Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỉ đồng.
Phóng to |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển (phải) trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - Ảnh: V.DŨNG |
Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 681.836 tỉ đồng, bao gồm cả 193.595 tỉ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết có ý kiến đề nghị Chính phủ cần xem xét lại việc hỗ trợ có mục tiêu (vốn đầu tư phát triển) ưu tiên cho khu vực miền núi, khu vực đồng bào dân tộc; khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, mức phân bổ cho các địa phương khu vực này năm 2013 giảm so với các năm trước.
Ông Hiển nói: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy so với năm 2012, mức hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương năm 2013 cho các khu vực trên có thấp hơn do có sự cắt, giảm chi đầu tư phát triển. Tuy mức điều chỉnh không đáng kể, song UBTVQH thấy rằng hầu hết các địa phương ở 3 khu vực này có số thu ngân sách nhà nước khá thấp, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì vậy, để bảo đảm hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương trên thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, sớm hoàn thành một số dự án quan trọng trên địa bàn, góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, thì việc ưu tiên hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương ở các khu vực trên là cần thiết. UBTVQH đề nghị Chính phủ quan tâm đến các khu vực này trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, chú trọng việc tiếp tục bổ sung hỗ trợ các địa phương trên từ nguồn vượt thu và các nguồn vốn hợp pháp khác”.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc chi cho các doanh nghiệp nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư phát triển và các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp, nợ nước ngoài của doanh nghiệp, nợ nước ngoài của quốc gia có mức tăng khá đột biến từ năm 2010 đến nay.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, về hỗ trợ cho một số tập đoàn, việc bố trí cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 1.600 tỉ đồng được thực hiện theo quy định của Luật dầu khí (sửa đổi) và mức bố trí này thấp hơn nhiều so với mức bố trí các năm trước. Đối với các khoản bố trí cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam 238 tỉ đồng để đưa điện về thôn, bản, đồng bào dân tộc nghèo; chi cho Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 25,2 tỉ đồng nhằm thực hiện dịch vụ viễn thông công ích; chi cho Đường sắt Việt Nam 1.824,5 tỉ đồng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 17 tỉ đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, đặt hàng.
“Để khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị các cơ quan của Quốc hội giám sát chặt chẽ các khoản kinh phí trên” - ông Hiển nói.
Về nợ của doanh nghiệp, ông Hiển nói qua xem xét các báo cáo của Chính phủ cho thấy mặc dù các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép, song nợ Chính phủ bảo lãnh trong kế hoạch 2013 tăng khá nhanh; nợ nước ngoài của doanh nghiệp có mức tăng lớn so với ước thực hiện năm 2012. UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá về quy mô, hiệu quả các khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; nợ của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả, bảo đảm tránh hệ lụy trong trường hợp các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng không có khả năng trả nợ.
Đồng thời đề nghị Chính phủ thường xuyên báo cáo Quốc hội về vấn đề nợ công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận