11/01/2013 00:12 GMT+7

Nghị định về lễ tang: không "cấm", chỉ khuyến khích

HÀ HƯƠNG ghi
HÀ HƯƠNG ghi

TT - Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức vừa công bố đã vấp phải những băn khoăn và phản ứng trái chiều của dư luận.

Đừng lo kính quan tài vỡ rơi

Ông Hồ Trí Hùng - phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ VH-TT&DL, thành viên ban soạn thảo nghị định - thông tin thêm:Nghị định 105 được xây dựng trên hai cơ sở: thứ nhất là kết luận 19 năm 2011 của Bộ Chính trị; thứ hai là nghị định 62 quy định lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức khi từ trần ra đời năm 2001 để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong đó, kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ: Việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức phải văn minh, trang trọng, tiết kiệm, kế thừa nét đẹp truyền thống của dân tộc; từng bước hạn chế những tập tục lãng phí, phô trương, mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, khi tổ chức tang lễ không được để thi hài quá 48 giờ, quan tài không lắp kính, không rắc vàng mã trên đường đến nơi an táng... Nghị định 105 là sự cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề tổ chức lễ tang cho cán bộ, công nhân viên chức.

1. Phong tục tập quán VN từ xưa đến nay khi người từ trần được khâm liệm thì quan tài không lắp kính. Đó là phong tục hàng trăm năm đã trở thành truyền thống của người Việt. Ở nhiều nước trên thế giới, nắp quan tài cũng không lắp kính. Hình thức này chủ yếu phổ biến ở các thành phố lớn, thị xã, thị trấn chứ ở nông thôn hiện nay cũng hoàn toàn không có. Trong những trường hợp khuôn mặt người chết bị biến dạng sẽ khiến người thân đau thương hơn, gây phản cảm cho người đến viếng. Chưa kể đến kỹ thuật hiện nay vẫn chưa đảm bảo, có thể rơi vỡ hoặc không đảm bảo độ kín nên sẽ gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường nơi diễn ra tang lễ.

2. Cần phân biệt rõ tiền vàng và đồ mã để tránh các hiểu lầm không cần thiết. Mục tiêu của việc rải vàng là để người chết nhớ đường về nhà và cho họ tiền đi đường khi xuống âm phủ. Tuy nhiên, hình thức này đang ngày càng biến tướng thành việc rải tiền thật do Ngân hàng nhà nước phát hành. Như thế là vi phạm pháp luật. Còn việc đốt đồ mã là nhà lầu, xe hơi, tivi, điện thoại... tại nơi an táng thì phong tục VN xưa nay chưa có. Người ta chỉ đốt vào các dịp giỗ chạp, tiết thanh minh, lễ tết.

3. Nghị định 62 quy định rõ số vòng hoa đối với quốc tang, lễ tang cấp nhà nước, lễ tang cấp cao, nhưng lại không quy định đối với lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Thực tế đám tang hiện nay có quá nhiều vòng hoa, xe tang chở không hết còn phải thuê xe chở riêng vòng hoa đến nơi an táng. Như thế là lãng phí từ đầu tới cuối: từ người đi mua vòng hoa, phí chuyên chở, phí tiêu hủy. Không phải là đám tang không có vòng hoa, mà vòng hoa phải hạn chế để tiết kiệm, tránh lãng phí. Chúng ta cũng không thiếu cách quan tâm đến nhau, đâu cứ nhất thiết ai đến cũng phải mang theo một vòng hoa rất to như thế.

4. Trong tất cả các nội dung này, nghị định không dùng từ “cấm” mà chỉ dùng từ “không”. Có nghĩa là chỉ tuyên truyền, vận động, định hướng để giảm tình trạng lãng phí không cần thiết. Hơn nữa, nghị định điều chỉnh trong phạm vi hẹp, chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức chứ không phải tất cả người dân. Thực tế đây là lĩnh vực nhạy cảm, vừa là tâm linh, vừa là pháp luật nên chỉ có thể định hướng, tuyên truyền, vận động để dần đi vào cuộc sống. Nếu sau này những quy định này mang lại hiệu quả tốt mới xem xét nhân rộng ra.

HÀ HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên