Phóng to | |
"Tới đây diễn biến tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ rất phức tạp, cùng với nó là tội phạm trong lĩnh vực thương mại, điện tử gia tăng" Ông Nguyễn Đức Chung |
"Ngay cả chuyện sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, tôi xin đặt câu hỏi là chúng ta sửa để khắc phục tính hình thức hay làm cho nó hình thức thêm" Ông Nguyễn Đình Quyền |
Nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh với các loại tội phạm, đã khởi tố xét xử nhiều vụ án lớn. Tuy nhiên, còn không ít ý kiến lo ngại tội phạm hoành hành xã hội, gây bất an đời sống dân cư.
Phối hợp nhưng phải độc lập
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bức xúc các bộ phận chuyên trách về phòng chống tham nhũng được kiện toàn, nhưng nhiều địa phương không phát hiện vụ nào. Có chăng, chủ yếu phát hiện tham nhũng ở cấp xã, cấp huyện và tham nhũng vặt, nhận vài triệu đồng. Ông cho rằng tham nhũng thông qua việc ra các quyết định hành chính, trái pháp luật thì đó mới là tham nhũng lớn, làm chưa đáng bao nhiêu. “Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh thực chất tình hình tham nhũng” - ông Đương nói, đồng thời chưa chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp đột phá để khắc phục.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, phó chánh án TAND TP.HCM, nói trong năm 2012 tội phạm về tham nhũng, kinh tế có 891 vụ... “Nhưng với tình hình xã hội hiện tại ai cũng thấy có yên tâm với số liệu này không? Nếu chỉ có như vậy thôi thì xã hội, cử tri khắp nơi không đến nỗi phải lo lắng” - ông Ánh nói.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chống tham nhũng đang trên diện rộng, chưa đi vào chiều sâu, thực chất của vấn đề. “Ngay cả chuyện sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, tôi xin đặt câu hỏi là chúng ta sửa để khắc phục tính hình thức hay làm cho nó hình thức thêm”. Kê khai tài sản hiện nay là hoàn toàn hình thức, vậy nên mở rộng diện công khai ra mà không kiểm soát được tài sản thì nó càng hình thức hơn.
Ông Quyền phân tích: “Giả sử tôi làm bộ trưởng mà con tôi làm giám đốc ngân hàng, nếu tôi chỉ kê khai mà con tôi không phải kê khai và không bị kiểm soát thì có tác dụng gì. Trước khi kê khai thì tài sản tham nhũng tôi đã kịp thời tẩu tán, hợp thức hóa bằng tên người khác rồi. Quan trọng nhất trong chống tham nhũng là kiểm soát tài sản”.
Phát huy vai trò của báo chí “Trong các giải pháp phòng chống tham nhũng, tôi đặc biệt quan tâm phát huy vai trò của báo chí. Báo cáo của Chính phủ đánh giá cao sự đóng góp cũng như nỗ lực của báo chí trong công tác này. Tôi nhất trí và kiến nghị phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của báo chí. Cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm đảm bảo quyền tác nghiệp của báo chí. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhà báo, thể hiện qua cơ chế người phát ngôn, đề nghị các cơ quan chức năng thi hành nghiêm túc, đầy đủ, thực chất. Hiện nay các nhà báo đang rất khó khăn trong tiếp cận thông tin. Chính phủ cũng nên quy định danh mục tài liệu mật cho rõ ràng. Cần hạn chế yêu cầu các nhà báo cung cấp nguồn tin vì như thế sẽ gây khó khăn cho tác nghiệp, mà cần tuân thủ Luật báo chí”. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) |
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng các giải pháp phòng chống tội phạm, tham nhũng vẫn còn chung chung, giống như nhiều năm trước. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị một khi đã xác định tham nhũng là nguy cơ thì phải thay đổi cơ chế tiếp cận đối tượng tham nhũng, cụ thể là sửa đổi quy định để công an được quyền tiếp cận bí mật đối tượng tình nghi, “vấn đề này cũng như trong các vụ án mại dâm, ma túy, nếu không cài người vào thì rất khó bắt được đối tượng”.
Ít đề cập tội phạm về môi trường
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lưu ý nổi lên trong năm 2012 là nhóm tội phạm tham nhũng về kinh tế, tội phạm ngân hàng. Báo cáo của Chính phủ nói rằng đấu tranh với loại tội phạm này rất khó nhưng lại không nói đang khó cái gì. Tội phạm về môi trường, tài nguyên khoáng sản rất đáng nói nhưng chưa thấy đề cập nhiều, chưa có giải pháp triệt để.
Đại tá Nguyễn Đức Chung, giám đốc Công an TP Hà Nội, phân tích từ kỳ họp trước, nhiều đại biểu đã lưu ý rằng tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng rất phức tạp, với số tiền rất lớn, thì vừa qua chúng ta đã thấy rằng nó là sự thật. “Tôi cho rằng tới đây diễn biến tội phạm trong lĩnh vực này sẽ rất phức tạp, cùng với nó là tội phạm trong lĩnh vực thương mại, điện tử gia tăng. Tội phạm xuyên quốc gia cũng rất đáng ngại: câu kết buôn gian bán lận, ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em...” - ông Chung nói.
Thiếu tướng Lê Đông Phong, phó giám đốc Công an TP.HCM, nhấn mạnh với một số loại tội phạm ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính... có nguyên nhân sâu xa từ sơ hở của các quy định và quản lý. Ông cho rằng tình trạng nợ xấu của các ngân hàng hiện nay cũng có nguyên nhân sâu xa từ quy định, chính sách và điều hành, quản lý. Qua “vụ Nguyễn Đức Kiên” cho thấy hành vi phạm tội thực hiện kéo dài, đã hình thành từ quá trình điều hành, quản lý.
Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình, phó tư lệnh Quân khu 7, cũng lo lắng tội phạm dùng thuốc nổ vừa qua có 40 vụ. Theo ông Bình, việc đánh giá tình hình tội phạm và tội phạm mới thì chưa lường hết được.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho rằng các báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đúng mức đến loại tội phạm công nghệ cao, trong khi đó nhiều nước phát triển đã cảnh báo nguy cơ của loại tội phạm này, trong đó có cả nguy cơ đến từ một số tập đoàn công nghệ nước ngoài, đối với an ninh quốc gia của họ. “Đây là vấn đề cần được coi trọng trong bối cảnh hiện nay” - ông Mạnh nói.
Không quy định Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trong luật
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình Quốc hội dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi. Một trong những quy định đáng chú ý của dự luật này là đã bỏ các quy định về Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.
Nhất trí với quy định này, Ủy ban Tư pháp cho rằng: “Việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng bí thư làm trưởng ban theo đúng tinh thần và nội dung nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng”.
Ủy ban Tư pháp cũng đồng tình với quy định của dự luật là công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên làm việc, công tác của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên nhằm mục đích để cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp giám sát tính trung thực trong việc kê khai, góp phần ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng.
Tuy nhiên, “về lâu dài Nhà nước ta phải sớm có kế hoạch, phương án cụ thể trong việc ban hành các văn bản pháp luật để kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội, có như vậy mới bảo đảm cho việc kê khai tài sản, thu nhập thật sự phát huy được tác dụng trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện tham nhũng” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.
Huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư KHCN Trình Quốc hội dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân nêu rõ Chính phủ cho rằng trong điều kiện hiện nay, mức đầu tư tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ là hợp lý, phù hợp khả năng tài chính (có ý kiến nói mức này quá thấp, chưa tương xứng). Chính phủ kiến nghị cần quy định rõ trong luật duy trì mức chi tối thiểu này. Chính phủ cũng khẳng định nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là ngoài việc huy động tối đa nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (chủ yếu từ doanh nghiệp) cho phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời đổi mới việc phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho lĩnh vực này, đảm bảo hiệu quả. Thẩm tra dự luật trên, Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng cần tập trung đổi mới quản lý để phân bổ, sử dụng ngân sách hiệu quả hơn. Cần quy định rõ hơn cơ chế kết hợp sử dụng ngân sách và việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ theo hướng tăng tổng mức đầu tư xã hội cho lĩnh vực này, trong đó nguồn đầu tư ngoài ngân sách ngày càng chiếm ưu thế. Ủy ban cũng lưu ý trong nhiều năm qua, nhìn chung chưa thực hiện được hết ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ, cũng như chưa đánh giá được hiệu quả, chất lượng thực hiện ngân sách. Nguyên nhân do năng lực triển khai thực hiện đầu tư, trong đó việc tổ chức quản lý chưa tốt, phân bổ chưa đúng khả năng thực hiện... Siết nhập cư vào nội thành Hà Nội Cùng ngày, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật thủ đô. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết bốn vấn đề trong dự thảo luật này đang có ý kiến khác nhau. Trong đó, về quản lý dân cư, dự thảo Luật thủ đô được thể hiện theo hướng áp dụng một số biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật cư trú hiện hành và đưa ra hai phương án. Cụ thể, phương án 1 quy định công dân không thuộc các trường hợp như vợ về ở với chồng, con về ở với cha mẹ... được đăng ký thường trú ở nội thành nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ ba năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Phương án 2 bổ sung nội dung “trường hợp nhà ở do thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận