25/08/2012 07:30 GMT+7

Đà Nẵng phải nghiêm chỉnh thực hiện Luật cư trú

LÊ KIÊN - HỮU KHÁ
LÊ KIÊN - HỮU KHÁ

TT - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ vừa chủ trì cuộc họp liên ngành với sự tham gia của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Tư pháp, phó chủ tịch HĐND và giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng để thảo luận nội dung trong nghị quyết số 23 năm 2011 của HĐND TP Đà Nẵng.

Kết luận của hội nghị yêu cầu TP Đà Nẵng phải sửa quy định “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự”.

Công văn báo cáo kết quả cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: ý kiến chung tại cuộc họp cho rằng quy định này của HĐND TP Đà Nẵng không có cơ sở pháp lý và trái với quy định của pháp luật về cư trú; là một hình thức hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Các đại biểu còn cho rằng: “Nếu TP Đà Nẵng thấy quá trình thực hiện Luật cư trú có những điểm chưa phù hợp thì cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Trong khi các quy định chưa được sửa đổi, bổ sung thì vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện”.

Trước mắt, thường trực HĐND TP Đà Nẵng cần có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng theo hướng thực hiện nghiêm các quy định của Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công dân có đủ điều kiện nhập khẩu thường trú theo quy định của Luật cư trú phải được tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu và không có hạn chế, cản trở nào. Công văn viết: “Trường hợp HĐND TP Đà Nẵng không chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đúng Luật cư trú và có văn bản thông báo với Bộ Tư pháp trong thời hạn một tuần, Bộ Tư pháp sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đình chỉ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ nội dung sai trái nêu trên”.

Chiều 24-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho biết quan điểm của TP là không muốn “nói qua nói lại”. Theo ông Thanh, qua thực tế thực hiện quy định của HĐND TP Đà Nẵng cho thấy đang hứa hẹn đem lại nhiều điều tốt hơn cho đời sống xã hội.

“Hiện chúng tôi chưa có ý kiến gì xung quanh việc này, nghị quyết HĐND là sự thống nhất của một tập thể và sau này nếu Thủ tướng có ý kiến dừng thì chúng tôi dừng, còn muốn bác bỏ một nghị quyết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền. Trường hợp nội dung nêu trên của nghị quyết 23 bị bác bỏ, HĐND TP Đà Nẵng sẽ dựa vào Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 để bàn thảo ra nghị quyết về phân bổ dân cư cũng với những nội dung và mục đích tương tự” - ông Thanh nói.

LÊ KIÊN - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên