11/11/2012 08:25 GMT+7

Tiền đền bù cao hơn nhiều (!?)

TRUNG TÂN thực hiện
TRUNG TÂN thực hiện

TT - Sau những phát biểu được dư luận nhận xét “thiếu bình tĩnh” của ông Bùi Pháp - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai - về dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A tại cuộc họp báo ngày 8-11, Tuổi Trẻ đã trao đổi thêm với ông Pháp về những vấn đề này. Ông cho biết:

7Gx9D7zu.jpgPhóng to

Ông Bùi Pháp trong buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai tại Sở TN-MT Đồng Nai ngày 10-10 - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

- Trong cuộc họp báo vừa qua, tôi nói có thể các lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Hội đồng nhân dân, Tỉnh ủy Đồng Nai... chưa nắm đầy đủ thông tin về hai dự án thủy điện mà Đức Long Gia Lai đang thực hiện. Vì vậy tôi muốn mời các cấp ở tỉnh Đồng Nai trực tiếp về hai dự án này để nắm bắt thông tin một cách chính xác, khách quan. Qua đó cân nhắc có kiến nghị xem hai dự án này có ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước thế nào... trước khi có những đề xuất với Chính phủ cho dừng dự án.

* Trong cuộc họp báo, ông cho rằng một số cơ quan báo chí đã bị một số cá nhân, nhóm lợi ích lợi dụng đưa những thông tin không đúng sự thật?

- Tôi nói có thể một số cơ quan báo chí đã cùng một nhóm lợi ích nào đó cố tình đưa thông tin không đúng sự thật về hai dự án do Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang là chủ đầu tư. Trong đó, thông tin trên báo chí sai sự thật như khoảng cách từ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A cách Bàu Sấu lần lượt là 50km và 60km theo đường sông. Trong khi đó các báo lại tính toán khoảng cách này là 11km theo đường chim bay. Khi thực hiện đánh giá tác động môi trường, chúng tôi đã lấy mực nước lũ cao nhất vào năm 2006 và lũ vẫn theo đường sông. Các cơ quan báo chí có lo lắng là chính xác nhưng chúng tôi đã làm đúng theo đánh giá tác động môi trường của hai dự án này...

* Ông có căn cứ nào để khẳng định một số tờ báo đưa thông tin sai sự thật?

- Hàng loạt thông tin không chính xác trên báo chí thì phải có người nào đó, nhóm lợi ích nào đó đứng phía sau. Tổng kinh phí thực tế cho công tác đền bù, hỗ trợ, giảm thiểu tác động và phục hồi môi trường cho hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A gần 115 tỉ đồng. Trong đó phần kinh phí cho trồng và chăm sóc rừng trong mười năm là trên 89 tỉ đồng, bình quân 230 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn hỗ trợ xây hai trạm kiểm lâm, các công trình xử lý giảm thiểu tác động môi trường, đền bù cho người dân gần 16 tỉ đồng... Nếu tính toán một cách khách quan thì tiền đền bù phải là khoảng 32 triệu đồng/ha, tức cao hơn nhiều giá đền bù đất nông nghiệp. Có thể các báo đã lấy con số 16 tỉ đồng chia cho tổng diện tích rừng hơn 372ha nên mới ra con số 230-320 đồng/m2 đất rừng.

* Ông cũng nói chỉ có Thủ tướng mới có thẩm quyền yêu cầu dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A?

- Tôi khẳng định rằng tôi không nói nếu Thủ tướng yêu cầu dừng dự án tôi mới chấp hành. Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A do Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, vì vậy dự án này có thực hiện hay không phải do Chính phủ đưa ra Quốc hội xem xét. Tôi cũng khẳng định Tập đoàn Đức Long Gia Lai chưa nhận được ý kiến nào từ các ban ngành tại tỉnh Đồng Nai về việc yêu cầu dừng hai dự án này. Những ý kiến yêu cầu dừng hai dự án của tỉnh Đồng Nai gửi ra trung ương chỉ mới bắt đầu trong năm 2012, khi có nhiều tờ báo thông tin về hai dự án...

Cách tính toán đi theo đường sông là phi khoa học

Ông Bùi Pháp cho rằng khoảng cách từ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cách khu Ramsar Bàu Sấu lần lượt là 50km và 60km, trong khi báo chí lại nói 11km. Đánh giá về ý kiến ông Bùi Pháp, tiến sĩ Vũ Ngọc Long - đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) khu vực phía Nam, người từng đi nghiên cứu thực địa tại các khu vực này - cho biết: “Nói 11km là nói cho tròn chứ thật ra khoảng cách từ khu Ramsar Bàu Sấu đến nơi xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thậm chí còn gần hơn. Khoảng cách ở đây phải được tính theo đường chim bay chứ không phải đi vòng vèo để đưa ra con số cao gấp nhiều lần rồi cho rằng hai công trình trên sẽ ít ảnh hưởng đến khu Ramsar quý giá như vậy. Cách tính như vậy là phi khoa học”.

Khi đưa ra các con số nhiều tỉ đồng cho công tác đền bù, hỗ trợ, giảm thiểu tác động và phục hồi môi trường để thuyết phục dư luận, ông Bùi Pháp quên mất rằng các khoản chi trên là điều khoản bắt buộc nếu hai dự án được triển khai, còn bản chất của việc đền bù giải phóng mặt bằng cho 372ha rừng lẫn di dời 80 hộ người dân tộc sinh sống ở khu vực này chỉ gói gọn trong con số 16 tỉ đồng. Nghĩa là mỗi mét vuông rừng nguyên sinh được Đức Long Gia Lai “mua” với giá... không bằng ly trà đá.

Cả vú lấp miệng em

“Một số bộ phận, một số lợi ích riêng đã cấu kết với một số nhà báo, tờ báo đưa thông tin không chính xác...”. Nhận định của ông Bùi Pháp, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đã gây chấn động dư luận.

Theo ông Bùi Pháp, một trong các đơn vị phản đối thủy điện là UBND tỉnh Đồng Nai, bởi đơn vị này chưa nắm đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, luận điểm này có vấn đề bởi Đồng Nai là đơn vị tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến đánh giá về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước khi gửi văn bản đề nghị Chính phủ xem xét dừng dự án lần thứ nhất. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và các sở, ban ngành liên quan cũng từng có cuộc làm việc trực tiếp với Tập đoàn Đức Long Gia Lai trước khi ra văn bản đề nghị dừng thủy điện lần thứ hai. Qua hai lần làm việc có tổ chức như vậy mà chủ đầu tư vẫn cho rằng thiếu thông tin.

Việc ông Bùi Pháp phát ngôn gây sốc như vậy không phải là lần đầu. Trong cuộc làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vào ngày 10-10 diễn ra tại Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh này, ông Bùi Pháp đã làm sững sờ giới báo chí tham dự khi nói: “Báo chí đăng lung tung. Báo chí muốn viết về dự án thì chỉ cần gặp Đức Long Gia Lai, cần tài liệu của ban ngành nào Đức Long Gia Lai sẽ cung cấp để không gây hiểu lầm”. Ngay lập tức đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc có mặt tại buổi làm việc phản bác ý kiến này vì: “Báo chí có quyền tìm hiểu thông tin từ bất kỳ nguồn nào miễn đúng pháp luật và báo chí thực hiện công việc ấy một cách khách quan”. Ông Dương Trung Quốc cũng nhắc nhở báo chí rằng trong việc bảo vệ luận chứng, chủ đầu tư sẽ nói theo hướng có lợi cho mình.

Mặt khác, khi phát biểu trước báo giới, ông Bùi Pháp từng nói rằng dự án của mình được sự đồng thuận của các địa phương, bộ ngành song thực tế đều cho thấy ngược lại. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Phó bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Vũ Công Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí... và rất nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực như bảo tồn đa dạng sinh học, khảo cổ, bảo vệ nguồn nước... đều lên tiếng bất lợi cho dự án của Đức Long Gia Lai.

Không phải tự nhiên mà những lãnh đạo các địa phương, bộ ngành lại không ủng hộ xây thủy điện giữa rừng nguyên sinh. Vì họ còn nghĩ đến sinh mạng, tài sản và sự yên ổn của hàng triệu cư dân dưới hạ nguồn thủy điện cũng như các giá trị quý báu của vườn quốc gia Cát Tiên.

Ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, từng có ý kiến: “Chúng tôi phản đối thủy điện dù không phải là tỉnh nằm trong vùng dự án vì chúng tôi không thể không nghĩ cho hàng triệu người dân Đồng Nai và các tỉnh dưới hạ nguồn được”.

Liệu ông Bùi Pháp có đưa “một số bộ phận”, “một số nhóm lợi ích riêng” nào đó ra trước công luận hay chí ít là thông báo cho Bộ Thông tin - truyền thông để tìm cách xử lý hay không? Càng không rõ những người dân lên tiếng phản đối hai dự án thủy điện “ăn” rừng nguyên sinh của ông có bị quy là nhóm lợi ích hay nhóm đặc quyền đặc lợi hay không?

Nếu không, chỉ có thể hiểu ông chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang dùng chiêu “cả vú lấp miệng em”.

TRUNG TÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên