21/06/2012 07:47 GMT+7

Góp đá xây Trường Sa: Lan tỏa sức mạnh

L.S.
L.S.

TT - Góp đá xây Trường Sa – một chiến dịch truyền thông - đã trở thành cuộc vận động rộng khắp mọi miền đất nước hướng về biển Đông bằng những tấm lòng, những hành động thiết thực.

“Gục ngã” trên đống tài sản đã nói thay nỗi lòng doanh nghiệp. Hai tuyến bài lớn trên báo Tuổi Trẻ đã gây hiệu ứng xã hội tích cực và được trao tặng giải nhất Giải báo chí TP.HCM năm 2012.

22k53WrV.jpgPhóng to
Các đoàn viên, thanh niên và chiến sĩ hải quân chuyển đá lên tàu ra đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động - Ảnh: Thuận Thắng

Đã hơn một năm từ ngày báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” (ngày 16-5-2011), danh sách đóng góp vẫn ngày một dài thêm, những con số tăng lên từng ngày. Tính đến thời điểm này, bạn đọc đã đóng góp hơn 44 tỉ đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.

Những đóng góp và sẻ chia vẫn cứ như những đợt sóng ngầm ở khắp mọi nơi trên đất nước.

Đầy cảm xúc

“Tiếp sức mùa thi” cho con chiến sĩ Trường Sa

Báo Tuổi Trẻ sẽ dành phần giá trị hai giải thưởng báo chí của “công trình tập thể Góp đá xây Trường Sa” để hỗ trợ con em cán bộ chiến sĩ Trường Sa đi thi ĐH ở khu vực TP.HCM. Các thí sinh được tặng quà, bố trí chỗ ở miễn phí và hỗ trợ đưa đón đến địa điểm thi.

Năm 2010, khi loạt bài "DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa" đoạt giải nhất báo chí TP.HCM lần thứ 28 và giải B báo chí quốc gia năm 2009, báo Tuổi Trẻ cũng thực hiện chương trình Tiếp sức mùa thi cho con chiến sĩ DK1.

Anh Lương Huỳnh Việt Thắng (phó bí thư Đoàn trường, chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Tây Nguyên) khẳng định: “Góp đá xây Trường Sa là điểm nhấn lớn của Tuổi Trẻ trong lòng bạn đọc. Sự lan tỏa của chương trình diễn ra rất tự nhiên và đầy cảm xúc. Sau khi đọc loạt bài “Một thời vác đá xây Trường Sa”, “Nhật ký Trường Sa”, SV trường tôi đã dành những tình cảm rất đặc biệt cho chương trình Góp đá xây Trường Sa”. Thế nên ngay khi báo Tuổi Trẻ mới phát động chương trình, Đoàn Trường ĐH Tây Nguyên đã phát động đoàn viên, SV thực hiện phong trào “Nuôi heo đất góp đá xây Trường Sa” và nhận được sự tham gia nhiệt tình của các chi đoàn.

Và khi Tuổi Trẻ tổ chức đêm hội “Góp đá xây Trường Sa” tại Trường ĐH Tây Nguyên, đã có hơn 10.000 SV và giáo viên tham dự. Anh Thắng kể: “Đêm hội đó đã tạo nên hiệu ứng rất lớn. Sinh viên và các thầy cô hỏi chúng tôi rằng Đoàn trường có tiếp tục tham gia “Góp đá xây Trường Sa” hay không? Nếu có thì bằng cách nào để tất cả có thể cùng góp được nhiều “đá” hơn?”.

Theo anh Thắng, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã tạo ra sự chuyển biến rõ ràng trong nhận thức và tình cảm của SV dành cho biển đảo quê hương. Trong tuần sinh hoạt chính trị công dân đầu khóa, trường đã đưa ra nội dung chủ quyền biển đảo và tình hình khu vực biển Đông, SV lắng nghe rất chăm chú, đặt nhiều câu hỏi.

Không chỉ ở trường, ở nhà người thân trong gia đình của anh Thắng cũng dành tình cảm cho chương trình. Anh bảo: “Cả nhà tôi đã tham gia chương trình nhiều lần và vẫn thấy cần phải đóng góp nhiều hơn nữa. Khi tôi làm chương trình “Góp đá xây Trường Sa” ở trường, bố mẹ tôi cũng góp lương hưu cho Trường Sa”.

Sự lan tỏa ấy còn dễ dàng bắt gặp ở nhiều doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên văn phòng với nhiều hình thức góp đá đa dạng. Tháng 3-2012, Công ty cổ phần Đồng Tâm có một cách làm khá mới để hưởng ứng và ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” khi cho ra sản phẩm gồm hai loại gạch Hoàng Sa và Trường Sa, được lát cùng nhau như hai vùng biển đảo không thể tách rời trong chủ quyền của Việt Nam để phát động chương trình “Cùng Đồng Tâm góp đá xây Trường Sa”.

Theo đó, cứ mỗi mét vuông gạch bán được sẽ đóng góp 20.000 đồng cho chương trình. Chương trình này được đồng loạt triển khai tại 25 văn phòng, chi nhánh và các cửa hàng cộng tác của Đồng Tâm Group trên 63 tỉnh thành cả nước và tại các nhà máy. “Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng. Đến nay chúng tôi đã có gần 270 triệu đồng góp vào quỹ Góp đá xây Trường Sa” - ông Nguyễn Hứa Thiên Giao, phó giám đốc khối nghiên cứu và phát triển Công ty cổ phần Đồng Tâm, cho biết.

Ya8t9QYg.jpgPhóng to
5.000 sinh viên học sinh hào hứng tham gia chương trình đêm giao lưu "Góp đá xây Trường Sa" tại ĐH Cần Thơ tối 17-3 - Ảnh: Thuận Thắng

Mở đợt góp đá mới

Đó là khẳng định và là tâm nguyện của rất nhiều bạn đọc đã đến với chương trình này. Sau chuyến đi Trường Sa và tham gia lễ khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” tại đảo Đá Tây A (tháng 5-2012), anh Việt Thắng đã đưa lên website của trường nhiều hình ảnh về công trình đặc biệt này, về người lính Trường Sa, về đảo chìm, đảo nổi... và nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn SV.

“Chúng tôi đang bàn bạc, tìm ra nhiều hình thức khác để nhân rộng phong trào “Góp đá xây Trường Sa” vì chương trình mang ý nghĩa quá lớn lao, phải làm sao để ai cũng có thể tiếp cận chương trình gần nhất. Chúng tôi sẽ không chỉ làm ở ĐH Tây Nguyên mà còn thực hiện trên các cộng đồng mạng để chương trình lớn hơn, rộng hơn. Vì góp đá cho Trường Sa không bao giờ là đủ, là thừa, càng nhiều viên đá kết nối lại, biển đảo của chúng ta càng vững mạnh” - anh Thắng chia sẻ.

Sau chuyến đi ấy, những thông tin, hình ảnh, những câu chuyện cảm động trong suốt hành trình và bài hát của thiếu tá Nguyễn Xuân Cung - trung đoàn công binh 131, người trực tiếp thi công công trình “Góp đá xây Trường Sa” trên đảo Đá Tây A - cũng được ông Giao chuyển đến phòng đối ngoại - truyền thông để truyền tải thông tin cho anh chị em cán bộ, công nhân viên trong tập đoàn. Đặc biệt, ông Giao còn chuyển ảnh và các mẫu ốc đảo Cô Lin, đảo Đá Tây, đảo Sơn Ca, cầu gai đảo Sinh Tồn, san hô đảo Sơn Ca và Trường Sa cho phòng thiết kế của công ty. “Không bao lâu nữa chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra các mẫu gạch granite mới lấy ý tưởng từ các mẫu ốc, cầu gai, san hô của quần đảo Trường Sa để tiếp tục chương trình “Cùng Đồng Tâm góp đá xây Trường Sa” - ông Giao hồ hởi nói.

Tổng giám đốc Công ty Bia Huế Nguyễn Mậu Chi cũng cho biết đang tiếp tục thực hiện chương trình nho nhỏ để “Góp đá xây Trường Sa”. “Hiện tại chúng tôi đang vận động một chương trình nhỏ là tặng sim thẻ điện thoại cho các chiến sĩ Trường Sa để họ có nhiều thời gian nói chuyện với gia đình hơn, để họ thấy gần với đất liền hơn và sẽ hoàn thành trong 15 ngày nữa” - ông Chi cho hay.

Mãnh liệt Trường Sa

Khi được tòa soạn giao nhiệm vụ thực hiện loạt bài “Một thời vác đá xây Trường Sa” và “Nhật ký Trường Sa” - hai loạt bài trong chiến dịch “Góp đá xây Trường Sa”, tôi chưa hình dung trọn vẹn sự kết nối, lan tỏa và sức sống của một chương trình lớn lao, mãnh liệt đến thế.

Sau hai loạt bài ấy, phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ đã ghi nhận biết bao lặng lẽ, biết bao gửi gắm, biết bao yêu thương và cả bao giọt nước mắt xúc động. Có người đã may mắn ra Trường Sa nhưng hàng trăm, hàng vạn người chưa từng một lần được đặt chân đến Trường Sa. Họ yêu Trường Sa bằng một tình yêu bình dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng, tự nhiên như vốn có trong xương tủy, như hơi thở giữ sự sống cho họ.

Trong suốt thời gian ghi nhận những câu chuyện “Góp đá xây Trường Sa”, đã biết bao lần chúng tôi lặng đi khi thấy giọt nước mắt của những bà nội trợ, nữ cựu binh, người lớn tuổi nhắc nhớ lại những sự kiện vừa xảy ra với chúng ta ở biển Đông và run run trao số tiền mình dành dụm. Chúng tôi cũng đã thấy vững tin khi bắt gặp những nụ cười trong veo, hồn nhiên của rất nhiều em bé nâng niu mang heo đất đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ, hay khi bắt gặp những nụ cười bẽn lẽn và chẳng chút toan tính của rất nhiều người khi được hỏi về việc “góp đá” cho Trường Sa.

Chúng tôi thấy chính mình như được truyền thêm lửa khi là quyết tâm của bạn đọc “nếu Nhà nước cần chúng tôi sẵn sàng góp tiền mua tàu chiến, máy bay”. Không có sự kêu gọi khoa trương, sáo rỗng, họ cùng xích lại gần nhau, cùng chung tay và đồng lòng cho một thông điệp: Góp đá xây Trường Sa.

Ngày 10-9-2011, khi có mặt trên chuyến xe chở bạn đọc từ TP.HCM ra Cam Ranh dự lễ sơ kết công trình “Góp đá xây Trường Sa” giai đoạn 1, tôi đã được chứng kiến những giờ phút hồi hộp, chờ đợi đầy xúc cảm của hàng trăm bạn đọc. Dẫu chưa phải ra Trường Sa, nhưng trong tâm thức của nhiều người, Cam Ranh là nơi có những chuyến tàu ra Trường Sa. Thế nên trong thâm tâm của họ, ra Cam Ranh như ra Trường Sa. Không ít bạn đọc đã âm thầm tự chuẩn bị nhiều món quà thấm đẫm tấm chân tình dành cho Trường Sa. Và không thể không nói đến khoảnh khắc khi nhà báo Bùi Thanh, đại diện báo Tuổi Trẻ, đề nghị mỗi người mở điện thoại soạn tin nhắn “Góp đá xây Trường Sa” và cùng hô vang ba lần “Việt Nam, Trường Sa” trước khi gửi. Thật khó để quên cảm xúc về không khí như rực lửa khi ấy, khi cả hội trường như dậy sóng với những tiếng hô “Việt Nam, Trường Sa” đầy mạnh mẽ, khí phách.

Ngày 14-9-2011, những viên đá đầu tiên đã được tàu Trường Sa 21 chở ra đảo Đá Tây A. Thật xúc động khi nhìn những viên đá đầy nghĩa tình và biết bao gửi gắm được những người ở lại nắn nót ghi những thông điệp ngắn gọn: “Yêu lắm Trường Sa”, “Trường Sa - Việt Nam”...

Và càng không thể quên những xúc cảm đầy thiêng liêng trong giây phút tham dự lễ khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” trên đảo Đá Tây A của 80 bạn đọc - đại diện cho hàng triệu người dân Việt Nam ngay trên quần đảo Trường Sa trong ngày đầy gió, mưa và sóng.

Từ một nắm đất của cô sinh viên mang ra Trường Sa, giờ đã thành một tòa nhà “Góp đá xây Trường Sa” kiên cố, khang trang nơi đầu sóng ngọn gió. Và sẽ còn tiếp tục nhiều công trình như thế nữa hiển hiện trên vùng đất máu thịt này bởi chương trình “Góp đá xây Trường Sa” không chỉ đơn thuần là phong trào mà là sự sống, sức sống. Sự sống ấy sẽ ngày một lớn mạnh, ngày một sinh sôi bởi nó được nuôi dưỡng bằng trái tim, tâm hồn của triệu triệu người Việt Nam.

“Góp đá xây Trường Sa” đoạt 2 giải báo chí

ir6zS4Yg.jpgPhóng to

Đại diện tập thể và cá nhân của báo Tuổi Trẻ nhận giải thưởng tại lễ kỷ niệm 87 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam và trao giải báo chí TP.HCM sáng 20-6 - Ảnh: Minh Đức

Ngày 20-6, Hội Nhà báo TP.HCM đã trao giải thưởng cho 33 tác phẩm (ở năm nhóm thể loại) đoạt giải báo chí TP.HCM lần 30 năm 2012. Báo Tuổi Trẻ đoạt sáu giải, trong đó có hai giải nhất, một giải nhì và ba giải ba.

Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” (nhóm 5: công trình tập thể) và loạt bài “Gục ngã trên đống tài sản” (nhóm 4: phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh) đã mang về hai giải nhất cho báo Tuổi Trẻ. Ở nhóm 3 (phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí), báo Tuổi Trẻ đoạt giải nhì với loạt bài “Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Lật tẩy báo cáo tác động môi trường” của tác giả Đức Tuyên. Ở nhóm này, báo Tuổi Trẻ còn đoạt một giải ba với loạt bài “Phơi bày mánh khóe đinh tặc” và video “Vạch trần thủ đoạn đinh tặc” của tác giả Anh Thoa.

Ở nhóm tin, ảnh báo chí, báo Tuổi Trẻ đoạt hai giải ba của tác giả Thuận Thắng.

Với giải báo chí quốc gia lần thứ VI năm 2011 (trao giải vào tối 21-6), công trình “Góp đá xây Trường Sa” được trao giải B (không có giải A) nhóm tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép (báo in). Tác giả Thuận Thắng đoạt giải C nhóm ảnh báo chí với tác phẩm “Đá, máu và nước mắt”.

* Chiều 20-6, đoàn cán bộ lãnh đạo TP.HCM do ông Trần Thế Lưu - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, chánh văn phòng Thành ủy TP - dẫn đầu đã đến thăm, chúc mừng báo Tuổi Trẻ nhân kỷ niệm 87 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Chia sẻ, động viên đội ngũ những người làm báo Tuổi Trẻ, ông Lưu nhấn mạnh lãnh đạo TP luôn mong muốn báo Tuổi Trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là một tờ báo như tên gọi, đồng thời là một tờ báo uy tín không chỉ trong giới trẻ.

* Chiều 20-6, Thành đoàn TP.HCM cũng có buổi gặp gỡ các nhà báo trẻ. Tại cuộc gặp, thường vụ Thành đoàn ghi nhận đóng góp của các nhà báo trong phản ánh đời sống giới trẻ và xác định thời gian tới chủ động hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí, thúc đẩy phong trào thanh thiếu nhi TP phát triển...

* Chiều 20-6, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân đã đến thăm và chúc mừng báo Tuổi Trẻ.

Tổng lãnh sự Lê Thành Ân cho biết: “Mỗi sáng, Tuổi Trẻ luôn là tờ đầu tiên tôi chọn đọc để biết những thông tin tổng quan và quan trọng nhất về tình hình Việt Nam”.

Tùy viên văn hóa báo chí Lãnh sự quán Hoa Kỳ Theodore Diehl cho biết sắp tới phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tổ chức các lớp trao đổi nghiệp vụ về báo chí điều tra. “Chúng tôi tin sự thành công của một tờ báo phụ thuộc vào chất lượng phóng viên, và sự thành công của một chính phủ phụ thuộc vào chất lượng báo chí của quốc gia đó” - ông nói.

L.S.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên