30/10/2012 14:35 GMT+7

"Tham nhũng, lãng phí là hai kẻ đồng hành, đồng lõa"

VÕ VĂN THÀNH 
VÕ VĂN THÀNH 

TTO - Sáng nay 30-10, Quốc hội đã bắt đầu thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.

Mở rộng quyền hạn của Chủ tịch nước

DDmXThYN.jpgPhóng to

Gần 500 hộ dân ở xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) đang sống lay lắt ngay trên mảnh đất của mình". Ảnh: Ông Đoàn Văn Mười Một chấp nhận bỏ công làm lời để cải tạo ruộng lúa đã bỏ hoang mấy năm nay vì dự án “treo”- Ảnh: THÚY HẰNG

Vào đầu phiên thảo luận, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến đã đề cập đến hai vấn đề nóng là tham nhũng và lãng phí. Ông Tiến nói: “Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, hai kẻ đồng hành đồng lõa cùng hội cùng thuyền. Tham nhũng là ma thuật biến tài sản công thành tài sản tư, biến đất công thành đất tư, tiền công thành tiền tư, nhà công vụ thành nhà tư vụ, gây thất thoát lãng phí cả trăm nghìn tỉ đồng ngân sách nhà nước. Quốc nạn tham nhũng làm khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người, giảm sút lòng tin, suy kiệt nhựa sống xã hội. Hàng chục tập đoàn, tổng công ty, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước do tham nhũng thất thoát, do năng lực quản trị kém thì hoặc đột quỵ hoặc chết lâm sàng. Công ty giải thể kéo theo hàng chục vạn lao động lao đao, ở công ty mất việc làm, về quê mất đất. Đi vướng núi về mắc sông, không chừng sa vào cạm bẫy trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội và thành tội phạm”.

Ông Tiến cho rằng chưa tính các tập đoàn, tổng công ty khác, riêng Vinashin đã có trên 40 nghìn tỉ nợ nước ngoài, hơn 60 nghìn tỉ nợ trong nước. Trong khi đầu tư một phòng học theo chương trình kiên cố hóa chỉ là 500 triệu. Suất đầu tư 1 nhà văn hóa là 1 tỉ đồng. Số tiền nợ của Vinashin tương đương với việc xây thêm 214.000 phòng học, 107.000 nhà văn hóa, 53.000 trạm xá xã. Trong khi cả nước có 11.000 xã phường thì mỗi xã phường có thêm 20 phòng học, 10 nhà văn hóa, 5 trạm xá và chúng ta không phải lùi hạn tăng lương vì không bố trí được nguồn.

Ông Tiến nhấn mạnh: “Ta thường lên án gay gắt mạnh mẽ hành vi tham nhũng nhưng thất thoát do lãng phí lên tới rất nhiều thì ta lại nương tay, xem nhẹ. Hầu như chưa có ai bị đưa ra xét xử vì hành vi lãng phí. Tham nhũng bị coi là tội phạm trong khi lãng phí chỉ được xem là khuyết điểm. Đầu tư lãng phí cả trăm ngàn đôla vào khu công nghiệp, sân bay, khu chế xuất không hiệu quả thì chỉ bị nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm. Lãng phí muôn hình vạn trạng ở khắp nơi. Lãng phí trong sử dụng ngân sách, trong quản lý đất đai, mua sắm tài sản, trong sử dụng đất đai, mua sắm tài nguyên. Đó là lãng phí hữu hình. Rồi lãng phí vô hình trong khai thác nguồn nhân lực, lãng phí chất xám. Như hàng trăm nghìn luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp nhà nước đóng bìa cứng hoành tráng, xếp ngăn nắp như vật trang trí trong các viện nghiên cứu. Chưa đầy 1/3 kết quả được áp dụng vào thực tế. Rồi lãng phí trong quy hoạch do thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo không nắm bắt được nhu cầu thị trường. Bao nhiêu ximăng sắt thép đang nằm ế ẩm dãi dầu trong các kho bãi chờ lưu thông. Rồi đất sản xuất bị hoang hóa nhiều năm nay. Hàng trăm ngàn tỉ lẽ ra được sinh sôi từ đất thì lại lãng phí chôn vùi ở trong đất”.

Tiếp theo ông Lê Như Tiến, bài phát biểu của phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng gây sự chú ý khi đề cập đến vấn đề kinh doanh xăng dầu. Bà Nga nói: “Chúng tôi ghi nhận những cố gắng của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh nhiều bất cập trên nhiều mặt. Kinh doanh xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 84 nhưng khi thực hiện người dân, doanh nghiệp đầy bức xúc. Giá tăng nhanh, giảm chậm, chất lượng xăng dầu kém, đại lý kêu lỗ, quản lý ngày càng lúng túng, ngân sách nhà nước thất thu. Nhiều quy định của Luật cạnh tranh, Luật hải quan, Luật phòng chống tham nhũng... không được chấp hành nghiêm. Hiếm có một lĩnh vực nào mà các bên liên quan có nhiều bức xúc đến như vậy. Lời hứa sửa đổi Nghị định 84 của 2 bộ trưởng Công thương và Tài chính đưa ra cách đây 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện”.

Bên cạnh hai ý kiến nêu trên, trong thảo luận, nhiều vị đại biểu đã đề cập đến vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho, quản lý vàng... Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề xuất cần có những giải pháp, chính sách để phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại niềm tin thị trường. “Nợ xấu là vòng kim cô, không phá được cái này thì không bao giờ xử lý được vấn đề vốn. Cần tăng tín dụng tiêu dùng, làm ấm dần thị trường bất động sản. Đề nghị thành lập ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu” - ông Lịch nói.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng dự kiến thành lập công ty mua bán nợ cũng chỉ là chuyển nợ từ ngân hàng ra khỏi ngân hàng, đã đến lúc phải xem xét kích cầu đối với nền kinh tế.

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đề cập đến vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã nhận lỗi trước Quốc hội, nhưng chưa thấy lãnh đạo các bộ ngành công khai nhận trách nhiệm.

Chiều nay 30-10, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường.

Chính sách đối với vàng thất bại?

Diễn biến thị trường vàng trong nước vừa qua khiến chúng ta không khỏi lo ngại vì các chính sách không đạt được mong muốn, nếu không nói là thất bại. Thị trường vàng không ổn định, giá cả lên xuống thất thường, giá vàng trong nước không được liên thông với thị trường vàng quốc tế, luôn cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng.

Việc chọn thương hiệu SJC độc quyền đã tạo ra khoảng cách giữa vàng miếng SJC với các thương hiệu vàng miếng khác mỗi lượng từ vài trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng, gây thiệt hại to lớn cho người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Khi sở hữu vàng miếng có chất lượng giống nhau nhưng thương hiệu khác nhau, chỉ một quyết định của Nhà nước, người dân đã mất đi một số tiền không nhỏ. Tại sao NHNN không đặt ra khoảng thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm để chuyển đổi tất cả các thương hiệu vàng khác sang vàng SJC, bằng cách mua lại của người dân theo giá vàng SJC trên thị trường có tính đầy đủ các loại phí cần thiết.

Có ý kiến cho rằng với việc độc quyền thương hiệu vàng SJC, tổ chức có thẩm quyền chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng để dập lại vàng thương hiệu SJC thì đã tạo ra lợi nhuận 1-2 triệu đồng. Đây thật sự là câu hỏi mà người dân cần có sự trả lời từ NHNN. Chính phủ cần chỉ đạo giám sát chặt chẽ công tác quản lý thị trường vàng.

VÕ VĂN THÀNH 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên