01/10/2012 08:01 GMT+7

Đừng để "rung chấn" lớn hơn trong lòng dân

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

TT - Buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam ngày 30-9 do Ủy viên BCT - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu trở thành buổi phản ảnh nóng bỏng của cư dân vùng Sông Tranh 2.

Bà con phản ảnh gì với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương?

Xem toàn bộ thông tin về vụ việc Sông Tranh 2

4Yho8HOK.jpgPhóng to
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) cùng đoàn công tác xem hoạt động của một máy đo gia tốc đặt bên trong thân đập - Ảnh: Tấn Vũ

Đây là cuộc tiếp xúc cử tri hết sức đặc biệt bởi ngoài Phó thủ tướng còn có năm thứ trưởng các bộ ngành và tám đại biểu Quốc hội lắng nghe và giải thích với người dân.

Không nên để thảm họa xảy ra rồi mới tính

Thứ trưởng Bộ Xây dựng NGUYỄN THANH NGHỊ:

Kiểm tra lại toàn bộ hồ đập trên cả nước

Một số khiếm khuyết của công trình như thi công các khe nhiệt chưa đảm bảo, thiết bị quan trắc lắp đặt chậm đã được khắc phục. Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện để tăng cường công tác quản lý các công trình xây dựng được tốt hơn và kiểm tra lại toàn bộ hồ đập trên cả nước.

Mở đầu phiên họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với người dân rằng vấn đề Sông Tranh 2 sẽ là vấn đề lớn mà kỳ họp Quốc hội sắp đến đưa ra chất vấn, thảo luận bởi đây là chuyện mà nhiều cử tri quan tâm. Kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri Huỳnh Tấn Sâm - nguyên bí thư Huyện ủy Bắc Trà My - cho biết hiện tại nhà nứt lún, người dân và thầy cô giáo đều không an tâm. Không riêng gì Trà My, dân dọc sông Thu Bồn từ Bắc Trà My đến Hội An đều lo lắng.

Dù trung ương có đoàn đến khảo sát, đánh giá nhưng nhiều ý kiến của các nhà khoa học quá khác nhau nên người dân càng hoang mang hơn. “Có người không an tâm đã bán nhà đi nơi khác. Không nên để thảm họa xảy ra rồi ngồi tính thì không kịp. Nhà khoa học phải nói chính thống, ai cũng giáo sư, tiến sĩ hết, mỗi người nói một ý giờ dân chẳng biết tin ai” - ông Sâm nhấn mạnh.

Cử tri Đinh Mướk bày tỏ việc quan trọng là hành động chứ không thể nói suông rồi để người dân bỏ nhà lên núi. Nhà nứt phải sửa, cứu trợ, làm tư tưởng lâu dài vì không biết động đất bao giờ dừng lại. “Rung chấn đã nặng nề, nếu chúng ta không làm tư tưởng tốt trong dân sẽ có “rung chấn” lớn hơn trong lòng dân và khi đó rất nguy hiểm” - ông Mướk cảnh báo.

Ông Hồ Văn Tiến, chủ tịch UBND xã Trà Bui, kiến nghị thủy điện phải đền bù cho dân chứ không thể nói hỗ trợ. Động đất nhà nứt, nhà tái định cư xuống cấp, dân không có đất sản xuất, nhiều người vào rừng phá rừng phòng hộ... “Các vị nói an toàn nhưng ai biết được chữ ngờ. Nếu bể đập thì các anh nói là do thiên tai. Hàng ngàn người dân vùng hạ du đang lo sợ, chúng ta đừng ngồi đó mà đổ thừa thiên tai. Đề nghị Chính phủ không cho tích nước hoặc hủy thủy điện. Nói an toàn sao cấm báo chí vào, cấm dân kiểm tra?” - ông Tiến nói thẳng.

Không vì vốn lớn mà coi thường người dân

Sau khi nghe hết ý kiến của các cử tri, lần lượt năm thứ trưởng của các bộ, ngành đã “đăng đàn” để giải thích cho người dân được rõ và an tâm. Tân chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Hoàng Quốc Vượng cho biết EVN rất chia sẻ với người dân trong lúc này và xin cùng chính quyền địa phương bàn phương án hỗ trợ cho người dân vùng động đất.

Bác bỏ ý kiến cấp dưới của mình từng phát biểu không có phương án thảm họa cho vùng hạ du, lần này ông Vượng nhấn mạnh: “Không một cá nhân, tổ chức nào có thể chịu hết trách nhiệm nếu sự cố vỡ đập xảy ra. Vì vậy phải đảm bảo an toàn là trên hết và phải xây dựng phương án cho trường hợp xấu nhất xảy ra”. Ông Vượng cũng cho biết EVN sẽ cùng chính quyền địa phương phối hợp diễn tập lớn cho người dân trong vùng.

Phát biểu với cử tri, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chính phủ đặt an toàn về tính mạng, tài sản của người dân lên trên hết. Nếu không an toàn, không tích nước, không phát điện. Không phải vì số tiền đầu tư lớn (hơn 5.000 tỉ đồng) mà coi thường người dân được. Đó là vì nhân dân, tôi mong bà con hiểu cho điều này”. Phó thủ tướng còn cho biết thời gian tích nước, Thủ tướng sẽ quyết định sau khi có một hội đồng thẩm định chính thức và kết luận đã an toàn.

Phó thủ tướng cũng đề nghị phải xây dựng phương án vùng hạ du trong trường hợp nếu vỡ đập sẽ như thế nào. EVN chỉ đạo Ban quản lý thủy điện 3 phải hỗ trợ, đền bù trước mắt cho 250 nhà dân, 10 công trình, đường sá, đất sản xuất do ngập trong hồ cho người dân. “Phải nêu cao trách nhiệm chứ không được đùn đẩy. Huyện, tỉnh

phải tạo điều kiện để chuyên gia của các bộ ngành nghiên cứu trong mùa mưa lũ này ở thủy điện để Thủ tướng quyết định có tích nước hay không” - ông Phúc nói.

Ông HOÀNG QUỐC VƯỢNG (tân chủ tịch EVN):

EVN xin lỗi dân

Thay mặt EVN, tôi xin lỗi người dân vùng dự án vì đã làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân địa phương. Phía EVN đã đầu tư mua và lắp năm trạm đo động đất tại vùng thủy điện Sông Tranh 2, đồng thời lắp thêm hai máy đo gia tốc quanh thân đập để kịp thời ghi nhận diễn biến động đất. EVN đã cử cán bộ, chuyên gia thường xuyên theo dõi đập nhằm phát hiện kịp thời các yếu tố bất thường để ứng phó.

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên