30/06/2012 06:08 GMT+7

Người uống nước mặn, lúa chết khát

Nhóm PV ĐÀ NẴNG
Nhóm PV ĐÀ NẴNG

TT - Những ngày qua, người dân vùng hạ du sông Vu Gia (gồm Đà Nẵng và Quảng Nam) phải quay quắt đương đầu với tình trạng thiếu nước sinh hoạt lẫn nước sản xuất.

eyYyELGX.jpgPhóng to
Người dân ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) phải mua nước bình hoặc múc nước giếng về uống do nước máy bị nhiễm mặn - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nguyên nhân do nắng nóng liên tục kéo dài trong những ngày qua, cộng với việc nước từ thượng nguồn do các nhà máy thủy điện xả về quá ít.

Nước máy nhiễm mặn

Tại xã Điện Minh (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) mỗi ngày có hàng mấy trăm lượt người dân phải xếp hàng tại giếng nước khơi ở thôn Bồng Lai để chở nước về nhà uống. Người dân cho biết nước máy mặn chát không thể uống nên phải đi múc nước giếng về sử dụng.

Thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) là nơi thiếu nước ngọt nặng nhất do nguồn nước sông bị nhiễm mặn. Bà Phan Thị Giỏi (thị trấn Vĩnh Điện) ngao ngán nói: “Nước máy nhiễm mặn uống đắng họng nhưng vẫn phải trả tiền 5.000 đồng/m3. Nhiều khi uống không nổi lại bỏ tiền ra mua nước bình về dùng. Làm ruộng mà đến nước uống cũng đi mua thì chịu sao cho thấu”. Ông Võ Hiền - phó giám đốc Nhà máy nước Vĩnh Điện - nói trước đây thường tháng 7, 8 nước sông mới nhiễm mặn, còn giờ mới tháng 6 nước mặn đã thâm nhập sâu vào đất liền. Khi nồng độ mặn vượt quá ngưỡng cho phép, nhà máy phải dừng hoạt động. Theo ông Hiền: “Do phía thượng nguồn các nhà máy thủy điện lấy nước của sông Vĩnh Điện nên mới xảy ra tình trạng này”.

Những ngày qua, Nhà máy nước Hội An (Quảng Nam) cũng phải hoạt động cầm chừng. Ông Ngô Đức Liêm - giám đốc Xí nghiệp cấp thoát nước Hội An - cho biết do nước nhiễm mặn nên nhà máy nước mỗi ngày chỉ chạy được 4-5 giờ. “Người dân và du khách phải dùng nước nhiễm mặn rất khổ nhưng chúng tôi cũng không có biện pháp gì để rửa mặn vì nước trên thượng nguồn không về” - ông Liêm cho hay. Theo ông Tôn Thất Du - phó giám đốc Xí nghiệp Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung ứng nước chính cho toàn TP Đà Nẵng, nước sông Cầu Đỏ năm nay mặn chưa từng thấy. Nếu năm 2011 độ mặn cao nhất ở sông này được ghi nhận là 1.080mg/lít thì vào cuối tháng 6, độ mặn được ghi nhận lên đến 2.100mg/lít, trong khi độ mặn cho phép để sản xuất nước chỉ 200-250mg/lít.

Lúa chờ nước

Trên đồng ruộng, hàng ngàn hecta lúa cũng đứng trước nguy cơ chết cháy do thiếu nước ngọt. Trạm thủy nông Vĩnh Điện với 14 máy bơm (mỗi máy 1.000m3/giờ) phải tạm dừng hoạt động ba ngày nay do nồng độ mặn trong nước quá cao. Trạm này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới tiêu cho 730ha lúa của thị trấn Vĩnh Điện, tạo nguồn nước cho hồ La Nghi (Hội An) cung cấp cho 330ha đất nông nghiệp. Vì vậy, khi trạm này “tê liệt”, cả ngàn hecta lúa liêu xiêu theo.

Trạm bơm Tứ Câu cung cấp nước cho 250ha lúa của xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) và phường Hòa Quý (Đà Nẵng) và trạm bơm Cẩm Sa cung cấp nước cho 100ha đất nông nghiệp của xã Điện Nam Bắc (huyện Điện Bàn) cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông Trần Văn Xuân - trưởng Trạm thủy nông Vĩnh Điện (quản lý hai trạm trên), nước nhiễm mặn đến sớm hơn 15 ngày, hiện lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh nhưng không có nước ngọt để bơm lên tưới ruộng. “Lúa của bà con thiếu nước chúng tôi cũng xót xa lắm nhưng biết làm sao được. Nếu 10-15 ngày nữa mà không có nước ngọt thì tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ cực kỳ trầm trọng. Thủy điện không xả nước nên chúng tôi chỉ còn biết trông vào trời” - ông Xuân chia sẻ.

Chiều 29-6, ông Huỳnh Vạn Thắng - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng - cho biết: một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn nước các sông hạ lưu Vu Gia bị nhiễm mặn là do nước từ thượng nguồn đổ về quá ít, trong đó phải kể đến việc thủy điện Đăk Mi 4 chuyển dòng chảy từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn. Cách đây hai năm, chính quyền TP Đà Nẵng đã khiếu nại lên Chính phủ đề nghị buộc Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 phải trả nước cho sông Vu Gia ít nhất 48m3/giây nhưng sau đó phía nhà máy chỉ đồng ý trả 25m3/giây, đã vậy lúc trả lúc không. Sắp tới TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục khiếu nại để phía thủy điện Đăk Mi 4 phải trả nước cho hạ lưu.

Không thể xả nước nhiều hơn

Chiều 29-6, ông Đỗ Xuân Yến, trưởng ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, cho biết hiện đơn vị vẫn xả liên tục nước về sông Đăk Mi từ 5-7m3/giây. Theo ông Yến, trước đó do nhu cầu sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu, tỉnh Quảng Nam có đề nghị xả lượng nước lớn hơn, chia sẻ với địa phương để phục vụ nông dân gieo sạ. Từ ngày 15-5 đến 10-6, nhà máy xả bình quân 18m3/giây. “Trong điều kiện hiện nay lưu lượng nước về hồ chỉ đạt bình quân 12-22m3/giây, chúng tôi không thể xả lớn hơn nữa mà chỉ duy trì xả khoảng 7m3/giây qua cống xả sâu. Còn về yêu cầu xả 25m3/giây thì chúng tôi chưa bao giờ nhận được. Và nói thật, nhà máy không thể xả một lưu lượng nước lớn như thế vì nếu xả với mức như vậy thì nước còn đâu để phát điện” - ông Yến nói.

Nhóm PV ĐÀ NẴNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên