Phóng to |
Đại biểu Đinh Xuân Thảo phát biểu về dự thảo sửa đổi hiến pháp - Ảnh: V.DŨNG |
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn, hướng tới xây dựng các đạo luật nhằm thực thi quyền dân chủ, đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân.
Kiểm soát quyền lực
Theo ông Đinh Xuân Thảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đồng thời là thành viên ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo lần này quy định rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các nhánh quyền lực nhà nước, ghi nhận quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự kiểm soát, giám sát lẫn nhau. “Ví dụ, quy định Chính phủ là cơ quan hành pháp, có nghĩa là không chỉ chấp hành thụ động trước cơ quan lập pháp như trước đây, mà là cơ quan chủ động đề xuất chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi. Như vậy sẽ rõ ràng vị thế của hành pháp” - ông Thảo nói.
“Chúng ta không theo tam quyền phân lập, nhưng tôi đề nghị phải nghiên cứu để phân định rõ trách nhiệm giữa các nhánh quyền lực làm sao cho hoạt động của bộ máy thật tốt. Vừa qua, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cơ quan không rõ ràng nên khi nhận lỗi chỉ thấy trách nhiệm tập thể và người đứng đầu nhận trách nhiệm chính trị” - đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) bình luận. Ông Vũ Trọng Kim, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ VN, đề nghị phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. “Quyền lực nếu phát huy tốt thì ảnh hưởng tốt đối với quốc gia, dân tộc, nếu không tốt thì hậu quả nặng nề. Xu hướng thế giới cũng vậy chứ không riêng gì nước ta, đó là vấn đề dễ bị tha hóa, dễ bị lạm dụng quyền lực” - ông Kim nói.
Cần thiết lập ủy ban lâm thời của Quốc hội Trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung điều 84 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng rất đồng tình điều 84 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc khi cần thiết thì Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định. Ủy ban này sẽ giám sát được những vấn đề cụ thể, không phải giám sát việc thực hiện chủ trương chính sách chung chung. Chẳng hạn như vấn đề nổi lên trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, Quốc hội cần có ủy ban để điều tra, giám sát, khẳng định sự việc trong thực tế diễn ra ra sao, đến mức độ nào. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho biết đây là bổ sung tốt trong dự thảo sửa đổi hiến pháp, tạo điều kiện pháp lý để Quốc hội sử dụng quyền lực của mình trong những tình huống khẩn cấp, những sự việc nghiêm trọng, có tính chất cụ thể, chuyên sâu. Nếu không mở ra khả năng này thì khi cần sẽ lúng túng vì chưa có cơ sở pháp lý, trong khi thực tế có nhu cầu như vậy. |
Ông Vũ Trọng Kim cũng đề nghị nên có một tổ chức chuyên trách về phòng chống tham nhũng của Quốc hội.
Làm rõ địa vị của nhân dân
“Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Có nghĩa nhân dân là chủ thể của chế độ này. Như vậy, chúng ta phải làm thế nào để có cơ chế thật sự phát huy dân chủ, dân thật sự làm chủ. Cần quy định rõ trong hiến pháp cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ, khẳng định rõ quyền của người dân và cơ chế để dân thực hiện các quyền của mình” - đại biểu Bùi Thị An đề nghị. Còn theo ông Nguyễn Đình Quyền, dự thảo lần này có bổ sung rất quan trọng là ghi nhận quyền dân chủ trực tiếp của người dân. “Nhưng cần quy định rõ nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp như thế nào, hay chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến nhân dân?” - ông nói.
Ông Đinh Xuân Thảo khẳng định các quyền con người, quyền công dân đã được thể hiện khá đầy đủ bởi các điều khoản bổ sung và điều khoản mới trong dự thảo. Một trong những quy định để phát huy quyền dân chủ là trưng cầu ý dân. “Tới đây, theo kế hoạch, Quốc hội sẽ xây dựng Luật trưng cầu ý dân là đạo luật rất quan trọng để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình. Thật ra, vấn đề trưng cầu ý dân cũng có quy định trong Hiến pháp 1992 nhưng chưa thực hiện được. Dự thảo hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định quyền này cũng như các quyền cơ bản khác như quyền lập hội, quyền biểu tình..., tới đây sẽ phải thể chế hóa thành các đạo luật cụ thể” - ông Thảo cho hay.
Ông Thảo cho biết thêm: “Luật trưng cầu ý dân sẽ xác định rõ những công việc nào, nội dung nào, vấn đề nào được đưa ra để dân bàn và quyết định. Tôi nghĩ những việc quan trọng như mở rộng Hà Nội vừa rồi, hay đường sắt cao tốc phải đem ra lấy ý kiến toàn dân, còn việc xây dựng thủy điện mà liên quan đến hai tỉnh phải đem ra trưng cầu ý kiến người dân hai tỉnh đó. Trưng cầu ý dân không chỉ đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của dân được thực thi, mà còn đảm bảo việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt hơn. Vấn đề biểu tình cũng vậy, vì đó là quyền nên người dân sẽ cứ thực hiện nếu thấy cần thiết, cho xây dựng đạo luật về biểu tình sẽ đưa ra các quy định cụ thể để người dân thực hiện quyền của mình một cách tốt hơn và cũng để Nhà nước kiểm soát tình hình an ninh, trật tự tốt hơn”.
Làm rõ hơn quyền của Chủ tịch nước
Về thẩm quyền phong hàm, phong cấp sĩ quan cấp cao của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Hữu Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh - cho rằng việc quy định “Chủ tịch nước quyết định phong hàm, phong cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân; bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam” là cần thiết, để bảo đảm đúng vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son đồng tình vì “từ thời Bác Hồ làm chủ tịch nước, năm 1948 Bác là người phong hàm các tướng lĩnh”.
Dự thảo cũng quy định thêm một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với hành pháp, tư pháp. Ví dụ, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ triệu tập các cuộc họp để bàn những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Du Lịch, đây chỉ là các quy định làm rõ hơn quyền của Chủ tịch nước chứ không phải là mở rộng quyền. Vấn đề được các đại biểu đặt ra là hiến pháp cần xây dựng định chế Chủ tịch nước thực quyền hơn nữa, đúng với vị thế của nguyên thủ quốc gia. “Tôi thấy rằng đảm bảo tăng thêm quyền hạn của Chủ tịch nước là rất cần thiết. Theo Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước tuy là nguyên thủ quốc gia nhưng vai trò có tính biểu tượng là chính, thiếu thực quyền” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói.
Băn khoăn về chính quyền địa phương
Đại biểu Trần Du Lịch bình luận chương về chính quyền địa phương trong dự thảo thực chất chỉ mới thay tên gọi so với Hiến pháp 1992 và đây là điểm còn rất yếu của dự thảo, cần củng cố. Chính quyền địa phương tự quản có đưa vào không, chính quyền đô thị như thế nào... vẫn còn bỏ ngỏ dù đã có chủ trương từ rất lâu. Đại hội X, XI của Đảng nói về chính quyền đô thị, đến nay chờ sửa hiến pháp cũng chưa nói gì cả.
Trong khi đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị “cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... của chính quyền địa phương và mối quan hệ giữa trung ương - địa phương như thế nào” thì ông Nguyễn Đình Quyền đề nghị không nên dùng thuật ngữ chính quyền địa phương. “Nhà nước ta là nhà nước đơn nhất, không phải nhà nước liên bang, tại sao lại phân chia ra chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Quy định như vậy là không ổn về mặt lý luận” - ông Quyền nói.
Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vào ngày 15-11. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Quy định cụ thể về đảng cầm quyền Đối với quy định về sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong hiến pháp, tôi cho rằng cần cụ thể hơn. Hiến pháp quy định rằng mọi tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật. Như vậy phải xác định cho rõ rằng nói đến lãnh đạo thì có thể còn chung chung được, nhưng nói đến cầm quyền thì phải rất cụ thể. Vì hiến pháp nước ta quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tức quyền lực là của dân, nhưng dân trao cho Đảng cầm quyền, vậy Đảng cầm quyền như thế nào thì cần làm rõ. Dự thảo hiến pháp cũng viết “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, vậy cơ chế nào để dân giám sát đảng, điều này rất cần được làm rõ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận