04/12/2012 06:32 GMT+7

Sống chung với lộ giới "treo"

(còn tiếp)
(còn tiếp)

TT - Trong năm 1995 và 1999, UBND TP.HCM công bố lộ giới hơn 1.700 tuyến đường trên địa bàn TP. Từ đó đến nay quyền lợi của hàng chục ngàn hộ dân sống tại những tuyến đường trên cũng bị “treo” theo lộ giới.

0ft8J0OD.jpgPhóng to
Đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) quy hoạch lộ giới 30m từ 13 năm nay chưa có kế hoạch mở đường - Ảnh: Ngọc Hà

Không ít trường hợp phải sống chung với lộ giới “treo” hàng chục năm qua, trong khi cơ quan chức năng không trả lời được câu hỏi mà người dân đặt ra: bao giờ làm đường?

Tỉnh lộ 10 (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) được công bố lộ giới 40m từ năm 1995 nhưng đến nay vẫn chưa được mở rộng. Hàng trăm hộ dân sống hai bên đường này bị “dính” quy hoạch lộ giới đã 17 năm qua...

Xây mới không được, sửa chữa không dễ

Nhà ông V. ở mặt tiền tỉnh lộ 10 dài 15m nhưng bị lộ giới đường “ăn” hết...14m. Nhà này rộng gần 70m² nhưng giấy chủ quyền chỉ công nhận hơn 4m² là hợp pháp, phần diện tích đất còn lại không được công nhận vì nằm trong phạm vi lộ giới. Theo ông V., nhà của ông được người chủ đầu tiên sử dụng trước thời điểm UBND TP công bố lộ giới tỉnh lộ 10, nhưng làm giấy chủ quyền sau thời điểm trên nên chỉ được công nhận diện tích đất ngoài lộ giới hơn 4m². Nhiều lần ông V. đến UBND Q.Bình Tân xin được công nhận phần diện tích đất nằm trong quy hoạch (do sử dụng trước thời điểm công bố lộ giới) nhưng cán bộ quận vẫn một mực khẳng định: đất nằm trong lộ giới không được công nhận.

Do sử dụng qua nhiều đời chủ, đến nay căn nhà đã xuống cấp và hư hại nhiều, ông V. muốn xây lại, cơi thêm diện tích để gia đình có thêm chỗ sinh hoạt nhưng không thể xin phép xây dựng. Phần diện tích nhà ngoài lộ giới cũng không được cấp phép xây dựng vì quá nhỏ.

Nhà 739 tỉnh lộ 10 của ông Trương Thanh Quang dài hơn 20m nhưng 2/3 chiều dài nằm trong lộ giới. Phần nhà trong lộ giới là một căn phòng đã cũ kỹ, mục nát từ nhiều năm qua. Khi xây mới phần nhà ngoài lộ giới, ông Quang xin xây dựng lại phòng này y như cũ nhưng cũng không được phép. “Vì nó xuống cấp quá nên không thể mở cửa hàng kinh doanh hay cho thuê được, đành làm tạm quầy photocopy chờ Nhà nước giải tỏa. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm cho biết khi nào làm đường để chúng tôi tính toán. Trường hợp không làm cũng nên công bố cho dân biết” - ông Quang nói.

UBND Q.Bình Tân cho biết tỉnh lộ 10 là trục giao thông chính nối TP.HCM và Long An nên kiên quyết giữ nguyên lộ giới qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch. Nhưng đến khi nào mở rộng đường thì quận chưa thể trả lời vì chưa có... kế hoạch!

Nhà của bà Lê Thị Ngọc Huệ (91A Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh) dài gần 40m tính từ lề đường hiện hữu. Theo công bố quy hoạch năm 1999 của UBND TP, đường này có lộ giới 50m. “Nhiều năm qua tôi mong Nhà nước mở đường để kết hợp sửa nhà nhưng chờ mãi không thấy. Tôi xin giấy phép xây dựng thì địa phương chỉ cho sửa chữa tạm phần nhà nằm ngoài quy hoạch” - bà Huệ cho biết.

Năm 2004, bà Huệ phải chấp nhận cắt lô đất của mình ra hai phần: phần trước nhà giáp mặt đường trong lộ giới thì sửa tạm làm cửa hàng, phần sau xây nhà đúc hai tấm. Năm 2007 UBND P.26, Q.Bình Thạnh thông báo lộ giới đường Nguyễn Xí được điều chỉnh còn 30m, tức chỉ lấy từ tim đường ra khoảng cách 15m mỗi bên. Bà Huệ và nhiều hộ dân khác rơi vào cảnh “ngã ba đường”: muốn xây thêm nhà trên phần đất vừa thoát lộ giới “treo” rất khó vì không biết kết hợp xây giữa nhà cũ và nhà mới ra sao. Khi nào mở rộng đường Nguyễn Xí? Theo UBND Q.Bình Thạnh, chuyện này tùy thuộc UBND TP và nguồn vốn ngân sách.

Đường lớn, nhỏ đều “treo”

Sau thời điểm TP công bố lộ giới hơn 1.700 tuyến đường nói trên, các quận, huyện có rà soát, điều chỉnh lộ giới trên địa bàn nhưng rất ít trường hợp được xóa “treo” hoặc mở đường như quy hoạch. Phần lớn tuyến đường được công bố lộ giới vẫn chưa thực hiện mở rộng là do Nhà nước không đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nhiều tuyến đường được quy hoạch lộ giới khá lớn so với hiện trạng nên đã “ăn” vào nhà đất của người dân rất nhiều. Đó là các tuyến đường: tỉnh lộ 10, Nguyễn Xí, Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp), Hương lộ 5 (Q.8)... Cơ quan chức năng cho rằng đây là những tuyến đường huyết mạch chính, là giao thông liên quận, liên vùng, nhất quyết phải giữ quy hoạch, giữ đất để mở đường nên người dân phải tiếp tục chờ đến khi Nhà nước có vốn.

Không chỉ những tuyến đường lớn mà cả những tuyến đường có lộ giới nhỏ, lưu thông trong quận, trong phường, vốn đầu tư ít cũng chậm thực hiện. Cụ thể Q.11 có đường Đỗ Ngọc Thạch (đoạn từ Trần Quý đến đường Ba Tháng Hai) hiện nay đang là con hẻm được công bố lộ giới 16m. Q.Bình Thạnh có đường Vạn Kiếp (lộ giới 16m)...

Do thiếu tiền

Nhiều tuyến đường ở các quận trung tâm TP.HCM giữ lại lộ giới đã được quy hoạch từ trước năm 1975. Một chuyên gia về quy hoạch của TP khẳng định việc quy hoạch lộ giới là để dành đất cho phát triển trong tương lai, cho tầm nhìn 30, 50 năm, thậm chí 100 năm sau chứ không phải quy hoạch năm trước là năm sau phải mở rộng đường ngay, vì vậy không thể nói quy hoạch lộ giới là “treo” hay chậm thực hiện.

Theo lãnh đạo của một số quận, huyện vùng ven, nhiều nơi đang thiếu đường giao thông trầm trọng thì việc mở rộng đường đang là nhu cầu cấp thiết để giải quyết lưu thông của người dân. Tuy nhiên do chi phí làm đường, đặc biệt là tiền chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao nên chính quyền các cấp chưa thể bố trí kinh phí. Chẳng hạn như đường D3 (Q.Bình Thạnh) mở rộng 20m (từ đường D2 đến đường D1) cần kinh phí xây dựng hơn 20 tỉ đồng thì kinh phí đền bù giải tỏa lên đến hơn 100 tỉ đồng nên nhiều năm qua chưa làm được.

(còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên