18/08/2012 06:08 GMT+7

Bỏ nhiều quy định về cơ chế đặc thù

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Sau khi Quốc hội khóa XII không thông qua dự án Luật thủ đô hồi tháng 3-2011, Chính phủ đã chuẩn bị lại dự án này và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 17-8. Nội dung dự luật được đánh giá là “hợp lý hơn” sau khi bỏ đi nhiều quy định về cơ chế đặc thù so với trước, ngay cả quy định về siết chặt nhập cư cũng “thoáng” hơn.

HjuYZ4BP.jpgPhóng to
Người nhập cư mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh: châu anh

Theo dự luật (mới), điều kiện để đăng ký thường trú tại các quận nội thành Hà Nội là “có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ ba năm trở lên”, các huyện ngoại thành vẫn áp dụng theo Luật cư trú.

Không cần lập lực lượng chuyên trách chống khủng bố

Chiều 17-8, trung tướng Tô Lâm - thứ trưởng Bộ Công an - đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật phòng chống khủng bố.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi xảy ra khủng bố phải có sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau. Vì vậy, không cần thiết quy định lực lượng chuyên trách, mà chỉ quy định lực lượng chủ đạo chống khủng bố.

HĐND TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền tối đa gấp hai lần mức quy định chung đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng; được quy định mức thu phí, lệ phí ở nội thành cao hơn nhưng không quá hai lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải.

Giải thích về các cơ chế đặc thù, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng Hà Nội hiện đang chịu áp lực rất lớn về sự di cư cơ học vào nội thành. “Có ý kiến cho rằng người ta vào làm việc tạm thời thì không thể hạn chế, nhưng thực tế đang ảnh hưởng rất lớn tới giao thông, trật tự. Vì vậy việc nhập cư, tạm trú hoặc cư trú ổn định cần phải có những quy định từ phía chính quyền đô thị” - ông Thảo nói. Theo ông Thảo, việc xử phạt hành chính cao hơn cũng nhằm vào mục đích răn đe tốt hơn.

Ý kiến của ông Thảo nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển và của cơ quan thẩm tra là thường trực Ủy ban Pháp luật. “Tuy nhiên, dự thảo luật cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành; giảm bớt việc xây dựng nhà ở cao tầng trong nội thành... mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Riêng quy định cho phép Hà Nội thu phí tối đa gấp hai lần mức chung khiến một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn. “Thu phí cao hơn ở nơi được đầu tư cao hơn là phù hợp, nhưng Hà Nội có không ít bộ phận công chức, lao động có thu nhập rất thấp, đặc biệt là cán bộ hưu trí thì cần phải cân nhắc” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu quan ngại.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên