20/09/2012 07:31 GMT+7

4 lãnh đạo 2 Ngân hàng ACB và Eximbank từ nhiệm

A.HỔNG - H.ĐĂNG
A.HỔNG - H.ĐĂNG

TT - Chiều 19-9, Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu (ACB) đã công bố thông tin chấp nhận việc từ nhiệm chức chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Trần Xuân Giá, ông Lê Vũ Kỳ (phó chủ tịch HĐQT) và ông Trịnh Kim Quang (phó chủ tịch HĐQT).

CROeSv5W.jpgPhóng to
Lãnh đạo NH Eximbank họp báo chiều 19-9 công bố việc từ nhiệm của phó chủ tịch HĐQT Phạm Trung Cang - Ảnh: Thanh Đạm

Cũng theo ACB, đây là các thành viên có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải - nguyên tổng giám đốc ACB - ủy thác cho 19 nhân viên của NH này thực hiện việc nhận 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào NH Công thương VN (Vietinbank) lấy lãi.

Buổi chiều cùng ngày, NH TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) cũng công bố thông tin về việc từ nhiệm phó chủ tịch HĐQT của ông Phạm Trung Cang. Theo ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch HĐQT Eximbank, việc từ nhiệm của ông Phạm Trung Cang tại Eximbank chủ yếu liên quan đến trách nhiệm cá nhân của ông Cang khi còn đương nhiệm tại ACB với vai trò là phó chủ tịch HĐQT (từ năm 1994-2011), trước khi giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Eximbank từ năm 2010.

Cụ thể, khi còn đương nhiệm tại ACB, ông Phạm Trung Cang cùng với một số thành viên trong HĐQT của ACB đã phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện việc nhận 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào Vietinbank như đã đề cập ở trên.

Fw8w7tC8.jpgPhóng to

ông Trần Xuân Giá- Ảnh: Việt Dũng

Theo thông tin từ ACB, ông Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, bắt đầu tham gia vào ACB từ cuối năm 2006 (sau khi nghỉ hưu và rời khỏi các chức vụ nhà nước từ ngày 1-10-2006) với vai trò là cố vấn HĐQT ACB đến tháng 3-2008. Từ năm 2008 đến ngày 18-9-2012, ông Trần Xuân Giá giữ chức chủ tịch HĐQT ACB trước khi từ nhiệm. Còn ông Lê Vũ Kỳ bắt đầu tham gia vào ACB và giữ chức vụ phó tổng giám đốc từ năm 1997-2008. Từ năm 2008 đến ngày 18-9, ông Lê Vũ Kỳ là phó chủ tịch HĐQT ACB.

Trước khi tham gia vào ACB, ông Kỳ là quyền tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất - XNK Thiên Nam.

Ông Trịnh Kim Quang là một trong những thành viên sáng lập ACB, bắt đầu tham gia vào NH này từ năm 1993 với vai trò là phó tổng giám đốc đến năm 1998. Từ năm 2008 đến ngày 18-9, ông Quang là phó chủ tịch HĐQT, thành viên hội đồng sáng lập ACB. Cũng là một thành viên trong hội đồng sáng lập ACB, ông Phạm Trung Cang là chủ tịch HĐQT đầu tiên của ACB và từ năm 1999-2011, ông Cang là phó chủ tịch HĐQT ACB, trước khi được đại diện ủy quyền phần vốn của ACB tại Eximbank và giữ vai trò phó chủ tịch HĐQT Eximbank từ năm 2010.

Cùng với việc chấp nhận từ nhiệm của một số thành viên HĐQT, ACB cũng công bố việc bầu các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT, gồm ông Trần Hùng Huy thành viên thường trực HĐQT (con của ông Trần Mộng Hùng - nguyên chủ tịch HĐQT ACB) - giữ chức chủ tịch HĐQT, ông Julian Fong Loong Choon - đại diện cổ đông Standard Chartered - giữ chức phó chủ tịch HĐQT và ông Lương Văn Tự - nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) - giữ chức phó chủ tịch HĐQT.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ACB, cho biết việc thay đổi nhân sự không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ACB. “ACB là tổ chức hoạt động theo quy trình đã được quy chuẩn hóa, do vậy việc thay đổi một vài vị trí không ảnh hưởng đến hoạt động của NH. Hơn nữa, ACB đã bổ nhiệm nhân sự mới thay thế” - ông Toại nói. Ông Lê Hùng Dũng cũng khẳng định việc ông Cang từ nhiệm không ảnh hưởng nhiều đến tác nghiệp, quản trị, điều hành của Eximbank.

Liên quan đến vấn đề chuẩn bị thanh khoản của NH trong trường hợp gặp sự phản ứng của người gửi tiền, ông Dũng cho biết đã bàn bạc và báo cáo với NH Nhà nước, tuy nhiên ông dự đoán sẽ không có ảnh hưởng lớn và sẽ nằm trong tầm kiểm soát của NH.

Trong trường hợp diễn biến xấu hơn NH Nhà nước sẽ hỗ trợ cho NH Eximbank. Eximbank cũng đã họp bàn với khách hàng lớn và đánh giá tình hình không đến nỗi nào vì cấu trúc NH vững và NH Nhà nước đứng sau lưng.

Chiều 19-9 NH Nhà nước đã có văn bản chấp thuận đề nghị thay đổi nhân sự của ACB. Tuy nhiên, NH Nhà nước yêu cầu trong thời gian tới ACB phải tổ chức đại hội cổ đông để thực hiện các thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên HĐQT để bảo đảm số lượng và cơ cấu đúng theo điều lệ của ACB.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Toại cho biết trước đây HĐQT của ACB có 11 thành viên, tuy nhiên hiện nay chỉ còn lại bảy thành viên, tức dưới 2/3 so với số người cũ. Do vậy theo quy định, trong vòng hai tháng ACB phải tiến hành đại hội cổ đông để bầu thêm thành viên. Hiện ACB chưa quyết định sẽ bầu bổ sung bao nhiêu thành viên HĐQT mới. Ông Toại cũng cho biết dự kiến trong tháng 11 ACB sẽ tổ chức đại hội cổ đông.

A.HỔNG - H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên