12/07/2012 08:01 GMT+7

Kỳ họp HĐND TP.HCM: 5 yếu tố cản trở kinh doanh

Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu (bí thư Thành đoàn TP.HCM)
Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu (bí thư Thành đoàn TP.HCM)

TT - Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM, các đại biểu đã nghe tám tờ trình của UBND TP, báo cáo thẩm tra của các ban chuyên trách HĐND TP.

Vấn đề kinh tế được đề cập, như quyền cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Đức Trí, có năm yếu tố cản trở doanh nghiệp kinh doanh.

8rCL75tt.jpgPhóng to
Đại biểu Võ Văn Sen, thuộc tổ thảo luận số 3, phát biểu ý kiến chiều 11-7 - Ảnh: M.ĐỨC

Tại ngày khai mạc, Ủy ban MTTQ TP.HCM gửi thông báo đến kỳ họp, lưu ý dư luận đang bức xúc trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, việc quản lý lao động, thương nhân nước ngoài lỏng lẻo gây thiệt hại quyền lợi của xã hội. Tình trạng thất thoát lớn ở hai tập đoàn kinh tế lớn là Vinalines và Vinashin chưa thấy xử lý người có thẩm quyền, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng cao cộng với giá điện tăng góp phần nhân lên sự khó khăn...

Kinh doanh thua lỗ, khó khăn

Bức xúc vì quy hoạch “treo”

Quy hoạch “treo” là vấn đề bức xúc nhất, bị cử tri than phiền nhiều nhất trong các lần mà tổ đại biểu của tôi tiếp xúc cử tri ở quận 7. Lần tiếp xúc gần đây trước kỳ họp này có tới 12/13 ý kiến cử tri phản ảnh về quy hoạch “treo”.

Tôi đề nghị thành phố phải nhanh chóng công bố các quy hoạch mới, rà soát lại tính thiết thực của các dự án. Cái nào không cần thiết nữa thì bỏ ra để xóa quy hoạch “treo”.

Và việc rà soát này cũng cần được coi là một “quy hoạch” cụ thể, không được “treo” mà phải có mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Đại biểu Đinh Phương Duy (tổ đại biểu Q.Bình Thạnh) đề nghị đưa ra những dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM từ nay đến cuối năm để có giải pháp phù hợp và đòi giải thích rõ nguyên nhân tại sao hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) phải “khai tử”.

Còn đại biểu Trần Trọng Dũng (Q.8) tán thành chủ trương tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN, và cho biết nhiều DN phản ảnh gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay do không có tài sản thế chấp.

Ông Nguyễn Đức Trí - quyền cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM - cho biết kết quả điều tra của cục vào tháng 4-2012 cho thấy gần 62% DN phá sản, giải thể là do sản xuất kinh doanh thua lỗ, 29% do thiếu vốn sản xuất, số còn lại gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm... Ông Trí dẫn số liệu điều tra cho thấy nhiều DN phải vay với lãi suất bình quân 19%/năm. Và có 73% DN được hỏi cho rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 14%.

Ông Trí nêu năm yếu tố cản trở lớn nhất tới kinh doanh của DN: lạm phát cao và biến động bất thường là yếu tố cản trở hàng đầu, kế đến là lãi suất vay vốn quá cao, tiếp cận nguồn vốn khó khăn, chính sách điều hành kinh tế không ổn định, chi phí vận tải cao. Tại thời điểm điều tra, có tới 41% DN được hỏi dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh do thị trường trong nước giảm và một số khó khăn khác. Cộng đồng DN mong muốn cải thiện các yếu tố như ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất vay vốn hợp lý, ổn định giá điện...

Đề nghị giảm phí giữ xe

Trong số các tờ trình của UBND TP, tờ trình tăng mức phí trông giữ xe thu hút khá nhiều ý kiến. Đại biểu Lê Thị Bình Minh - phó giám đốc Sở Tư pháp TP - cho rằng mức phí trông giữ xe đề xuất khá cao so với đời sống của người dân nên cần điều chỉnh xuống mức phù hợp vì phí giữ xe máy, xe điện thuộc nhóm 2, 3 lên tới 9.000-11.000 đồng/lượt ngày đêm.

Đại biểu Trịnh Xuân Thiều (Q.Phú Nhuận) cho rằng nếu mức phí giữ xe tăng cao quá sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người dân nghèo. “Mức phí đề xuất đối với ôtô là hợp lý, nhưng với mức phí giữ xe máy, xe điện như vậy là cao trong khi đây là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Người dân nghèo vốn đã có rất ít điều kiện tiếp cận với các dịch vụ văn hóa, giải trí, nay nếu tăng phí giữ xe quá cao sẽ tác động tới điều kiện tiếp cận các dịch vụ này của người dân” - ông Thiều đặt vấn đề.

Cho ý kiến về phí trông giữ xe tại các chung cư người thu nhập thấp, Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP kiến nghị với xe đạp, xe đạp điện không tăng phí, giữ mức 30.000 đồng/xe/tháng, thay vì tăng lên 50.000 đồng/xe/tháng như đề xuất của UBND TP. Tương tự, với xe máy, xe điện giữ mức 100.000 đồng/xe/tháng, thay vì tăng lên 150.000 đồng/xe/tháng.

Đề nghị đóng cửa cơ sở y tế không xử lý nước thải

Một vấn đề dân sinh đã từng “nóng” qua nhiều kỳ họp HĐND là xử lý nước thải y tế cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo báo cáo của Sở Y tế tại kỳ họp, đến tháng 6-2012, có 20/31 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, 11/20 bệnh viện tuyến trung ương tại TP và 10/24 bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện đạt tiêu chuẩn về xử lý nước thải y tế. Các bệnh viện còn lại vẫn đang trong quá trình nâng cấp.

Tiến độ này, theo đại biểu Huỳnh Công Hùng - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP, là còn rất chậm khi tại kỳ họp trước HĐND TP đã ra quyết nghị yêu cầu 100% cơ sở y tế, bệnh viện phải nhanh chóng đạt chuẩn xử lý nước thải y tế. Ông Hùng cho rằng ngay tại kỳ họp này, ngành y tế TP phải nói rõ sẽ đạt được con số đã nêu trong quyết nghị ấy bằng cách nào, lúc nào chứ không thể để nước thải y tế, tình trạng này kéo dài.

Đại biểu Trần Trọng Dũng tán thành biện pháp chế tài các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh không có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Theo UBND TP, với các phòng khám tư nhân, đến tháng 9-2012, nếu không đảm bảo yêu cầu xử lý nước thải y tế sẽ bị tạm đóng cửa đến khi xử lý nước thải đạt yêu cầu.

Hỗ trợ 150 triệu đồng cho một bác sĩ về Đồng Nai làm việc

Ngày 11-7, HĐND tỉnh Đồng Nai tiếp tục thảo luận, xem xét một số nội dung cử tri quan tâm. Trong đó có vấn đề giá cả, mức giá dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đáng lưu ý là việc UBND tỉnh đề xuất mức tiền hỗ trợ để thu hút bác sĩ, dược sĩ về làm việc tại Đồng Nai... Theo đó, mức hỗ trợ này sẽ từ 30-150 triệu đồng/người.

Bến Tre: hỗ trợ người trồng dừa 1,5 triệu đồng/ha

HĐND tỉnh Bến Tre đã họp và quyết định xuất ngân sách gần 80 tỉ đồng để hỗ trợ hàng trăm ngàn hộ dân trồng dừa đang khốn đốn vì giá dừa ở mức thấp nhất từ trước đến nay. HĐND tỉnh chấp thuận đề nghị hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha, hình thức hỗ trợ bằng phân bón để chăm sóc vườn dừa chờ thời điểm giá dừa phục hồi sẽ có để bán. Ngay trong tháng 8-2012 tỉnh sẽ chi 50% cho dân, đầu năm 2013 tiếp tục chi 50% còn lại. Tỉnh Bến Tre hiện có 53.000ha dừa, đứng đầu cả nước về sản lượng dừa.

Long An: quyết liệt thu hồi dự án “treo”

Báo cáo tại kỳ họp HĐND giữa năm, UBND tỉnh Long An cho biết đã rà soát tất cả dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh và quyết định thu hồi 28 dự án “treo” quá lâu dẫn đến gần 3.000ha đất của dân cũng bị “treo” theo. Các dự án này được nhà đầu tư trả lời không có khả năng tài chính để thực hiện. Như vậy chỉ trong vòng một năm, tỉnh Long An đã thu hồi tới 57 dự án khu công nghiệp và khu dân cư, tái định cư chậm thực hiện. Trong số này có dự án khu công nghiệp rộng 461ha tại xã Long Cang và Long Định (huyện Cần Đước) do Công ty CP Đồng Tâm đầu tư cũng đã thu hồi. Theo UBND tỉnh, diện tích dự án phần lớn là đất trồng lúa nên sẽ rà soát xem có tiếp tục quy hoạch công nghiệp nữa hay không.

Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Long An cho rằng UBND tỉnh có tích cực chỉ đạo tập trung thu hồi chủ trương đầu tư đối với một số dự án “treo”. Tuy nhiên, do chưa xóa quy hoạch nên quyền lợi người dân trong vùng dự án tiếp tục bị hạn chế, nhất là quyền thụ hưởng các chế độ chính sách xã hội, hạ tầng cơ bản không được đầu tư. HĐND tỉnh yêu cầu sáu tháng cuối năm UBND tỉnh phải tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, xem xét xóa quy hoạch những dự án chưa có điều kiện triển khai thuộc đất trồng lúa.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tập trung cho dân sinh và doanh nghiệp

Sáng 11-7, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa V đã khai mạc kỳ họp lần thứ tư. Tại kỳ họp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: trong sáu tháng đầu năm 2012, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn nên các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tăng thấp so với chỉ tiêu đề ra của cả năm.

Trong sáu tháng cuối năm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp; gia hạn, miễn, giảm các loại thuế cho doanh nghiệp, cá nhân; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư... Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ hoàn thành đề án thành lập khu công nghiệp chuyên sâu để phát triển công nghiệp hỗ trợ với các đối tác Nhật Bản và đề xuất thành lập trung tâm logistics - hai thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.

Ông Trần Thanh Bình, phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tại kỳ họp lần này sẽ thảo luận, chất vấn những vấn đề liên quan đến dân sinh và doanh nghiệp.

Cụ thể, việc ô nhiễm môi trường chưa giảm, công tác quản lý bị buông lỏng để doanh nghiệp xây nhà máy không phép gây ô nhiễm, thủ tục đầu tư còn kéo dài, nhiều dự án đầu tư chưa hoặc không triển khai gây khó khăn cho người dân trong đầu tư sản xuất và không được thực hiện các quyền mà Luật đất đai quy định. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân còn chậm, giải quyết không dứt điểm gây bức xúc không cần thiết cho người dân...

Kỳ họp sẽ kết thúc vào ngày 13-7.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu (bí thư Thành đoàn TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên