Chất vấn đến cùngChất lượng xây dựng: bệnh nan giải
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Kiểm soát chất lượng ở nhiều dự án chưa chặt chẽ” - Ảnh: Việt Dũng |
“Lại một câu hỏi khó nữa rồi!” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận như vậy khi đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Vỡ đập, ai chịu trách nhiệm đầu tiên?
"Đề nghị xem lại cơ sở pháp lý của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A" Đại biểu Trương Văn Vở "Dự án đang trong quá trình thực hiện tương đối đúng các quy định, không có gì sai cả" Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng |
Ông Minh tiếp tục: “Tôi đề nghị có ba phương án: Thứ nhất, bây giờ bộ trưởng nói rõ với quốc dân đồng bào trên căn cứ khoa học là đập an toàn, dân cứ ở đó không sao, thậm chí mời cán bộ lên đó ở mấy tháng luôn cho dân yên tâm. Bên cạnh đó phải phụ cấp cho dân như phụ cấp độc hại.
Cộng với mua bảo hiểm tính mạng cho dân, bởi vì do tích nước hồ dẫn đến động đất kích thích. Thứ hai là công bố với quốc dân đồng bào là chưa thể yên tâm, mời đồng bào đi tái định cư nơi ở khác tốt bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Cuối cùng, nếu đập vỡ thì xin bộ trưởng cho biết ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc này”.
Với câu hỏi “rất khó” này, Bộ trưởng Dũng có nguyên một đêm để chuẩn bị và sẽ trả lời trong phiên họp sáng nay.
Trước đó, cũng về thủy điện, và cũng là dự án đang rất “đình đám”, thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây: thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) truy: “Chủ trương cho lập dự án Đồng Nai 6, 6A và hiện đang thẩm định trình phê duyệt dự án đầu tư có tuân thủ theo nghị quyết 49 năm 2010 của Quốc hội hay không? Có tuân thủ nghị quyết của Đảng vừa ban hành, nghị quyết trung ương 6, khóa XI về sử dụng đất rừng không? Có vi phạm quyết định của Chính phủ về công nhận di tích quốc gia đặc biệt của vườn quốc gia Cát Tiên hay không? Quyết định này vừa ban hành tháng 9-2012.
Hiện nay, tất cả mọi dự án tôi đều hiểu là phải đánh giá tác động môi trường, tôi không hỏi nội dung này mà đề nghị bộ trưởng xem lại cơ sở pháp lý của dự án. Do đó, tôi đề nghị bộ trưởng quan tâm nội dung trọng tâm đặt vấn đề của tôi và cho biết rõ hơn dự án này cần phải được xem xét loại bỏ ra khỏi quy hoạch thủy điện hay không? Với tư cách là bộ ngành chức năng có chịu trách nhiệm pháp lý về thẩm định phê duyệt dự án này hay không?”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Cho đến nay dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đang trong quá trình xây dựng dự án. Bước quan trọng là thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, bước này chưa xong nên chưa trình Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa trình với Quốc hội để xem xét theo tinh thần nghị quyết 49... Xin khẳng định dự án đang ở trong quá trình thực hiện tương đối đúng các quy định, không có gì làm sai cả. Còn nếu qua thẩm định, đánh giá tác động môi trường thấy rằng không có hiệu quả, nhất là ảnh hưởng đến rừng, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, tác động xã hội lớn thì chắc chắn các cơ quan sẽ kiến nghị với Thủ tướng xem xét và dừng việc triển khai tiếp.
“Chất lượng xây dựng kém do... thể chế”
Chất vấn Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, bà Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đi ngay vào vấn đề nóng: “Chất lượng công trình xây dựng, nhất là công trình nhà ở tái định cư, thủy điện, điện hạt nhân đang là vấn đề bức xúc và lo lắng của cử tri. Nhiều công trình chất lượng kém nhưng chỉ sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng mới phát hiện được. Sự cố rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2, vỡ đập thủy điện Đakrông 3, đổ tháp truyền hình Nam Định là những ví dụ... Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc để xảy ra tình trạng trên. Bộ trưởng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng công trình xây dựng kém chất lượng, tham nhũng thất thoát trong đầu tư xây dựng công trình?”.
Bộ trưởng Dũng thừa nhận: “Vấn đề lãng phí, thất thoát không phải hôm nay mà có từ lâu rồi. Đây là bệnh nan giải và rất khó khắc phục triệt để”. Theo ông Dũng, nguyên nhân thứ nhất là do thể chế. “Chúng ta đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa được hoàn thiện. Ví như chúng ta đang phải hoàn thiện Luật đất đai, hàng loạt luật khác như Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Luật đấu thầu... còn cần phải sửa đổi lại. Vấn đề kiểm soát chất lượng ở nhiều dự án chưa chặt chẽ, công tác tiền kiểm còn nhiều hạn chế” - ông Dũng nói. Thứ hai, theo ông Dũng, là do chất lượng công tác quy hoạch, chất lượng dự án, chất lượng thiết kế, giám sát, thi công đều có nhân tố làm thất thoát. Thứ ba là thanh tra, kiểm tra chưa tốt. Thứ tư là chất lượng, phẩm chất cán bộ, công chức và những người đầu tư, xây dựng. Thứ năm là thiếu cơ chế để người dân giám sát, thiếu chế tài xử lý mạnh những sai phạm.
Về giải pháp, ông Dũng khẳng định trước hết là hoàn thiện thể chế pháp luật. Vấn đề nữa là phải kiểm tra được năng lực các nhà thầu, có thông tin để công bố danh sách nhà thầu, giúp chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu phù hợp. Giải pháp nữa là nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực này. Mở rộng cơ chế để cộng đồng, xã hội, người dân giám sát.
Tham gia chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Bộ trưởng nói rõ là chất lượng xây dựng của VN tốt, xấu hay trung bình?”. Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho biết về chất lượng thì cơ bản đã kiểm soát được, công trình về sau càng có chất lượng tốt hơn. “Công trình chất lượng kém chủ yếu là công trình cấp ba trở xuống, do dân đầu tư là chính. Còn công trình do Nhà nước đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia thì cơ bản là tốt. Ngoại lệ có những công trình như cầu Cần Thơ, tháp truyền hình Nam Định, đập thủy điện Sông Tranh 2...” - ông Dũng nói.
Phóng to |
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): “Rung lắc tùm lum như thế ai chịu nổi?!”- Ảnh: Việt Dũng |
Tồn kho bất động sản hơn 40.000 tỉ đồng
Trả lời các chất vấn về bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với thị trường bất động sản, nhưng không thể khẳng định là sẽ tháo gỡ tuyệt đối được, phải chờ nền kinh tế hồi phục...
Ông Dũng cho hay tồn kho bất động sản rất lớn. “Tính đến ngày 30-8, không tính các dự án, sản phẩm dở dang nhưng đã có người góp vốn thì số lượng tồn căn hộ chung cư là hơn 16.000, nhà ở thấp tầng hơn 5.000 căn, đất nền hơn 1.624.000m2, văn phòng trung tâm thương mại hơn 24.000m2, tổng giá trị tồn kho hơn 40.000 tỉ đồng. Tồn kho chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM” - ông Dũng cung cấp thông tin.
Theo ông Dũng, hiện nay đang rà soát toàn bộ các dự án. Dự án nào chưa giải phóng mặt bằng thì dừng; dự án chưa đầu tư hạ tầng thì giãn tiến độ; dự án đã đầu tư hạ tầng thì thực hiện cơ cấu lại, tăng cường đầu tư nhà ở xã hội. Sản phẩm bất động sản cũng cơ cấu lại, tùy theo từng vị trí, dự án cụ thể mà cho phép cơ cấu lại phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Mong bộ trưởng “vi hành” nhiều hơn
Trước đó vào buổi sáng, là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi: “Hàng tồn kho lớn, ngoài lý do lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, còn có nhiều nguyên nhân yếu kém trong khâu quy hoạch, cập nhật và dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm. Do tham nhũng, lãng phí trong quá trình đầu tư, đẩy giá thành sản phẩm lên cao đến mức không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Có thể nói là thua cuộc ngay trên sân nhà. Trách nhiệm của bộ trưởng Bộ Công thương trong vấn đề này như thế nào?”.
Bộ trưởng Hoàng thừa nhận chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo vào đầu tháng 6 là 26%, đến đầu tháng 10 đã giảm xuống còn 20%. Hàng tồn kho lớn hiện tập trung vào vật liệu xây dựng, sắt thép, một số chủng loại phân bón, than đá... “Vấn đề quy hoạch đối với một số sản phẩm, ví dụ sắt, thép thì việc xây dựng, ban hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch có những bất cập, giữa nhu cầu với bố trí sản xuất không đồng đều, cho nên dẫn đến hiện tượng dư thừa. Đây là một điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước và trong công tác kiểm tra thực hiện quy hoạch. Công tác dự báo của chúng ta còn những hạn chế, thậm chí yếu kém và trong này có vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước” - ông Hoàng nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) kiến nghị: “Thời gian vừa qua tình hình sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm sản... đang gặp rất nhiều khó khăn, ví như nước sôi lửa bỏng. Nhưng vừa qua lãnh đạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cử tri rất ít được đón tiếp bộ trưởng vi hành về đến cơ sở để cùng tháo gỡ khó khăn”. Bộ trưởng Hoàng xin được nhận khuyết điểm với đại biểu Quốc hội. Trong thời gian tới, căn cứ vào chương trình công tác, chúng tôi sẽ cố gắng để thu xếp tiếp tục việc đi cơ sở”.
Hôm nay, bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục trả lời chất vấn tại hội trường. Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Câu trả lời có rồi nhưng... để ở nhà Các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn về những sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thanh tra Chính phủ chỉ ra, với tổng số tiền vi phạm lên đến 10.676 tỉ đồng, trách nhiệm thế nào, đã xử lý đến đâu... Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết chủ tịch Tập đoàn Sông Đà Dương Khánh Toàn không bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật. Khi đại biểu Tiến hỏi rằng “trong ngành xây dựng có bao nhiêu tổng công ty có tình trạng thất thoát, nợ đọng, sai phạm đồng dạng phối cảnh như Tập đoàn Sông Đà?”, ông Dũng đáp rằng “câu hỏi của đại biểu thì chúng tôi đã có đầy đủ nhưng đang để ở nhà, chúng tôi mong muốn đại biểu sang để chúng tôi báo cáo”. Hội trường lập tức ồn ào bởi tiếng cười của các đại biểu. L.KIÊN Tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm Trước khi các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và 3. Ông Phúc khẳng định thời gian tới sẽ xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Việc xử lý nợ xấu đã triển khai các giải pháp: cơ cấu lại nợ, giãn nợ, bán nợ xấu có tài sản đảm bảo, xử lý nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của tổ chức cho vay... Tuy nhiên, theo ông Phúc, tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả còn hạn chế. Về chống độc quyền đối với một số mặt hàng, trong đó có xăng dầu, ông Phúc cho biết hiện nay trên thị trường có 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Nhưng trên thực tế, thị phần của Tập đoàn Xăng dầu VN vẫn chiếm tỉ lệ cao so với các doanh nghiệp đầu mối khác. Chính phủ đã yêu cầu đánh giá toàn diện để sửa đổi, bổ sung chính sách về kinh doanh xăng dầu trong tháng 12-2012. Hiện một số quy định về yếu tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu so với thực tế, trong khi đó công tác quản lý chất lượng, đo lường, chống đầu cơ thiếu chặt chẽ; cơ chế phối hợp trong quản lý, điều hành giá chưa hiệu quả... Trình bày báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết vẫn còn tình trạng trả lời kiến nghị chung chung, chủ yếu trích dẫn các quy định của pháp luật, chưa quan tâm đúng mức, đầy đủ nội dung cử tri kiến nghị để có biện pháp giải quyết cụ thể... Riêng lĩnh vực xăng dầu, ông Hiền cho biết nhiều lần cử tri đã kiến nghị nhưng tình trạng gian lận trong kinh doanh lĩnh vực này vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, một số quy định thiếu khả thi chậm được sửa đổi... QUỐC THANH |
____________________
Ý kiến cử tri
* Ông VÕ VĂN CHÁNH (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai):
Quyết sớm để dân an tâm, tin tưởng
Tỉnh Đồng Nai sau khi tổng hợp ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý đã góp ý bằng văn bản cho Bộ Tài nguyên - môi trường, báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ. Trong đó chúng tôi nói rõ hai dự án này có đến sáu tác động tiêu cực phát sinh đến môi trường vùng hạ lưu trên địa bàn Đồng Nai rất lớn.
Thêm nữa, văn bản do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 31-8-2011 chỉ đạo: “Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển đổi mục đích sử dụng mà ảnh hưởng đến tiêu chí, mục đích và nội dung xác lập vườn quốc gia Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên thì dừng xây dựng dự án”.
Như vậy hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A phải dừng ngay. Quốc hội, Chính phủ quyết ngay việc này sớm thì hàng triệu người dân ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai sẽ an tâm, tin tưởng hơn về các quyết sách đã đưa ra.
HÀ MI ghi
* Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Giải cứu bất động sản: chưa thấy vai trò của doanh nghiệp và ngân hàng
Trong các giải pháp giải cứu thị trường bất động sản và giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, Bộ trưởng Dũng quên mất vai trò của doanh nghiệp và ngân hàng. Doanh nghiệp là chủ các dự án bất động sản, thị trường bất động sản, có mối liên hệ chặt chẽ với ngân hàng từ khâu doanh nghiệp vay tiền làm dự án đến khâu hỗ trợ người mua nhà trả góp, trả chậm. Trong đó, vai trò của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng cũng không nhỏ như các tập đoàn là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn, các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng. Tôi mong bộ trưởng nói sâu hơn về mối liên kết với doanh nghiệp và ngân hàng trong quá trình giải cứu thị trường.
D.N.HÀ ghi
* Ông Lê Văn Dũng (nhà E3 khu 7,2ha, P.Vĩnh Phúc, Q.Ba Đình, Hà Nội):
Chưa rõ trách nhiệm
Tôi không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Dũng khi nói về vấn đề an toàn ở các thủy điện. Đại biểu hỏi một vấn đề đang rất nóng khi liên tục xảy ra động đất ở thủy điện Sông Tranh 2, động đất như vậy thì bộ trưởng phải dũng cảm nói trước quốc dân đồng bào rằng có an toàn thật không? Còn cứ nói an toàn nhưng vẫn liên tiếp xảy ra động đất như thế thì làm sao mà dân ở được. Còn cứ viện dẫn nhà khoa học thì ngay các nhà khoa học cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Là bộ trưởng thì phải khẳng định bằng trách nhiệm chính trị trước dân. Nếu bộ trưởng nói an toàn mà khi có vấn đề thì bộ trưởng chịu trách nhiệm, phải dám cam kết như thế người dân mới không lo, còn cứ chung chung thì khó thuyết phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận