15/01/2013 21:00 GMT+7

"Có thể bớt bao nhiêu chữ ký?"

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TTO - “Có thể bớt được bao nhiêu chữ ký trong toàn bộ quy trình khám chữa bệnh để bớt sự chờ đợi mệt mỏi cho bệnh nhân?” - Đó là câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bà Bộ trưởng đặt câu hỏi này sau khi xem xét quy trình khám chữa bệnh của Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, trong buổi làm việc với bệnh viện này hôm 15-1.

Bệnh nhân “ngồi viện” chứ chưa được “nằm viện”!

qRnyEiSU.jpgPhóng to

Bộ trưởng Kim Tiến (áo xanh) thăm bệnh Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương

Bỏ những khâu không cần thiết

Để tìm hiểu quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trưng Vương, bà Kim Tiến thử đi theo lộ trình của một bệnh nhân khi đến khám bệnh tại đây, từ khâu đầu tiên đăng ký khám bệnh đến khâu cuối cùng nhận thuốc.

Báo cáo với bộ trưởng về cải tiến quy trình khám chữa bệnh, bác sĩ Lê Thanh Chiến, giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, cho biết hiện nay khoa khám bệnh của bệnh viện có 28 phòng khám, 63 nhân viên (12 bác sĩ, 47 điều dưỡng, 4 hộ lý) và 25 bác sĩ chuyên khoa.

Mỗi ngày khoa tiếp nhận 1.200-2.500 bệnh nhân.

Trước đây, một quy trình khám bệnh chung ở Bệnh viện Trưng Vương gồm 12 khâu với thời gian chờ đợi khá lâu. Bệnh viện đã đề xuất bỏ hai khâu mang tính hành chính không cần thiết là thu tạm ứng viện phí và duyệt toa thuốc bảo hiểm.

Như vậy đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế chỉ khám đơn thuần thì tổng thời gian khám sẽ giảm từ 3,5 giờ như trước đây còn 2,16 giờ.

Bệnh nhân khám, xét nghiệm sẽ giảm từ 4,3 giờ còn 3,2 giờ. Bệnh nhân khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sẽ giảm từ 4,6 giờ còn 3,6 giờ. Mục tiêu sắp tới của bệnh viện là cố gắng để bệnh nhân khám bệnh đơn thuần không mất quá hai giờ, bệnh nhân khám cộng các cận lâm sàng không mất quá 4 giờ.

Bên cạnh việc bỏ hai khâu không quan trọng, bệnh viện còn có những cải tiến ở các khâu như: nhận đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080, qua website của bệnh viện; gộp chung khâu nộp thẻ và lấy số thứ tự làm một khâu; bác sĩ bắt buộc phải có mặt đúng giờ, bố trí điều dưỡng trước khu vực khám để lấy dấu hiệu sinh tồn, kê toa trên máy vi tính, ký phiếu xét nghiệm trước cho lần tái khám sắp tới; rút ngắn phần hành chính, thực hiện mã vạch; tách riêng siêu âm nội trú, ngoại trú, liên kết thông tin từ khoa khám bệnh đến khoa chẩn đoán hình ảnh; áp dụng thanh toán qua thẻ ATM, xây dựng bệnh án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa các phòng các khoa….

Bệnh nhân là khách hàng!

Theo bộ trưởng, bệnh viện phải xem bệnh nhân là khách hàng của mình để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tránh để bệnh nhân chờ đợi quá lâu. Muốn thế phải bỏ những khâu không quan trọng trong quy trình khám chữa bệnh.

Khi nghe các giải pháp của Bệnh viện Trưng Vương đã tiến hành, bà Kim Tiến góp ý: “Nếu phải chờ lâu ở khâu xét nghiệm thì không rút ngắn được. Phải kê thêm các bàn lấy máu để rút ngắn thời gian chờ đợi xét nghiệm, phải mở thêm các cửa để thu viện phí được nhanh chóng…”. Bộ trưởng cũng cho rằng sơ đồ hướng dẫn quy trình khám bệnh của bệnh viện còn rối rắm, khó hiểu, cần phải rõ ràng hơn.

Theo bộ trưởng, sắp tới việc đánh giá xếp hạng sẽ không theo tuyến nữa mà sẽ được xếp hạng theo chất lượng quốc tế và khu vực. Trong đó lấy sự hài lòng của bệnh nhân làm trung tâm. Việc cải tiến quy trình khám bệnh để bệnh nhân không phải mệt mỏi vì chờ đợi là rất quan trọng để nâng cao xếp hạng của bệnh viện.

“Phải nghiêm túc xem bệnh nhân là khách hàng của bệnh viện. Bớt được chữ ký nào không cần thiết sẽ bớt được sự mệt mỏi cho bệnh nhân” - bà Kim Tiến nhấn mạnh.

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên