05/12/2012 06:48 GMT+7

Cần có bước đột phá

Q.THANH - V.SỰ - M.HƯƠNG
Q.THANH - V.SỰ - M.HƯƠNG

TT - Nhiều đại biểu đã bình luận như vậy về chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2013 mà UBND TP.HCM đặt ra khoảng 9,5-10%. Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM đã nóng ngay từ ngày làm việc đầu tiên.

e2kdJjAb.jpgPhóng to
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (thứ hai từ trái sang) trao đổi cùng các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa VIII sáng 4-12 - Ảnh: M.ĐỨC

Sáng 4-12, kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM khai mạc với trọng tâm là xem xét các báo cáo, tờ trình của UBND TP. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ với nhiều ý kiến nóng bỏng xoay quanh nạn cướp giật, trộm cắp gây bất an trong cuộc sống người dân, giảm ngân sách chi cho đầu tư phát triển...

Tại sao bỏ mô hình săn bắt cướp?

Đại biểu (ĐB) Thi Thị Tuyết Nhung - phó Ban văn hóa xã hội HĐND TP - đặt câu hỏi: “Năm 2012, TP có tới hơn 19.000 doanh nghiệp giải thể. Có ai biết những công nhân, nhân viên của các doanh nghiệp này đi đâu về đâu, đời sống của họ ra sao?”. Bà Nhung cho rằng cần phải có điều tra xã hội học về đời sống của họ, độ tuổi, địa bàn sinh sống khi doanh nghiệp giải thể cùng tỉ lệ tìm được việc làm mới... Tương tự, cũng cần có báo cáo về những người nghiện hồi gia sau 24 tháng để có biện pháp giúp đỡ và ngăn việc họ phạm tội.

Tăng hơn 4.000 biên chế năm 2013

Theo báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế HĐND TP, tổng nhu cầu biên chế sự nghiệp năm 2013 là 119.090 người, tăng 4.208 người so với biên chế sự nghiệp đã giao năm 2012, trong đó khối sở - ban - ngành tăng 2.643 người, khối quận - huyện tăng 1.565 người.

ĐB Võ Văn Sen đặt vấn đề: Điều mà ai cũng thấy và thừa nhận là tính lộng hành và tàn bạo của các băng cướp càng lúc càng nghiêm trọng. Có thời kỳ chúng ta đã có mô hình săn bắt cướp rất hiệu quả, làm rất tốt. Vậy tại sao lại bỏ mô hình đó đi? Nếu bỏ thì phải có mô hình mới, cách làm mới hay hơn, hiệu quả hơn chứ! Phải làm sao trong một thời gian nhất định, có thể từ 3-5 tháng là tạo được chuyển biến, ít nhất là để tội phạm không còn ở mức độ lộng hành như bây giờ. Nếu không làm được điều đó, TP.HCM sẽ tự đánh mất thế mạnh vốn có từ trước đến nay là sự ổn định trong chính trị, an ninh, trật tự xã hội.

ĐB Huỳnh Quốc Cường băn khoăn: “Trong các cuộc họp, tôi thấy các ngành chức năng đưa ra tỉ lệ con nghiện tái nghiện chỉ khoảng 3%, rồi số con nghiện phạm pháp cũng chỉ ở mức vài phần trăm. Như vậy là quá thấp. Tội phạm cướp giật bây giờ quá nguy hiểm. Trước đây ta hay nói cụm từ “cướp của, giết người” - nghĩa là cướp trước, thấy tình thế không ổn thì mới giết. Bây giờ ngược lại: không cần biết thế nào, chém trước, giết trước rồi mới cướp sau. Trong khi Hà Nội có lực lượng 141 được đánh giá rất cao thì TP.HCM cũng nên tính toán để có giải pháp trấn áp tội phạm phù hợp và hiệu quả”.

Theo ĐB Lê Tuấn Tài, cần có hình thức khen thưởng những địa phương phát hiện, trấn áp được nhiều tội phạm thay vì như hiện nay nhiều nơi chạy theo thành tích, báo cáo nhiều vụ phạm tội thì sợ sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung. Ông Tài đề xuất nên tăng thêm lực lượng công an chính quy cho các xã, đặc biệt là các xã vùng ven, nơi có tỉ lệ tội phạm tăng cao.

Ngân sách đầu tư phát triển giảm

ĐB Trần Trọng Dũng băn khoăn nguồn chi cho đầu tư phát triển giảm. “Nói nôm na là nếu năm 2012 chi 50 đồng cho đầu tư phát triển thì năm 2013 dự toán chi chưa tới 10 đồng”. Ông Dũng hỏi: “Như vậy, việc giảm dự toán chi đầu tư phát triển có quá nhiều không? Có ảnh hưởng tới hoàn thành các công trình trọng điểm và chi tiêu phát triển của TP hay không?”.

Băn khoăn về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ĐB Văn Đức Mười nói: “Khi đặt chỉ tiêu phát triển kinh tế khoảng 9,5%, TP đã rất dè dặt. Nếu không cẩn thận, không khéo chúng ta lại tiếp tục đặt nền kinh tế phát triển theo chiều hướng quá êm đềm. Tôi cho rằng cần có bước đột phá. Năm 2013 là năm TP phải có được những giải pháp cho nền kinh tế. Nếu cứ lấy thực tế có 17.000 doanh nghiệp giải thể, trong khi có gần 17.500 doanh nghiệp thành lập mới rồi cảm thấy yên tâm là không ổn. Nợ xấu còn nhiều, ngân hàng thì giữ các chứng từ có giá của doanh nghiệp, doanh nghiệp thì án binh bất động. Số doanh nghiệp “bán thân bất toại” chưa thống kê hết nhưng chắc chắn là không ít”.

Một số kết quả kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2012

● Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm ước đạt 595.375,6 tỉ đồng, tăng 9,2%, gấp 1,77 lần cả nước.

● Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng dưới 5,5%, thấp hơn so với cả nước.

● Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30.256,3 triệu USD, tăng 7,36%.

● Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 26.328,69 triệu USD, giảm 3,9%.

● Đánh giá chung TP.HCM có 24/30 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2012. Còn sáu chỉ tiêu chưa đạt: GDP, tổng kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô), thu ngân sách trên địa bàn, số lao động được tạo việc làm mới, diện tích nhà ở bình quân đầu người.

(Trích báo cáo kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM)

Q.THANH - V.SỰ - M.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên