24/10/2012 08:27 GMT+7

Quá nhiều nỗi lo, quá nhiều lời hứa

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Hơn 24 giờ sau trận động đất mạnh nhất xảy ra tại Bắc Trà My (Quảng Nam), hàng ngàn người dân trong khu vực vẫn chưa hết hốt hoảng vì diễn biến động đất ngày càng phức tạp hơn, rung lắc mạnh và chưa dấu hiệu dừng lại.

3VHwUEZz.jpgPhóng to
Nhiều người đi đường trực tiếp xem công trình thủy điện sau trận động đất xảy ra ngày 22-10 - Ảnh: TẤN VŨ

Trong khi đó, mưa lớn bắt đầu trút xuống khu vực này, nước hồ dâng lên khiến nguy cơ động đất sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.

Dân tự cứu mình

Quảng Ngãi: động đất gây rung lắc ở miền núi

Ngày 23-10, ông Phạm Văn Tương, chủ tịch UBND xã Ba Nam, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết khoảng 20g30 ngày 22-10 tại trung tâm xã gồm cơ quan hành chính, trường học, trạm y tế và thôn Xà Râu đã xảy ra một trận rung lắc mạnh trong 5 giây. Ông Tương kể lại: trong lúc gia đình đang ngồi xem tivi, bất ngờ nghe tiếng rền rất mạnh, rồi thấy ly nước trên bàn lắc mạnh. Nhiều người dân trong vùng cũng cảm nhận được hiện tượng rung lắc tương tự.

Theo ông Hoàng Anh Ngọc - chủ tịch UBND huyện Tây Trà, tại xã Trà Phong, Trà Quân, cũng xảy ra hiện tượng động đất gây rung lắc từ 5-7 giây.

Sáng 23-10, chúng tôi có mặt tại các xã Trà Tân, Trà Đốc (huyện Bắc Trà My) nằm gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Nhiều người dân vẫn thất thần, lo lắng khi vừa trải qua một đêm mệt mỏi vì động đất.

Chưa hết bàng hoàng, ông Lê Văn Nam (50 tuổi, thôn 4, xã Trà Tân) kể lại: “Gia đình đang ngồi xem tivi bỗng nghe tiếng nổ ầm từ lòng đất. Nhà cửa bị rung lắc, kính cửa nhà tôi vỡ ra nhiều mảnh. Tưởng nhà sắp sụp, tôi và vợ ôm các con bỏ chạy ra đường. Không lạ chi động đất nhưng lần này ngoài sức tưởng tượng của tôi”. Ông Nam cho biết chỉ có cách phóng thật nhanh ra đường may ra thoát thân chứ chẳng chờ ai đến cứu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tin (45 tuổi, thôn 4, xã Trà Tân) kể lại: “Tôi đang bán hàng cho khách bỗng nghe ầm ầm dưới lòng. Tôi chỉ kịp kêu vợ con chạy ra khỏi nhà”.

Nhà của chị Hồ Thị Thổ, 31 tuổi, nằm ở khu tái định cư Trà Đốc. Trận động đất đêm 22-10 đã khiến hai cây cột trước hiên nhà bị đứt gãy, sáng hôm sau chị phải thuê thợ hồ đến xây dựng lại hai cây trụ nhà mới.

Còn ông Hồ Văn Giúi (70 tuổi, thôn 3, xã Trà Đốc) than thở: “Lần đầu tiên tôi mới thấy động đất dữ dội như thế này. Thà nó động đất mạnh một lần cho chết hết chứ người dân chúng tôi phải nhiều đêm thức trắng, luôn sống trong cảnh bất an, thất thần như thế này thì sống mà khổ hơn chết nữa”.

Không chỉ người dân ở Bắc Trà My, các huyện lân cận như Tiên Phước, Phước Sơn, Nam Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn..., thậm chí nhiều người dân tại TP Tam Kỳ lần đầu tiên cũng cảm nhận được rung chấn này.

Quá nhiều lời hứa

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My, cho biết trận động đất tối 22-10, khiến 246 căn nhà của năm xã và thị trấn trong huyện bị hư hại. Các xã Trà Bui, Trà Sơn và Trà Đốc là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong khi đó, 583 căn nhà đã hỏng hóc vì động đất trước đó vẫn chưa được khắc phục.

Ngay sau khi động đất xảy ra, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam có công văn gửi chính quyền tỉnh Quảng Nam kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc đập thủy điện Sông Tranh 2 ở chế độ đặc biệt. Quan trắc lưu lượng thấm nước mỗi ngày từ 2-3 lần trong điều kiện bình thường và tăng lên khi mùa mưa lũ về.

Chiều 23-10, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong cho biết dù đã được tập huấn ứng phó động đất nhưng người dân vẫn hoang mang với những gì diễn ra. Đặc biệt là cường độ và tần suất động đất ngày càng tăng và mưa lớn bắt đầu trút xuống. Ông Phong tỏ ra bức xúc trước việc Bộ Công thương và các cơ quan chức năng hứa trong cuộc họp báo về thủy điện Sông Tranh 2, cũng như buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là sẽ cử các chuyên gia vào “nằm vùng” tại thủy điện Sông Tranh 2 để trực tiếp theo dõi tình hình nhưng đến nay vẫn chưa ai có mặt.

Chiều 23-10, trời vẫn tiếp tục mưa lớn tại khu vực Trà My. Nhiều người đi đường và người dân lân cận quan tâm đến đập thủy điện đã tụ tập để nghe ngóng tình hình cũng như theo dõi lượng nước về.

Tại Trạm quan trắc động đất của Viện Vật lý địa cầu, nơi đặt máy quan trắc động đất, cổng được khóa kín, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 ông Trần Văn Hải cho biết Viện Vật lý địa cầu chỉ mượn một vị trí nhỏ trong khuôn viên ban quản lý để đặt trạm quan trắc động đất. Mọi thông số, quản lý, con người và cách vận hành đều do Viện Vật lý địa cầu điều khiển từ xa.

Ông Hải cũng khẳng định đập vẫn an toàn sau khi xảy ra rung chấn và mọi việc vẫn vận hành bình thường sau những gì vừa xảy ra. Trong khi đó theo chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Truyền, chính quyền tỉnh vừa có văn bản báo cáo tình hình động đất xảy ra tại Bắc Trà My cho Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan. “Tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn... xuống địa bàn thăm hỏi người dân. Kiểm tra tình hình thiệt hại, báo cáo tỉnh để có chính sách hỗ trợ - ông Truyền nhận định.

Chưa đủ số liệu để tính thông số động đất nhanh hơn

Liên quan đến việc sau gần hai giờ mới phát được bản tin thông báo về trận động đất 4,6 độ Richter xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ngày 22-10, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) - cho biết lý do là hiện nay ở khu vực đập thủy điện mới được lắp đặt một trạm quan trắc nên số liệu chưa đủ dày và tin cậy để xác định nhanh chóng thông tin về động đất.

Theo ông Phương, Viện Vật lý địa cầu dự kiến phải triển khai mạng lưới năm trạm mới có được số liệu chính xác.

“Chúng tôi xác định lắp năm trạm tập trung ở Bắc Trà My, lấy đập thủy điện Sông Tranh 2 và các khu vực dân cư là cốt lõi. Viện Vật lý địa cầu sẽ nỗ lực triển khai sớm nhất có thể, hi vọng trong tháng này có thể đưa mạng lưới năm trạm hoạt động được”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, viện đã khảo sát thực địa khu vực Bắc Trà My khi có động đất xảy ra năm 2011 và đã có những báo cáo kỹ thuật chi tiết, kiến nghị rõ ràng: phải thiết lập mạng lưới trạm quan trắc địa phương đặt tại khu vực lân cận hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Đề xuất lắp đặt năm trạm quan trắc (kinh phí 2 tỉ đồng) đã được gửi Viện Khoa học công nghệ VN, Bộ Khoa học công nghệ, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và UBND tỉnh Quảng Nam. Nhưng đến nay chưa có xu nào từ Nhà nước rót xuống hay EVN chuyển sang.

VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên