập các loại bản đồ khác nhau của Trung Quốc và Hoàng Sa. Ðến nay tôi đã sưu tập được 150 bản đồ do các nhà xuất bản phương Tây phát hành trong gần 400 năm từ 1626-2008, bao gồm 80 bản đồ Trung Quốc chỉ rõ cực nam là Hải Nam, 50 bản đồ có Hoàng Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, 10 bản đồ hàng hải qua khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, 10 bản đồ châu Á. Ðặc biệt là những sách bản đồ atlas quý hiếm do nhà nước Trung Hoa dân quốc phát hành, và sách bản đồ atlas do phái bộ truyền giáo tại London phát hành”.

Giáo sư Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) đã phát biểu: “Sưu tập bản đồ của Trần Thắng đã cung cấp những hiểu biết mới về lịch sử hình thành những tuyên bố về chủ quyền hiện nay. Những bản đồ này đã chứng tỏ mâu thuẫn của Trung Quốc trong việc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ”.

Ông Đặng Công Ngữ - chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa - khẳng định: “Những đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho việc tìm kiếm, sưu tầm các tư liệu thể hiện về chủ quyền biển đảo của đất nước thể hiện tấm lòng đối với Tổ quốc. Chúng tôi sẽ bảo quản và quảng bá cho nhân dân trong nước biết và lấy đó làm cơ sở để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa”.

KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên