10/09/2012 08:17 GMT+7

Dân ở Thủy điện Sông Tranh 2: đối mặt động đất

Trần Anh Tuấn (phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My)
Trần Anh Tuấn (phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My)

TT - Người dân sống trong vùng thủy điện Sông Tranh 2 đang hoang mang trước tình trạng động đất xảy ra liên tục. Lãnh đạo huyện cũng rất lo lắng, không biết giải thích với dân như thế nào.

Các chuyên gia hàng đầu khảo sát nguyên nhân động đấtQuảng Nam: người dân hốt hoảng vì rung chấn mạnhLại động đất 4,2 độ richter gần Sông Tranh 2

XHI4okba.jpgPhóng to
Công nhân dọn ximăng, xà bần... trong đường hầm đập thủy điện Sông Tranh 2 sáng 9-9 - Ảnh: Tấn Vũ

Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn: Cần có kết luận trung thực

P87QtCfP.jpgPhóng to

"Phải có người chịu trách nhiệm cá nhân và chịu trách nhiệm bằng văn bản hẳn hoi thì mới cho tích nước thủy điện Sông Tranh 2"

Cũng như hàng ngàn cư dân Trà My, ông Trần Anh Tuấn có ý kiến quyết liệt với các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2. Ông nói:

- Không phải bây giờ mà hồi năm ngoái, khi lần đầu tiên xảy ra động đất, chúng tôi đã đến nắm bắt tâm tư của người dân nhưng đến cũng chỉ động viên mà thôi. Cấp huyện chẳng ai có chuyên môn, chẳng ai biết gì về động đất, càng mù tịt về chuyện thủy điện với các công nghệ mới, công nghệ đầm lăn.

Bây giờ chuyện duy nhất chúng tôi làm được là báo cáo ngay lập tức tình hình rung chấn, tình hình rò rỉ, tình hình dân chúng và kêu cứu lên cấp trên. Chúng tôi cũng đã khảo sát, nắm tình hình thiệt hại của bà con trong vùng động đất, nhà nào nứt, nhà nào hỏng, nhà nào nguy hại để từ đó đề xuất tỉnh xin kinh phí hỗ trợ bà con. Nhưng nói thiệt, nếu mình nói suông miết mà không có chứng cứ hoặc cứ an ủi theo kiểu vô căn cứ thì dân không tin. Dân không tin mình thì làm sao lãnh đạo, điều hành được?

* Ông kỳ vọng gì ở các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn trong lần khảo sát này?

- Sự trung thực. Mong mỏi nhất của chính quyền huyện và người dân là các nhà khoa học khảo sát động đất cũng như kiểm tra công trình đập có kết luận thật khoa học và chính xác. Làm chậm cũng được nhưng phải chắc, đoán đúng bệnh để người dân có hướng xử lý.

Phải nghiên cứu kỹ rằng đây có phải là động đất kích thích do thủy điện tích nước gây ra hay do động đất tự nhiên. Rung chấn ngày càng mạnh, thậm chí gần tiệm cận với mức chịu đựng tối đa của đập chứa nước, nhưng các nhà khoa học cho rằng động đất kích thích thì sẽ giảm dần theo thời gian. Thực tế những gì diễn ra khiến bản thân tôi không thể không hoài nghi. Chính tôi còn lo sợ huống chi người dân.

* Mùa mưa lũ đến gần, hàng triệu mét khối nước treo lơ lửng trên đầu, chính quyền huyện có phương án gì chưa?

- Chúng tôi đã thống nhất kiến nghị phải tích nước theo từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn chúng ta đánh giá lại sức chịu đựng của đập rồi mới tích nước ở giai đoạn tiếp theo. Tôi cũng kiến nghị thẳng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phải họp báo ngay tại địa phương để người dân có thông tin.

Ngoài chuyện họp báo, đại diện của dân địa phương phải được đi thực tế khảo sát đường hầm bờ đập. Chỉ có người dân thấy, rồi dân nói với dân mới dễ “thấm”, mình nói họ nghi chưa thiệt. Chúng tôi đã có phương án tránh lũ được với đầy đủ kịch bản nhưng chưa công bố với dân. Các tọa độ cao điểm, các ngọn đồi quanh đây chúng tôi đều đánh dấu hết. Khi có biến cố, hễ báo động là người dân biết chạy đi nơi đâu.

Bà Dương Thị Thuyền, người dân sống dưới chân đập thủy điện: Bán nhà chẳng ai mua...

XcVv0bQN.jpgPhóng to
Nằm sát mé Sông Tranh, cách đập chắn thủy điện Sông Tranh 2 chưa đầy 500m, hàng loạt nhà của người dân thôn Trà Tân đang bị cỏ mọc tận thềm, hoang hóa và cửa đóng im ỉm. Nhiều gia đình chuyển con cái, người thân về xuôi, còn rất ít người ở lại để giữ tài sản. Ngồi một mình trước hiên nhà, bà Dương Thị Thuyền (52 tuổi) tâm sự:

- So với cách đây 6-7 năm, khi thủy điện bắt đầu xây dựng, mọi thứ bây giờ thay đổi nhiều. Lúc đó, không ít gia đình kéo nhau về đây buôn bán, hi vọng đổi đời vì “lúa thóc đâu bồ câu ở đó”, nhưng ai ngờ lại có một ngày như hôm nay.

Hồi ấy, người dân được đền bù giải tỏa, có người tiền tỉ trong tay. Người sắm xe, người có tiền xuống thị trấn (thị trấn Trà My) mua nhà. Gia đình tôi buôn bán cũng được hơn. Khi chưa có thủy điện, gia đình chỉ có cái tiệm bán bánh mì nhỏ, sau này dựng được nhà, con cái ăn học đàng hoàng, người qua lại đông nên buôn bán đắt. Rồi thủy điện xây xong, công nhân kéo đi nơi khác, cuộc sống bắt đầu bớt chộn rộn, mọi thứ bình yên trở lại. Các khu tái định cư dịch chuyển xa hơn, người dân nơi đây cũng phân đi tứ tán, chúng tôi chỉ còn buôn bán cho người qua đường là chủ yếu. Nói chung được có mất có, nhưng giờ thấy mất nhiều hơn.

* Vậy từ khi xảy ra động đất và thủy điện rò rỉ nước, gia đình bà và láng giềng sống như thế nào?

- Đảo lộn hết chứ răng nữa. Nhà dưới nứt toác. Đêm ngủ thì nổ ầm ầm, có hôm đất rung chuyển cả ban ngày, nhất là mấy hôm gần đây. Mấy chị em hàng xóm cứ tụ tập hỏi nhau giờ tính răng? Ai biết răng mà tính, thôi kệ trời. Nói thì nói rứa nhưng cũng run.

Xăng, gạo, mắm muối, chăn màn, mì gói... nhà tôi chuẩn bị đầy đủ, mấy người trong xóm cũng tranh thủ mua một số hàng thiết yếu dự phòng. Con gái tôi gửi về nhà quen dưới xuôi để kịp khai giảng, còn hai vợ chồng tiếp tục bám trụ được chừng nào hay chừng nấy, không lẽ bỏ nhà mà đi. Còn nếu bán nhà thì không ai mua, vậy nên ở ráng thêm thời gian nữa, xem tình hình ra sao rồi tính.

Tiền tích cóp cả một đời buôn bán giờ chẳng lẽ bỏ hết à? Nhưng nói thiệt cũng không biết đi đâu. Về quê cũ thì đất đai đâu sinh sống, tiền đâu làm nhà, buôn có bạn, bán có phường, về đó rồi biết lấy gì sinh nhai. Con gái tôi đi học dưới xuôi, tôi mong nó học ra trường, tìm được công ăn việc làm, có tấm chồng rồi ở luôn dưới đó. Đừng theo cha mẹ quay về lại đây mưu sinh thì khổ đời, lo đủ thứ, chưa hết lo thủy điện xì nước lại thấy động đất nên lo hơn.

Hết rung đến nổ, thiệt tình sợ lắm, nhiều đêm ngủ nghe tiếng sấm mà cứ ngỡ động đất đến nơi, cả nhà choàng dậy mở cửa nhìn lên hướng núi rồi thức trắng đêm luôn. Người già thường suy nghĩ mông lung... Ngày xưa bom đạn nổ bên tai không hề sợ. Vậy mà giờ chỉ một tiếng nổ nhỏ thôi mà chân cũng đã run, tim đập nên chẳng biết thế nào là bình an.

* Nếu bây giờ gặp người của thủy điện, bà sẽ nói gì?

- Người thủy điện thì ngày nào họ cũng ra đây uống cà phê, uống nước. Dân như tôi giờ gặp mấy ông nớ thì biết nói chi. Họ cũng chẳng nói chi với tôi. Người dân chỉ mong chính quyền có tiếng nói với các cơ quan chức năng hỗ trợ cho dân trong vùng động đất sửa nhà cửa. Còn thủy điện thì cố mà làm cho ổn, nếu không làng xóm chúng tôi nguy lắm!

WU71iUzI.jpgPhóng to
Người dân mô tả hiện trạng động đất với cơ quan chức năng - Ảnh: TẤN VŨ

Ông Đinh Văn Thu (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam): Mong các nhà khoa học bắt đúng bệnh

Chiều 9-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết lãnh đạo tỉnh đang nóng lòng chờ kết quả của các nhà khoa học và mong muốn họ bắt được đúng bệnh sau những gì diễn ra ở thủy điện Sông Tranh 2. Băn khoăn lớn nhất là có phải đây là động đất kích thích do thủy điện tích nước hay do nguyên nhân khác. Nếu động đất vượt 4,2 độ Richter và vượt ngưỡng chịu đựng của đập 5,5 độ Richter thì tính như thế nào?

Theo ông Đinh Văn Thu, đoàn khảo sát đã chia làm ba mũi, một ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), một ở Hiệp Đức và một ở Bắc Trà My, tất cả đang thu thập dữ liệu. Ngoài ra còn có một đoàn các chuyên gia khác đang vào, dự kiến ngày 14-9 sẽ đến để tiếp tục nghiên cứu. “Căn cứ kết quả của các nhà khoa học, chính quyền tỉnh mới có phương án cụ thể. Tỉnh cũng nghĩ đến nhiều phương án, nhưng trước mắt phải có thông tin để an dân và từ đó giải quyết căn cơ vấn đề” - ông Thu nói.

Trám trét ximăng trong đường hầm

Hơn sáu tháng kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra sự cố rò rỉ nước, ngày 9-9 lần đầu tiên đơn vị tổng thầu thi công công trình đã mở cửa đường hầm cho phóng viên vào quan sát.

Từ cửa chính phía đường hầm, các phóng viên được dẫn vào hầm theo một lối rẽ nhỏ để vào đường hầm chính, còn gọi là đường hầm số 1, ở cao trình 95m. Đường hầm rộng hơn 3m, cao hơn 2m, dài gần 2km, được thiết kế theo nhiều bậc tam cấp. Hiện có hơn 10 công nhân đang thi công giai đoạn cuối cùng của đường hầm. Bên trong đường hầm, công nhân đang trám trét ximăng ở rãnh nước dọc hai bên tường hầm. Một số công nhân trám các lỗ hỏng hóc trên trần hầm và dọn vệ sinh hoàn thiện.

Ông Võ Duy Minh, giám đốc ban điều hành tổng thầu, cho hay khoảng một tuần nữa mọi việc trong đường hầm sẽ hoàn tất. Hiện các cột nước chảy thành dòng như trước đây không còn nhìn thấy. Tuy nhiên, một số dòng nước vẫn còn chảy dọc hai rãnh của đường hầm. Ông Minh dùng máy đo dòng nước cuối cùng thoát ra ngoài và cho thông số 2,56 lít/giây.

Ông khẳng định những trận động đất vừa qua không ảnh hưởng đến thân đập cũng như quá trình khắc phục sự cố rò rỉ nước.

Trần Anh Tuấn (phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên