Cuộc khảo sát mang chủ đề “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ - công chức - viên chức” được công bố sáng 20-11 tại Hà Nội.
Trong số những loại dịch vụ hoặc giao dịch với cơ quan, xin việc vào cơ quan nhà nước được xác định là phải đi kèm với khoản hối lộ “lớn” nhất (theo cảm nhận của người dân), bên cạnh việc chi các khoản không chính thức cho trường học, cảnh sát giao thông, dịch vụ y tế…
Phóng to |
4 lĩnh vực tham nhũng phổ biến
Những việc đơn giản như đăng ký khai sinh, người dân cũng vẫn phải lót tay cho cán bộ thực thi. Đó chỉ là vài nét điểm qua báo cáo khảo sát. Báo cáo do Thanh tra Chính phủ chủ trì với sự phối hợp thực hiện của Ngân hàng Thế giới, Bộ phát triển quốc tế Anh, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc…
Theo ý kiến của những người được phỏng vấn (toàn bộ cuộc khảo sát được thực hiện bằng phỏng vấn trực tiếp), bốn lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Tuy nhiên, có thể đây là những lĩnh vực mà người dân thường xuyên cọ xát, sử dụng dịch vụ công nhất chứ chưa có đủ thông tin để kết luận đây là những lĩnh vực nhiều tham nhũng nhất. Theo gợi ý của các tác giả, cũng do tính chất thường xuyên tiếp cận các dịch vụ này nên nếu không được xử lý thích hợp và kịp thời thì tham nhũng trong các lĩnh vực trên sẽ gây bất bình lớn trong công chúng.
Phóng to |
Phóng to |
Công chức "hành" doanh nghiệp
Không chỉ người dân bình thường phải đối mặt thường xuyên với tham nhũng, 23% các doanh nghiệp (DN) được hỏi cũng cho biết trong 12 tháng qua, họ đã gặp phải một trong sáu dạng yêu cầu hối lộ từ phía công chức: xin mua rẻ nhà đất/tài sản cho mục đích cá nhân, gợi ý DN trang bị hoặc cho mượn tài sản, đề nghị đề bạt hoặc bố trí việc làm cho người quen, đề nghị DN trả chi phí đi lại, ăn uống, giải trí, dùng danh nghĩa tập thể để gợi ý DN hỗ trợ tiền và cuối cùng là gợi ý DN đóng góp cho các chuyến công tác, nghiên cứu, du lịch. Từ phía các DN, chính họ cũng chủ động sử dụng hối lộ để “bôi trơn” công việc.
Tưởng như hối lộ sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, nhưng xem xét các DN có đưa hối lộ trong 12 tháng qua, tăng trưởng của họ chậm hơn các DN không làm việc này. Như vậy, việc đưa hối lộ không phải là chiến lược kinh doanh hiệu quả, cho dù nó có thể mang lại lợi ích nhất thời. |
Với CBCC, 92% người được hỏi cho rằng hiện ít có trường hợp tham nhũng bị phát hiện là do tính chất tinh vi, phức tạp của các vụ việc chứ không phải là tham nhũng đã giảm, 69% CBCC đồng ý việc người đứng đầu cơ quan có xu hướng xử lý nhẹ vụ việc tham nhũng để giữ uy tín cho cơ quan và bản thân. Bởi vậy không có gì mâu thuẫn khi hơn 90% số người được hỏi tin là người tham nhũng chưa bị phạt thích đáng và 80% người dân tin rằng có sự tiếp tay giữa công chức và người tham nhũng.
“Kết quả khảo sát rất có ý nghĩa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học, người làm công tác hoạch định chính sách về phòng, chống tham nhũng tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng ở Việt Nam” - ông Trần Đức Lượng, phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận