Phóng to |
Công trường xây dựng dự án nhà máy xử lý nix thải trở thành bãi chăn bò. Phía sau là “núi” nix khổng lồ - Ảnh: V.KỲ |
“Thu hồi dự án thì dễ, nhưng phương án nào để xử lý núi nix thải gần 1 triệu tấn thì vẫn đang... đau đầu” - ông Mai Văn Thắng, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa, nói vậy sau khi ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong vừa ra quyết định thu hồi dự án xử lý nix thải có vốn đầu tư 1.492 tỉ đồng của Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội.
Tiếp tục... đau đầu
Vấn đề khó khăn nhất, theo ông Thắng, là việc xử lý đống hạt nix khổng lồ đã tồn tại cả chục năm nay. Từ tháng 12-2008, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận phải đảm bảo đến cuối năm 2010 giải quyết hết số nix thải đang tồn đọng tại kho chứa. Nhưng đến nay, khi dự án Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội đã chính thức bị thu hồi thì điều ấy không biết đến bao giờ mới thực hiện được.
Hiện chỉ duy nhất một doanh nghiệp xin đầu tư dự án có sử dụng hạt nix thải để làm phụ gia sản xuất vật liệu không nung cường độ cao, đó là Công ty cổ phần Thạch Anh Vân Phong (TP Nha Trang). Dự án này được ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 6-2012. “Việc triển khai dự án còn dài, khi nào chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục được phép thì khi đó họ mới đàm phán với HVS để sử dụng hạt nix của nhà máy. Nhưng HVS chỉ đàm phán với nhà đầu tư mới khi họ thanh lý xong dự án cũ của Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội” - ông Thắng nói.
Một khó khăn khác là các cơ quan quản lý ở tỉnh Khánh Hòa không thể liên lạc được với đại diện của Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội. “Không liên lạc được với họ khiến việc triển khai thủ tục thu hồi đất, thu hồi dự án bị ảnh hưởng” - ông Lê Mộng Điệp, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Theo ông Trần Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thạch Anh Vân Phong, hiện công ty ông đã trình báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án để Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa thẩm định. Nếu mọi thủ tục hoàn tất thì trong quý 1-2013 sẽ tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung có sử dụng hạt nix trong lõi tại thị xã Ninh Hòa. “Mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất khoảng 16 triệu viên gạch, sử dụng tối đa 75.000 tấn nix thải” - ông Tuấn cho hay. Nghĩa là, nếu không có thêm các nhà đầu tư khác thì để sử dụng hết đống nix trên, Công ty cổ phần Thạch Anh Vân Phong phải sản xuất liên tục trong hơn 12 năm. Chưa kể trong khoảng thời gian quá dài này, việc vận chuyển nix thải đến nhà máy sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Trách nhiệm thuộc về HVS
Ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - khẳng định việc xử lý “núi” nix thải ở Ninh Thủy thuộc trách nhiệm của HVS. “UBND tỉnh Khánh Hòa đã liên tục thúc nhắc, yêu cầu công ty này đàm phán với nhiều nhà đầu tư khác nhau để sớm xử lý nhanh núi nix thải. Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc đầu tư dự án xử lý nix” - ông Vinh nói.
Chiều 18-1, lãnh đạo HVS từ chối trao đổi với Tuổi Trẻ về trách nhiệm xử lý nix thải, chỉ cử ông Trần Văn Vĩnh - phó phòng hỗ trợ quản lý của công ty - trả lời. Ông Vĩnh chỉ nói gọn: “Thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa để tìm nhà đầu tư, giải quyết núi nix thải theo hướng sử dụng nix thải làm bêtông, làm đường... Trước mắt, chúng tôi xây gạch bao quanh, lót nilông và che phía trên đống nix... để hạt nix không phát tán ra môi trường”.
Chiều cùng ngày, có mặt tại khu đất xây dựng dự án nhà máy xử lý nix thải, chúng tôi thấy khung cảnh nơi này vắng lặng, vẫn bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, trở thành bãi chăn bò. Như bao lần trước, người duy nhất chúng tôi gặp ở “công trường” là ông Đặng Bá Tùng, bảo vệ của Công ty cổ phần 3-2 (nhà thầu thi công công trình). Tài sản mà ông Tùng phải bảo vệ chỉ là một máy trộn bêtông đã gỉ sét và một nhà kho đã bay hết mái tôn. Phía xa vẫn là “núi” hạt nix thải khổng lồ.
--------------------------------------------------
- Nhà máy xử lý hạt nix phế thải Ninh Thủy do Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội đầu tư có công suất 330.000 tấn/năm, được khởi công ngày 8-12-2009, trên diện tích 21ha ở phía nam Khu kinh tế Vân Phong, với tổng vốn đầu tư 1.492 tỉ đồng, được xem là dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp có quy mô lớn nhất VN. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được xây dựng trong 15 tháng, dự kiến đi vào hoạt động tháng 3-2011.
- Tháng 4-2011, quá thời hạn nhà máy đi vào hoạt động, dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống. Chủ đầu tư gặp khó khăn tìm vốn vay, dù đã được Ngân hàng Phát triển VN đồng ý cho vay về chủ trương nhưng phải có sự thẩm định về công nghệ nhà máy của hội đồng thẩm định Bộ Khoa học - công nghệ.
- Ngày 20-6-2011, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang yêu cầu trong quý 3-2011, Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội phải trình hồ sơ thẩm định công nghệ xử lý nix thải đã được Bộ Khoa học - công nghệ phê duyệt theo yêu cầu của ngân hàng. Quá thời hạn trên, sẽ yêu cầu cơ quan chức năng thu hồi dự án.
- Tháng 11-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục gia hạn, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành thẩm định công nghệ để hoàn thành thủ tục vay vốn vào cuối năm 2011.
- Tháng 1-2012, Viện Khoa học công nghệ VN khẳng định vẫn chưa nhận được hồ sơ thẩm định của Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội.
- Tháng 6-2012, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, UBND tỉnh chỉ đạo ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong xem xét thu hồi dự án.
- Ngày 26-12-2012, ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong ra quyết định thu hồi dự án.
----------------------------------------------------------------
Chuyện dài “núi” nix thải
TT - Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vừa ký quyết định thu hồi dự án xử lý nix thải (Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội làm chủ đầu tư) sau nhiều năm án binh bất động kể từ khi khởi công vào tháng 12-2009. Nhưng câu chuyện về “núi” nix thải - loại chất thải của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) - xấp xỉ 1 triệu tấn hiện nằm trơ trơ thách thức cộng đồng vẫn chưa kết thúc.
Trong nhiều năm trước đây, HVS sử dụng hạt nix (xỉ đồng) nhập khẩu để sửa chữa tàu biển và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong khu vực nhà máy. Mọi hậu quả về môi trường ngày nay là do sự nuông chiều quá đáng đối với HVS. Năm 2009, trong khi HVS chưa trả được “món nợ môi trường” - hàng trăm nghìn tấn nix thải chưa được xử lý - thì UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đồng ý cho nhập 20.000 tấn nix. Biết bao lời cam kết, hứa hẹn... xử lý triệt để nix thải, trả lại sự trong lành cho môi trường, một trách nhiệm không thể chối bỏ với môi trường, với cộng đồng, nay vẫn chỉ là con số không. Nhìn về tương lai thì vẫn mịt mờ, không biết bao giờ HVS và chính quyền tỉnh Khánh Hòa mới trả được khoản “nợ môi trường” núi nix thải kia.
Ai xả rác thì người đó phải dọn rác, lẽ thường đúng là như thế. Nhưng nếu trách nhà đầu tư xả rác một phần, thì đáng trách những nhà chức trách có đủ quyền năng trong tay đến mười phần. Các cơ quan này đã để doanh nghiệp xả thải mà không quyết liệt ngăn dòng rác ấy. Sòng phẳng ra, cũng có những cuộc kiểm tra, thanh tra, hết văn bản kết luận này đến thông báo kia... Cũng có lúc UBND tỉnh Khánh Hòa ra điều kiện bằng văn bản: HVS chỉ được nhập nix mới với khối lượng tương ứng lượng nix thải được xử lý an toàn. Rồi Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc xem xét cho HVS nhập khẩu hạt nix đến khi có biện pháp xử lý xong nix thải... Thế nhưng, núi hạt nix vẫn cứ tiếp tục được chất cao hơn. Và hậu quả ngày nay là người dân trở thành con tin của đống rác thải nix mà chưa biết đến bao giờ mới được giải cứu. Những người làm công tác quản lý có lương tâm sẽ phải cắn rứt khi núi hạt nix ấy vẫn còn nguyên đe dọa sức khỏe và sự an lành của môi trường sống.
Cho đến nay, cộng đồng dân cư nơi đó vẫn chưa biết rồi họ sẽ thoát khỏi “của nợ” ấy bằng cách nào và bản thân chính quyền, cơ quan quản lý ngành cũng chưa tìm được lối ra. Dự án xử lý hạt nix bị thu hồi, người dân trong khu vực vẫn chưa thoát khỏi cảnh làm con tin của ô nhiễm môi trường. Họ vẫn phải tiếp tục chờ đợi những giải pháp hữu hiệu trả lại cuộc sống trong lành, an toàn.
GIÁNG HƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận