17/12/2012 08:23 GMT+7

Siết chặt quy hoạch thủy điện

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Bộ Công thương vừa đề nghị loại khỏi quy hoạch thêm 260 thủy điện nhỏ, đưa tổng số dự án được đề nghị loại bỏ từ năm 2009 đến nay lên 377. Lý do được đưa ra là hầu hết thủy điện này công suất nhỏ, hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến môi trường...

Vấn đề là tại sao các thủy điện hiệu quả thấp như thế lại được đưa vào quy hoạch, để đến khi dư luận lo ngại thì có đến cả trăm cái được cho là cần phải loại?

Khi Bộ Công thương khẳng định 377 thủy điện nhỏ phải loại khỏi quy hoạch vì hiệu quả thấp, dư luận lại một lần nữa giật mình: phải chăng thời gian qua đã quy hoạch dễ dãi, thậm chí sai? Nếu thế ai chịu trách nhiệm? Liệu có thủy điện nào không hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến môi trường đã “lọt lưới” và được làm trước khi rà soát không? Ngoài thủy điện nhỏ, có thủy điện lớn nào không hiệu quả nếu tính cả tác động xã hội, môi trường nhưng vẫn được cho vào quy hoạch và nay thành sự đã rồi? Đặc biệt là câu hỏi: những sự cố về thủy điện như thời gian qua có tránh được không nếu làm tốt công tác quy hoạch, cấp phép và giám sát xây dựng?

Theo ông Nguyễn Đức Đạt (chuyên gia thủy điện của Hiệp hội Năng lượng VN), số các thủy điện Bộ Công thương đề xuất chủ yếu là từ đề xuất của các địa phương. Những cán bộ chịu trách nhiệm rà soát thì thực tế... chưa chắc đi hết các thủy điện nhỏ mà chỉ “rà” dựa trên báo cáo. Trong khi đó, các bản báo cáo trình lên xin bổ sung quy hoạch lại chủ yếu do chủ đầu tư làm, theo ý đồ của họ. Vì vậy, ông Nguyễn Đức Đạt cho rằng số thủy điện nhỏ Bộ Công thương đề nghị loại bỏ, không bổ sung vào quy hoạch tuy nhiều nhưng “có lẽ vẫn còn nhiều thủy điện còn có thể loại bỏ”...

Nếu loại bỏ không hết số thủy điện hiệu quả thấp, ảnh hưởng tiêu cực cao... thì cả xã hội sẽ phải chịu thiệt. Nhưng để đánh giá thủy điện nào thật sự hiệu quả không đơn giản. Ông Tô Quốc Trụ, giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng, nêu thực tế ngoài số địa phương đang phải “lo” thủy điện như Quảng Nam với Sông Tranh 2 thì không loại trừ có địa phương vẫn muốn dự án thủy điện, bởi dự án vào sẽ giúp tăng GDP của tỉnh, tạo công ăn việc làm, sau này giúp tỉnh tăng thu ngân sách... Nên trước thực tế nhiều thủy điện đang gây lo lắng như Đăk Mek 3, Sông Tranh 2, ông Trụ cho rằng cần có những quy định về tiêu chí rà soát cụ thể hơn, siết chặt công tác quy hoạch để tránh “lọt” những thủy điện hiệu quả thấp và khi tác hại phát tác, xã hội mới biết.

Đã đến lúc cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn ngay từ khâu thẩm định, như diện tích rừng bị mất bao nhiêu, môi trường, sinh cảnh thay đổi thế nào, số dân phải di cư, đời sống của họ có được đảm bảo...Tất nhiên, trách nhiệm của người phê duyệt dự án thủy điện cũng cần cụ thể hơn và phải chịu liên đới đến cùng, nếu thủy điện gây ra những hậu họa to lớn.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên