14/06/2012 12:06 GMT+7

Sông Tranh 2: không an toàn thì kiên quyết dừng

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Trong phiên chất vấn sáng 14-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời nhiều vấn đề “nóng” như xóa bỏ độc quyền của điện lực, xăng dầu, phát triển thủy điện, thương nhân Trung Quốc tại VN.

Nhận trách nhiệm vì độc quyền doanh nghiệp kéo dài

Về việc tiến tới xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực, Bộ trưởng Hoàng cho biết ngay trong tháng 7-2012 sẽ chính thức vận hành phát điện cạnh tranh.

Theo đó các nhà máy phát điện không phân biệt thành phần kinh tế được tự do chào giá với Trung tâm Điều độ điện lực quốc gia và trung tâm lựa chọn trên cơ sở giá đó.

jgkP78G6.jpgPhóng to
Thiếu điện, các em học sinh ở thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) phải học bài dưới ánh đèn từ nguồn bình ăcquy - Ảnh tư liệu

Đến năm 2014 tiến hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đến năm 2022 sẽ có bán lẻ cạnh tranh. Lộ trình này kéo tương đối dài từ 2014-2022 vì thị trường điện là vấn đề còn mới ở nước ta, điện là mặt hàng phức tạp, nhạy cảm nên bước đi cần thận trọng.

Đối với ngành xăng dầu, trước đây chỉ có Petrolimex là chính, hiện nay có 12 đầu mối xăng dầu, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống người dân. Việc Petrolimex chiếm 60% thị phần xăng dầu có tính lịch sử, hệ thống đã được hình thành nhiều năm nay.

Thực hiện theo nghị định 84, có việc đa dạng hóa các hình thức phân phối xăng dầu và thị trường xăng dầu sẽ vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước. Việt Nam chưa cho phép nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận một phần trách nhiệm trong việc để độc quyền doanh nghiệp kéo dài và nói trước Quốc hội: “Trong quá trình tái cơ cấu sẽ có tham mưu phù hợp hơn cho Chính phủ. Trong lĩnh vực điện lực, trước mắt Bộ Công thương đã kiến nghị tách khâu truyền tải khỏi khâu phân phối, quyết định thành lập ba tổng công ty phát điện độc lập, đây chính là các tiền đề để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh".

"Trong lĩnh vực xăng dầu, qua hai năm vận hành nghị định 84, Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét quá trình vận hành, nếu có bất hợp lý thì bổ sung, sửa đổi. Hiện nay Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính xem xét một số vấn đề như quỹ bình ổn giá xăng dầu, tần suất điều chỉnh giá, trách nhiệm của thương nhân đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu...”.

Liên quan đến dư luận giá xăng dầu “tăng nhanh, giảm chậm”, Bộ trưởng Hoàng nói: “Vấn đề quan trọng nhất là khi giá thế giới thay đổi thì giá trong nước phải thay đổi, chỉ có điều thời gian qua chưa kịp thời, tăng tương đối khá và giảm có mức độ. Trước hết chúng ta sử dụng quỹ bình ổn giá và các công cụ thuế, khi giá thế giới hạ thì các doanh nghiệp có trách nhiệm hạ giá”.

"Sông Tranh 2 là sự cố hi hữu"

Trả lời câu hỏi của hai đại biểu Nguyễn Thanh Thùy (Bình Định) và Nguyễn Văn Ninh (TP.HCM) xung quanh vấn đề thủy điện, Bộ trưởng Hoàng khẳng định cho đến nay về cơ bản các công trình thủy điện đã triển khai đều dựa trên quy hoạch được duyệt, có khoảng 1.097 dự án thủy điện sẽ triển khai, đã vận hành 195 dự án, đáp ứng 36% sản lượng điện quốc gia.

Bộ trưởng Hoàng thừa nhận bên cạnh mặt tích cực thì việc phát triển thủy điện cũng phát sinh những mặt chưa được, thậm chí tiêu cực như: làm thay đổi dòng chảy ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, một số vấn đề về đền bù, di dân, tái định cư...

Vừa qua Bộ Công thương đã tổ chức rất nhiều đoàn kiểm tra, qua đó loại bỏ 52 công trình không đáp ứng được yêu cầu và sẽ tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra này.

iq1jgOb8.jpgPhóng to
Mới đi vào hoạt động, đập thủy điện Sông Tranh 2 gây lo lắng cho người dân - Ảnh tư liệu

Về chất lượng công trình thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Hoàng dẫn lời chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước (bộ trưởng Bộ Xây dựng) khẳng định cho đến giờ phút này chưa có cơ sở để nói rằng không an toàn.

"Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo tuyệt đối an toàn, nếu phát hiện không an toàn thì kiên quyết dừng”- ông Hoàng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, “Sông Tranh 2 là sự cố hi hữu”.

Trả lời chất vấn việc doanh nghiệp Trung Quốc thu mua nông sản ở Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng nói bên cạnh một số thương nhân hoạt động đúng quy định pháp luật, cũng có những thương nhân hoạt động không đúng, như trực tiếp thu mua nông sản, thậm chí nợ đọng nông dân bán sản phẩm cho họ.

Bộ Công thương đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu các sở công thương rà soát, nếu thấy có thương nhân nước ngoài hoạt động sai trái, kịp thời báo cáo. Trường hợp nào vi phạm chưa nghiêm trọng thì nhắc nhở, xử phạt; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì yêu cầu chấm dứt hợp đồng và đền bù các thiệt hại gây ra.

Bộ trưởng Hoàng cho biết: “Giải pháp sắp tới đây một mặt tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, mặt khác qua rà soát nếu thấy có kẽ hở thì tiếp tục hoàn chỉnh quy định pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm khắc các vi phạm”.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên