18/07/2012 13:22 GMT+7

Nhiều bộ ngành, địa phương sai phạm tiền tỉ

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Sáng 18-7, Kiểm toán nhà nước họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách 2010. Nhiều địa phương đã có sai phạm như dùng tiền thu từ đất đai để chi thường xuyên, miễn giảm thuế sai quy định…

CaLAnfaO.jpgPhóng to

Theo Kiểm toán nhà nước, EVN đã chưa hạch toán để giảm giá thành nhiều nguồn như cho thuê cột điện, tiền nhượng bán vật tư sản xuất kinh doanh điện... Trong ảnh: công nhân EVN vận hành nguồn điện, sửa chữa đường dây - Ảnh C.V.K.

Bộ Công thương, Bộ Giáo dục Đào tạo thu học phí vượt quy định

Theo KTNN, năm 2010, thu ngân sách nhà nước vượt cao. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về chi ngân sách, nhiều địa phương đã có sai phạm, điển hình là các lỗi khá “quen” như: ban hành giá cho thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất với một số dự án chưa phù hợp quy định. Đặc biệt, có chuyện một số địa phương còn tính thiếu tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách, miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định, xét giao đất không qua đấu giá… đã gây thất thoát thu ngân sách nhà nước.

Theo KTNN, năm 2010, tổng thu ngân sách đạt trên 588 ngàn tỷ đồng, vượt tới 27,5% dự toán. Trong đó thu tiền sử dụng đất vượt tới 114%. Tổng chi ngân sách năm 2010 đạt trên 648 ngàn tỷ, vượt 11,4% dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách, theo KTNN đạt 23,6% GDP.

Ngay một số bộ, ngành cũng chưa khắc phục được những sai sót từ năm trước trong quản lý thu nên đã thu nhiều khoản vượt quy định. KTNN nêu đích danh Bộ Công thương đã thu học phí vượt mức quy định tới 146,5 tỷ đồng, Bộ Giáo dục Đào tạo thu học phí vượt quy định 59,1 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM thu vượt trên 37 tỷ. Bộ Giáo dục Đào tạo cũng thu ngoài chế độ tới gần 36 tỷ, Đại học Quốc gia TP.HCM thu ngoài chế độ gần 10 tỷ, Đại học Quốc gia Hà Nội thu ngoài chế độ 2,6 tỷ…

Về quản lý chi ngân sách nhà nước, KTNN nêu con số giật mình: 34/34 tỉnh, thành được kiểm toán đều chi vượt dự toán chi thường xuyên được HĐND các tỉnh, thành giao đầu năm. Trong đó, có 8/34 tỉnh thành có mức vượt tới trên 25%. Đáng lưu ý, các tỉnh thành đã dùng tới gần 800 tỉ tiền tăng thu từ thu tiền sử dụng đất, tiền dùng để cải cách tiền lương… để chi thường xuyên sai quy định.

Về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, KTNN cho biết 18/34 địa phương quản lý tài sản thiếu chặt chẽ, để xảy ra sai phạm như mua sắm tài sản không đúng quy định Luật Đấu thầu, chưa ban hành quy chế sử dụng tài sản công theo quy định, chưa theo dõi đầy đủ tài sản cố định. Điển hình là Cần Thơ mua tài sản không đúng Luật Đấu thầu, trang bị tài sản không cần thiết, Đồng Tháp có 364 trên 367 ô tô cần theo dõi…

Về nợ công, KTNN cho biết tính đến hết 2010, nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại của Việt Nam đã tương đương 11,2 tỷ USD. Tính đến 31-12-2010, dư nợ nước ngoài của quốc gia đã bằng 42,2% GDP. Nợ Chính phủ bằng 44,6% GDP…

Về chuyên đề quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước và quản lý sử dụng, quyết toán quỹ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM, KTNN cho biết công tác quản lý, sử dụng, cho thuê, bán nhà của TP.HCM đã thực hiện theo các quy định, đã bán được gần 98% số nhà đủ điều kiện bán. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như: quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước chưa chặt chẽ, còn để tình trạng thuê để sản xuất kinh doanh sai mục đích, người thuê nhà vi phạm hợp đồng, cơ quan chức năng không thu được tiền cho thuê nhà. Ngoài ra, việc quản lý giá cho thuê còn thiếu chặt chẽ, gây thất thu ngân sách, một số đơn vị đã thuê nhà để cho thuê lại ăn chênh lệch.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước kê khai thuế không đủ

Về kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), KTNN khẳng định 11/21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động chủ yếu trên cơ sở vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó có doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, có doanh nghiệp huy động, sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối.

Một số doanh nghiệp, theo KTNN,

Đặc biệt, KTNN cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã không hạch toán đầy đủ các khoản thu, trong đó có các nguồn thu khá lớn có thể giảm giá thành điện như: thu cho thuê cột điện, thu từ thanh lý, nhượng bán vật tư sản xuất kinh doanh điện, lãi từ hoạt động tài chính… KTNN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo EVN phải hạch toán các khoản này để giảm giá thành điện.

chi khuyến mãi, tuyên truyền quảng cáo lớn trong khi hiệu quả chưa rõ ràng, xây dựng kế hoạch tiền lương chưa gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách thì đa số DNNN kê khai các khoản phải nộp chưa đầy đủ. Số thuế và các khoản còn phải nộp ngân sách đến ngày 31-12-2010 của các tập đoàn, tổng công ty đã được KTNN xác định phải nộp thêm lên tới trên 7500 tỷ, trong đó phần kiến nghị phải nộp tăng thêm tới 545 tỷ.

Các tập đoàn, tổng công ty đang sử dụng số lượng lớn đất đai nhưng KTNN cho rằng nhiều doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, xây dựng không đúng quy hoạch.

Kết quả chung, KTNN đề nghị xử lý tài chính tới 21,7 ngàn tỷ, trong đó có tăng thu trên 3200 tỷ, giảm chi trên 2100 tỷ, nợ đọng phát hiện thêm trên 1200 tỷ, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách lên tới trên 14 ngàn tỷ. KTNN cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm được nêu.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên