03/06/2012 11:58 GMT+7

Xe buýt: khó đủ đường

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Thiếu, yếu, kém là những từ được sử dụng nhiều nhất khi nói đến xe buýt tại hội nghị triển khai đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020 do Bộ GTVT tổ chức ngày 2-6.

yriVYtVG.jpgPhóng to
Vẫn còn rất hiếm những xe buýt văn minh, lịch sự như tuyến số 1 (Bến Thành - bến xe Chợ Lớn) ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

54/63 tỉnh thành có xe buýt

Theo thống kê của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cả nước hiện có 54/63 tỉnh, thành có xe buýt, với 627 tuyến (trong đó 449 tuyến nội ô, 127 tuyến kế cận), trên 8.000 xe buýt hoạt động. Nhận định đến năm 2020, xe buýt vẫn giữ vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hiện nay xe buýt thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải vào giờ cao điểm, có lúc hệ số lợi dụng ghế lên tới 200%. Ngoài ra, rất nhiều phương tiện xả khói đen, gây ô nhiễm môi trường, tình trạng xe bỏ điểm dừng, đánh võng, vượt ẩu, không đón trả khách vẫn còn phổ biến. Nghiêm trọng hơn là xảy ra tình trạng có hành vi bất nhã với hành khách, phương tiện xuống cấp, tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt xảy ra nhiều, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng gây chết người.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - phó giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) - cho rằng đội ngũ quản lý, vận hành hoạt động của xe buýt hiện nay thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều.

Còn ông Nguyễn Phi Thường, tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), cho biết xe buýt bị phản ảnh thường xuyên muộn giờ, đặc biệt trong các giờ cao điểm, sức chứa quá tải gấp 1,5-2 lần. Ngoài ra, hạ tầng dành cho xe buýt thiếu và yếu, nhiều khu vực người dân khó tiếp cận với xe buýt, có khu vực còn “trắng” về xe buýt. Hiện tượng trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe giờ cao điểm, hiện tượng xe bỏ điểm dừng và thái độ phục vụ kém của một số lái xe, bán vé vẫn còn gây bức xúc cho khách đi xe.

Ông Thường cho hay theo khảo sát của Transerco về lý do dẫn tới việc không đi xe buýt, có tới 65% người được hỏi cho rằng do chờ lâu và 16% phàn nàn thái độ phục vụ kém.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM thừa nhận mặc dù số tiền đầu tư cho hoạt động xe buýt lớn, nhưng việc quản lý và sử dụng chưa hiệu quả. Trong khi đó, ngành GTVT Hà Nội cho hay xe buýt thủ đô vẫn phải lệ thuộc nhiều vào ngân sách, chỉ riêng năm 2011 đã phải nhận trợ giá tới 900 tỉ đồng, dự kiến năm 2012 là 1.400 tỉ đồng.

TP Hà Nội đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển xe buýt. Tuy nhiên ông Nguyễn Phi Thường cho rằng hiện nay còn thiếu cơ chế chính sách cho việc hỗ trợ mua sắm phương tiện tiên tiến, thân thiện môi trường, các chính sách tạo nguồn tài chính, chính sách thu hút nguồn nhân lực cao, đặc biệt đội ngũ quản lý và hoạt động giám sát. Ngoài ra, Transerco phải rất vất vả để “đòi đất” từ các quận, huyện dành cho hoạt động của xe buýt theo quy hoạch, thậm chí đất khi đòi được lại khó bố trí sử dụng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị các địa phương cần ưu tiên quỹ đất cho phát triển giao thông, hiện tại Hà Nội và TP.HCM chỉ mới dành 7-8% đất cho giao thông, trong khi theo quy định phải dành 20-26%. Nếu không bố trí đủ quỹ đất cho giao thông, chỉ có thể giảm chứ không giải quyết triệt để được tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, ông Thăng lưu ý các địa phương cần áp dụng các công nghệ tự động hóa trong quản lý hoạt động phát triển vận tải công cộng, đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân ngày càng thân thiện hơn với vận tải công cộng...

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên