21/12/2012 08:13 GMT+7

Vụ trẻ tử vong sau tiêm chủng:Tai biến nghiêm trọng

LAN ANH
LAN ANH

TT - Ngày 20-12, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Phan Trọng Lân đã ký thông báo về ba trường hợp tử vong sau tiêm chủng tại Nghệ An. Đáng chú ý, cả ba trường hợp này đều chưa có tiền sử đặc biệt gì về sức khỏe cũng như tiêm chủng.

* Mời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giám định độ an toàn của văcxin

aUCdb5NG.jpgPhóng to
Văcxin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất Ảnh: Berna Biotech

Theo thông báo này, ba trẻ em thiệt mạng gồm hai bé trai, một bé gái, đều sống tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An và đều được tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem mũi 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và uống văcxin ngừa bại liệt mũi 1 OPV vào ngày 7 và 10-12. Hai trong ba trẻ sau tiêm, uống văcxin có hiện tượng sốt, khóc nhiều, đùi trái (điểm tiêm ngừa) có sưng đau. Trẻ còn lại không có biểu hiện gì bất thường, vẫn chơi và bú tốt. Tuy nhiên cả ba bé đều tử vong trong khoảng 34-66 giờ sau tiêm.

Dừng sử dụng lô văcxin liên quan

Những vụ tai biến nghiêm trọng sau tiêm ngừa

Tháng 5-2006, văcxin Priorix ngừa sởi, quai bị, rubella đã bị tạm ngưng sử dụng tại TP.HCM sau chùm phản ứng sau tiêm làm một trẻ tử vong và năm trẻ khác bị sốc, phải thở máy. Sau khi kiểm định, cơ quan y tế đã cho rằng văcxin “vô can”.

Năm 2007, liên tiếp xuất hiện các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm văcxin viêm gan B, mặc dù đa số kết luận cho rằng các trường hợp tử vong không liên quan đến văcxin, nhưng tỉ lệ tiêm ngừa viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh đã giảm mạnh, thậm chí đã có đề xuất Bộ Y tế dời lịch tiêm chủng viêm gan B mũi 1 cho trẻ, nhưng sau khi xem xét hiệu quả và nguy cơ, Bộ Y tế đã quyết tiếp tục giữ lịch tiêm viêm gan B mũi 1 trong 24 giờ đầu sau sinh.

Một chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá đây là một trong những chùm tai biến sau tiêm chủng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Mặc dù hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Nghệ An và Bộ Y tế đều đã họp, nhưng chuyên gia này cho rằng “chưa có đủ bằng chứng để xác định mối liên quan giữa chất lượng văcxin và dịch vụ tiêm chủng đến các trường hợp tử vong”. Tuy nhiên, Sở Y tế Nghệ An đã quyết định dừng sử dụng lô văcxin Quinvaxem và OPV liên quan đến ba ca tử vong này trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng cho biết cùng lô văcxin Quinvaxem và OPV đã được chuyển đi Nghệ An và tiêm chủng ở Quỳ Hợp kể trên, văcxin còn được chuyển đi một số địa phương. Tuy chưa nhận được thông báo về bất thường tiêm chủng văcxin cùng lô, nhưng Bộ Y tế đang thống kê số lượng liều, địa điểm chuyển văcxin và “có quyết định phù hợp”.

Văcxin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất, được Liên minh toàn cầu về văcxin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho VN thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc từ năm 2010.

VN đã sử dụng trên 13 triệu liều Quinvaxem

Theo ông Phan Trọng Lân, hiện Sở Y tế Nghệ An đã chuyển mẫu văcxin Quinvaxem và OPV liên quan ba ca tử vong kể trên về Viện Kiểm định quốc gia về văcxin và sinh phẩm y tế, đồng thời mời WHO tham gia giám định độ an toàn của văcxin.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc tại sao không có những quyết định mạnh mẽ hơn, khi chỉ trong vòng hai tháng có tới năm ca tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem (tháng 11-2012 có hai trẻ ở Thanh Hóa và Lâm Đồng tử vong sau tiêm, nhưng sau đó được xác định là do bệnh lý sẵn có, không liên quan tới tiêm chủng), ông Lân cho biết từ năm 2010 đến nay, VN đã sử dụng trên 13 triệu liều Quinvaxem, so với tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm đã được thống kê thì số trường hợp gặp phản ứng nặng tại VN không cao hơn. “Nếu chưa có bằng chứng mà dừng sử dụng, chưa có văcxin thay thế tiêm cho dân còn phức tạp hơn” - ông Lân cho biết.

Ba trẻ tử vong tại Nghệ An đều có quá trình phản ứng sau tiêm kéo dài nhiều giờ nhưng không được đưa đến cơ sở y tế. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bà mẹ theo dõi kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng của trẻ, thông báo cho cơ sở y tế có biện pháp xử trí nếu trẻ có quấy khóc nhiều sau tiêm, có sốt cao và kéo dài. Cán bộ tư vấn tiêm chủng cần tư vấn kỹ cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ về các trường hợp chống chỉ định như đang sốt cao, có nhiễm khuẩn, bị tiêu chảy... và đảm bảo thời gian theo dõi sau tiêm tại cơ sở y tế.

Tai biến sau tiêm ở VN: 0,5-0,9/1 triệu trường hợp

Theo ông Nguyễn Trần Hiển - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, thống kê trường hợp tai biến sau tiêm viêm gan B ở VN là 0,56/1 triệu trường hợp được tiêm ngừa, các văcxin khác khoảng 0,9 trường hợp/1 triệu trẻ được tiêm. Theo ông Hiển, số lượng phản ứng nặng sau tiêm ở VN là 0,5-0,9/1 triệu, trong khi thống kê thế giới là khoảng 1/1 triệu trường hợp tiêm ngừa, tức tỉ lệ tai biến ở VN không cao hơn.

Tính từ năm 2007 đến nay đã có 55 trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm chủng được thống kê, trong đó có 31 ca tử vong, 14 trường hợp trong số này được xác định liên quan đến văcxin và dịch vụ tiêm chủng.

WHO đã từng điều tra về Quinvaxem

Trên thế giới đã từng xảy ra các vụ trẻ tử vong sau khi tiêm văcxin Quinvaxem ở Sri Lanka và Bhutan. Tuy nhiên, các cuộc điều tra của WHO sau đó lại kết luận loại văcxin này không liên quan đến cái chết của các em. Báo cáo đề ngày 16-10-2008 của WHO cho biết vào tháng 4-2008, Chính phủ Sri Lanka đã rút một loại văcxin 5 trong 1 DTwP - HepB - Hib (Quinvaxem) do Tập đoàn Berna Biotech của Hàn Quốc sản xuất khỏi chương trình tiêm chủng quốc gia. Đây được coi là một biện pháp phòng ngừa sau khi có các báo cáo về các trường hợp tai biến sau tiêm chủng nghiêm trọng.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2008 đến ngày 29-4-2008, tại Sri Lanka đã có năm trường hợp tai biến sau tiêm chủng gây tử vong và 20 trường hợp tai biến không tử vong. Tuy nhiên, các cuộc điều tra sau đó của WHO về những trường hợp này và việc xem xét lại chất lượng văcxin của WHO cho thấy không có bằng chứng về mức độ rủi ro liên quan đến Quinvaxem. Báo cáo này cũng nói Quinvaxem vẫn duy trì trong danh sách các văcxin đủ điều kiện của WHO và WHO không khuyến cáo việc rút lại văcxin này. WHO cũng đã được thông báo về một trường hợp trẻ tử vong ở Suriname tháng 11-2007, tạm thời được cho là liên quan đến Quinvaxem.

Còn theo báo The Economic Times của Ấn Độ, tháng 10-2009 bốn trẻ em ở Bhutan cũng đã thiệt mạng sau khi tiêm văcxin 5 trong 1 có tên EasyFive (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, cúm Haemophilus loại B và viêm gan B). Điều này đã khiến Công ty dược Panacea Biotec của Ấn Độ thu hồi văcxin này cùng năm. Tháng 4-2010, Công ty Shantha Biotech của Ấn Độ cũng thu hồi 24 triệu liều loại văcxin tương tự.

Tuy nhiên, cuộc điều tra của WHO cũng cho thấy không có sự liên quan giữa loại văcxin này và cái chết của các em nhỏ ở Bhutan. WHO cũng kêu gọi Panacea Biotec nối lại việc cung cấp văcxin này.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên